Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn

TS. BS Phạm Thị Bích Thủy Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương |

Dị vật đường ăn là một cấp cứu phổ biến trong tai mũi họng do thói quen ăn uống không cẩn thận. Tình trạng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt cần lưu ý phòng ngừa tai nạn này trong dịp lễ Tết hay liên hoan, ăn uống đông người…

Mời bạn đọc tham khảo bài viết của TS. BS Phạm Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương về cách xử trí và phòng ngừa dị vật đường ăn trong ngày Tết.

Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn - Ảnh 1.

TS. BS Phạm Thị Bích Thủy

1. Dị vật đường ăn là gì?

Dị vật đường ăn trong tai mũi họng là những trường hợp dị vật mắc ở vùng miệng tới tâm vị của dạ dày.

Dị vật đường ăn thường chủ yếu là xương động vật như: xương cá, xương gà, xương vịt, xương lợn. Ngoài ra có thể gặp các loại hạt kích thước to như: hạt hồng xiêm, hạt vải, hạt nhãn…; Các đồ chơi trẻ em vô tình nuốt; Các vật dụng thường ngày như: tăm tre, đồng xu, kim băng, răng giả…

Nguyên nhân của dị vật đường ăn là do thói quen ăn uống không cẩn thận như: vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa; vừa ăn vừa uống rượu bia; ăn đồ ăn có xương rồi nuốt luôn cả xương...

Đối với người già lắp răng giả không chắc, khi nhai nuốt dễ làm trôi răng giả xuống đường ăn. Trẻ em ăn không biết cách nhằn xương kỹ, bị ép ăn trong khi đang khóc; Hoặc người lớn không trông chừng trẻ nhỏ khiến trẻ nuốt đồ chơi, đồng xu…

Một nguyên nhân nữa dễ làm tăng nguy cơ mắc dị vật đường ăn là thói quen chế biến các món ăn lẫn cả thịt và xương như chặt gà lẫn xương, cá nấu xương lẫn canh hoặc bún, phở có lẫn thịt và xương…

Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn - Ảnh 2.

Dị vật đường ăn là những trường hợp dị vật mắc ở vùng miệng tới tâm vị của dạ dày.

2. Biểu hiện của dị vật đường ăn Dị vật đường ăn khi mắc vào thực quản gây rách hoặc sung huyết, sưng nề niêm mạc thực quản. Niêm mạc thực quản khi bị tổn thương gây viêm niêm mạc, viêm lan tỏa hoặc áp xe dưới niêm mạc.

 Khối viêm còn khu trú trong niêm mạc và lớp cơ thực quản, chưa phá vỡ lá thành bao quanh cơ thực quản gọi là viêm tấy hoặc áp xe thành thực quản. Khi dị vật gây thủng thực quản xuyên qua lớp cơ gây viêm tấy lan tỏa hoặc áp xe quanh thực quản ở vùng cổ hoặc ngực gây áp xe trung thất dẫn tới tử vong nếu không điều trị tích cực. 

 Dị vật sắc nhọn cắm ở vị trí thực quản ngực còn dễ làm thủng động mạch cảnh gây thiếu máu cấp dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. 

  3. Vị trí dễ mắc dị vật

Có 4 chỗ hẹp tự nhiên dị vật thực quản dễ mắc lại là:

- Miệng thực quản.

- Vị trí quai động mạch chủ bắt chéo qua thành trước thực quản.

- Phế quản trái bắt chéo qua thực quản.

- Chỗ chui qua cơ hoành và tâm vị.

4. Chẩn đoán

- Giai đoạn đầu:

+ Bệnh nhân đến sớm khoảng từ 1 đến 2 ngày đầu thì các triệu chứng toàn thân ít thay đổi. Bệnh nhân không sốt.

+ Triệu chứng cơ năng: Bệnh nhân khó nuốt , nuốt vướng, nuốt đau. Bệnh nhân nuốt ngày càng đau, không ăn uống được tiếp. Thường đây là triệu chứng để bệnh nhân phải đến khám ở bệnh viện.

+ Khám bệnh nội soi tai mũi họng có thể thấy dị vật nằm ở họng, hạ họng. Nếu dị vật ở vùng này có thể soi gắp bằng nội soi thông thường. Bệnh nhân thường không cần gây tê hoặc gây mê và có thể về nhà ngay sau khi gắp dị vật với đơn thuốc là thuốc súc họng thông thường, theo dõi trong 3 ngày tiếp theo tại nhà.

+ Nếu dị vật nằm ở dưới từ miệng thực quản trở xuống tới tâm vị thì nội soi tai mũi họng thông thường không thể thấy. Khi đó cần chụp XQ cổ nghiêng, ngực hoặc CT scan vùng cổ, ngực mới có thể phát hiện được nếu dị vật cản quang. Bệnh nhân có triệu chứng đau ở vùng dưới cổ, ngực, nuốt đau nhiều. Ấn máng cảnh đau. Dấu hiệu lọc cọc thanh quản cột sống có thể giảm hoặc mất nếu bệnh nhân đến muộn.

+ Bệnh nhân cần nội soi ống mềm hoặc soi thực quản ống cứng để lấy dị vật.

- Giai đoạn biến chứng:

+ Giai đoạn viêm tấy hoặc áp xe thành thực quản: Xuất hiện sau 24 đến 48 giờ sau mắc dị vật.

+ Toàn thân: Hội chứng nhiễm trùng nặng. Có thể thấy dấu hiệu sốc do nhiễm trùng hoặc suy kiệt.

+ Triệu chứng cơ năng: Bệnh nhân nuốt rất đau, nuốt vướng, không ăn uống được gì. Bệnh nhân không quay được cổ, cúi gằm, đau không đứng thẳng được. Bệnh nhân đau ngực , khó thở.

+ Triệu chứng thực thể: Nếu dị vật ở đoạn thực quản cổ: Ấn máng cảnh đau, không quay cổ được, dấu hiệu lọc cọc thanh quản cột sống giảm hoặc mất.

Khi dị vật để lâu gây viêm tấy lan tỏa vùng cổ, tràn khí dưới da vùng cổ có thể sờ thấy da vùng cổ sưng nóng đỏ hoặc có khí lép bép.

Nếu dị vật ở đoạn thực quản ngực: Bệnh nhân hít sâu đau, khó thở khi vận động.

+ Xét nghiệm máu: Bạch cầu máu tăng rất cao chủ yếu là đa nhân trung tính.

+ XQ: Chụp cổ nghiêng cho thấy cột sống cổ mất chiều cao sinh lý, dày phần mềm trước cột sống cổ, có thể thấy hình ảnh dị vật nếu dị vật cản quang.

+ CT scan cổ ngực: Có thể thấy hình ảnh dị vật, vị trí, kích thước nếu dị vật cản quang.

- Chẩn đoán xác định:

+ Có tiền sử nuốt, ăn thức ăn lẫn xương hoặc nuốt dị vật .

+ Nuốt đau, nuốt vướng, tăng tiết nước bọt.

+ Sưng đau vùng cổ, ngực tương ứng với vị trí dị vật.

+ XQ cổ nghiêng hoặc CT scanner có thể thấy hình ảnh dị vật và những hình ảnh ổ viêm nếu dị vật để lâu.

- Chẩn đoán phân biệt với hóc giả:

+ Bệnh nhân ăn uống bình thường, cảm giác nuốt đau nuốt vướng lúc có lúc không. Chụp XQ không thấy hình ảnh dị vật.

+ Dị vật đã trôi: Mảnh xương mắc vào niêm mạc miệng họng hoặc thực quản nhưng đã trôi xuống dạ dày để lại những vết loét làm bệnh nhân thấy nuốt đau, nuốt vướng. Nội soi họng thanh quản không thấy dị vật. XQ không thấy hình ảnh dị vật. Có thể thấy vết xước, trợt niêm mạc tại vị trí xương mắc. Có thể có hình ảnh mủ hoặc giả mạc ở vị trí nghi ngờ xương mắc, thăm dò bằng dụng cụ khám nhưng không thấy dị vật.

+ Khối u vùng hạ họng, thực quản: Cảm giác nuốt nghẹn nhiều. Khám nội soi tai mũi họng và chụp CT scanner vùng họng hạ họng hoặc ngực cho thấy hình ảnh khối u.

Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn - Ảnh 3.

Hình ảnh hóc xương cá.

5. Xử trí dị vật đường ăn

- Nội soi thực quản gắp dị vật, hút sạch mủ nếu có, đặt sonde dạ dày.

- Điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng đồng thời cấy mủ làm kháng sinh đồ.

- Giai đoạn viêm tấy áp xe quanh thực quản: Xét nghiệm máu có thể thấy máu đông đặc. Công thức máu có bạch cầu đa nhân trung tính tăng rất cao. Xét nghiệm nước tiểu có thể thấy protein niệu.

XQ cổ nghiêng thấy phần mềm trước cột sống cổ dày, mất chiều cong sinh lý cột sống cổ, có thể thấy mức nước mức hơi nếu ổ áp xe hình thành.

CT scanner vùng cổ ngực có thể thấy hình ảnh dị vật, vị trí, những tổn thương áp xe, tràn khí nếu có.

Xử trí: Nội soi lấy dị vật hoặc lấy dị vật theo đường phẫu thuật.

6. Điều trị dị vật đường ăn

- Giai đoạn đầu:

+ Nội soi thực quản gắp dị vật.

+ Nếu thực quản xây xước cần đặt sonde dạ dày.

+ Dùng kháng sinh, giảm đau.

+ Theo dõi 1 tuần.

- Giai đoạn biến chứng:

+ Nội soi thực quản gắp dị vật đồng thời hút mủ tại ổ viêm long thực quản.

+ Đặt sonde dạ dày nuôi dưỡng bệnh nhân.

+ Dùng kháng sinh sử dụng chống vi khuẩn phổ rộng.

+ Mở dẫn lưu ổ áp xe nếu khối áp xe to, không giảm theo ngày điều trị.

+ Mở lồng ngực dẫn lưu nếu có áp xe trung thất.

+ Phối hợp hồi sức tích cực cho bệnh nhân.

+ Nếu biến chứng viêm tấy mô lỏng lẻo vùng cổ, tràn khí vùng cổ. Cần điều trị kháng sinh liều cao phối hợp, loại bỏ dị vật, mở dẫn lưu ổ áp xe nếu cần.

+ Biến chứng viêm trung thất: Lấy dị vật, điều trị kháng sinh phối hợp, mở dẫn lưu ổ áp xe trung thất.

+ Biến chứng thủng động mạch lớn: Dị vật vùng ngực sắc nhọn chọc thủng động mạch cảnh hoặc ổ viêm nhiễm gần vùng động mạch cảnh gây hoại tử thủng động mạch. Cần phối hợp với phẫu thuật lồng ngực và mạch máu tiến hành thắt động mạch cảnh, điều trị ổ viêm.

Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn - Ảnh 4.

Mổ cấp cứu cho bệnh nhân bị áp xe trung thất do hóc xương cá.

7. Phòng ngừa dị vật đường ăn

- Không nên ăn những món ăn có lẫn xương.

- Cẩn thận khi ăn các thức ăn có xương. Nên gỡ xương rồi mới ăn, đặc biệt là thức ăn cho trẻ nhỏ, người già.

- Trong khi ăn uống không nói chuyện, cười đùa. Đặc biệt trong những bữa liên hoan, ăn uống dịp lễ Tết đông người.

- Lưu ý ăn chậm khi uống rượu. Đối với người say rượu, nên có người để ý, chăm sóc ăn uống cẩn thận.

- Không ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc hoặc giãy dụa, nô đùa.

- Lưu ý trông chừng, giám sát trẻ. Không để trẻ chơi những đồ vật nhỏ, dễ nuốt hoặc các các hạt nhỏ như lạc, đỗ, ngô…

- Đối với người già cần cẩn thận khi sử dụng răng giả.

- Khi bị hóc dị vật cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và can thiệp kịp thời. Không chữa mẹo theo mách bảo. Không chậm trễ, để lâu dễ gây những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn - Ảnh 5.

Nên cẩn thận khi ăn các thức ăn có xương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại