Sau 3 năm rưỡi đại dịch COVID-19 , theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, từ hôm nay 20-10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Những năm qua đã có nhiều quy định, biện pháp chống dịch COVID-19 chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ, trong đó nhiều quy định đã được điều chỉnh từ trước đó và tới đây sẽ tiếp tục có sự thay đổi về chi trả phụ cấp chống dịch; chi trả viện phí cho người bệnh COVID-19...
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các hoạt động cách ly, phong tỏa được áp dụng
Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận 11.624.065 ca COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 43.206 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, số ca mắc trung bình tháng giảm 68 lần so với năm 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng). Tỉ lệ tử vong do COVID-19 tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam.
Nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới.
Ngày 5-5-2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Đồng thời, khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho biết thống kê của Bộ Y tế thời gian qua số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, đa phần ca mắc nhẹ, có thời điểm không ghi nhận ca nặng vào điều trị, cùng đó nhiều tháng nay Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong.
Dù chưa chuyển nhóm bệnh COVID-19 nhưng thời gian qua, nhiều hoạt động phòng chống dịch tại nước ta đã thực hiện như nhóm B, ví dụ: Việc mở cửa, đi lại, du lịch, hội họp… đã nới lỏng hoàn toàn. Chỉ tập trung xét nghiệm giám sát nguy cơ, không cách ly diện rộng. Ngay tại cơ sở khám chữa bệnh, khi có bệnh nhân COVID-19 cũng không thực hiện cách ly khu vực riêng mà chỉ cách ly ở khoa phòng có bệnh nhân điều trị.
"Trong giai đoạn hiện nay, việc đeo khẩu trang không còn là bắt buộc mà chỉ khuyến khích người dân đeo khẩu trang và khử khuẩn để bảo vệ sức khỏe. Do đó, việc công bố COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B tại thời điểm này chỉ là thủ tục"- PGS Phu đánh giá.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Liên quan đến công tác phòng dịch, PGS Trần Đắc Phu cho rằng vẫn cần có những giám sát, đánh giá nguy cơ vì dù WHO cho rằng COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không thể mất cảnh giác. "COVID-19 vẫn có thể có những biến chủng mới do tính không ổn định của virus này. Việc giám sát nguy cơ sẽ giúp chúng ta không bị động trước diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đây cũng là lý do để Bộ Y tế ban hành kế hoạch quản lý phòng chống dịch bền vững"- PGS Trần Đắc Phu nói.
Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 chuyển sang nhóm B chúng ta cũng không cần công bố dịch hàng ngày mà thực hiện giám sát và công bố như các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Việc tiêm vắc-xin cũng không được tiêm miễn phí, đặc biệt với một số bệnh nhóm B mà không trong Chương trình tiêm chủng mở rộng phải mất tiền tiêm vắc-xin.
Ngoài ra, khi chuyển sang nhóm B, người bệnh COVID-19 sẽ được thanh toán viện phí theo quy định với người tham gia BHYT. Trường hợp không có BHYT, người bệnh sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí.
Chuyển COVID-19 sang nhóm B sẽ thay đổi nhiều quy định về điều trị và phòng chống dịch
Cũng theo PGS Trần Đắc Phu, cùng với việc bãi bỏ quy định 447 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch COVID-19 thì các văn bản của các bộ ngành, địa phương… liên quan đến COVID-19 không còn phù hợp cũng phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh để phù hợp với phòng chống COVID-19 trong tình hình mới như: Quy định giám sát, cách ly, điều trị, đeo khẩu trang…
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo cần truyền thông để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, mất cảnh giác vì COVID-19 cũng có thể biến chủng bất thường. Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với tổ chức quốc tế tiến hành xét nghiệm, đánh giá nguy cơ nếu tình hình bệnh dịch có dấu hiệu phức tạp và quay trở lại vẫn đáp ứng tốt mà không bất ngờ.
Ngày 31-12-2019, TP Vũ Hán, Trung Quốc thông báo xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên. Ngày 4-1-2020, WHO đã thông báo về một loạt các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc, tuy nhiên không có trường hợp tử vong.
Ngày 8-1-2020, WHO xác định virus mới cùng họ với virus corona gây bệnh SARS, chỉ 3 ngày sau, Trung Quốc ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong vì căn bệnh này. Ngày 12-1-2020, virus được đặt tên là 2019-nCoV. Căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra được mang tên nCoV.
Ngày 11-2-2020: WHO chính thức đặt tên bệnh là COVID-19, virus gây bệnh được gọi tên là SARS-CoV-2 để thay cho tên cũ 2019-nCoV.
Ngày 11-3-2020, WHO tuyên bố COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra) là đại dịch toàn cầu.
Từ ngày 13-1-2020, dịch đã lây lan ra các quốc gia ngoài Trung Quốc.
Ngày 23-1-2020 tại Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận 2 bệnh nhân COVID-19 trên lãnh thổ Việt Nam, là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc). Từ đó, đại dịch COVID-19 đã tạo ra 4 làn sóng lớn tấn công sâu rộng trên toàn quốc
Ngày 1-2-2020 Thủ tướng ký Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus SARS-CoV-2 gây ra.
Ngày 1-4-2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.