Chuyên gia nội tiết cảnh báo tình trạng lạm dụng phẫu thuật tuyến giáp đáng lo ngại ở VN

Thảo Nguyên |

Theo chuyên gia nội tiết Tạ Văn Bình việc lạm dụng phẫu thuật tuyến giáp thực sự không có tác dụng mà chỉ biến bệnh nhân thành những "thương binh".

Mổ tới 3 – 4 lần

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị D. trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ người bố, có bướu nhân tuyến giáp. D đã được phẫu thuật 3 lần và bướu lại mọc lên.

Bố mẹ đưa D. đi khám tại Bệnh viện Đại học Y, được GS. Tạ Văn Bình khám trực tiếp và bệnh nhân D chỉ là nhân tuyến giáp bình thường - lành tính, chỉ định điều trị nội khoa không cần mổ.

Bác sĩ Bình cho biết đây là 1 trong hàng nghìn trường hợp phẫu thuật bướu cổ hiện nay đang bị lạm dụng. Nhiều trường hợp thực chất không cần phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần theo dõi, điều trị nội khoa là được.

Trường hợp của chị Vũ Thị Minh Ng. trú tại Lý Nhân, Hà Nam 35 tuổi, cách đây 4 năm chị Ng. phát hiện cổ to nên đi kiểm tra. Siêu âm tuyến giáp các sĩ chẩn đoán bướu tuyến giáp và chỉ định phẫu thuật tuyến giáp.

Chị Ng. đến bệnh viện phẫu thuật xong và chỉ 2 năm sau nhân tuyến giáp lại mọc lên. Sau hai năm do bướu to và chị Ng. đi khám và lại được tiếp tục chỉ định phẫu thuật lần nữa. Như vậy, chỉ trong 4 năm chị phẫu thuật bướu tuyến giáp 2 lần.

Chị Ng. tâm sự mỗi lần phẫu thuật dù có BHYT nhưng vẫn tốn kém hàng chục triệu đồng. Sau ca mổ, chị Ng. bị hạ canxi huyết nên thường xuyên phải vào viện điều trị.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thực 64 tuổi, trú tại Ân Thi, Hưng Yên cũng phải mổ bướu cổ 3 lần.

Năm 2007, ông Thực mổ lần đầu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm 2011 ông mổ lần thứ 2 tại Bệnh viện tỉnh Hưng Yên và đến nay u tuyến giáp lại mọc lên. Ông đi khám lần 3 bác sĩ vẫn chỉ định phẫu thuật.

Khối u của ông Thực là u hỗn hợp vừa nhân xơ, vừa nang nước nên theo bác sỹ giải thích là "hút dịch không đạt hiệu quả". Ông Thực đang băn khoăn không biết mổ lần nữa rồi u có hết không hay lại tiếp tục tái phát.

Chuyên gia nội tiết cảnh báo tình trạng lạm dụng phẫu thuật tuyến giáp đáng lo ngại ở VN - Ảnh 1.

Điều trị bằng phẫu thuật với bướu cổ đang bị lạm dụng

Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ này có thể lên đến 40-50% dân số, nghĩa là cứ 2 người dân thì có gần 1 người có khối u ở tuyến giáp. U đa phần lành tính, chỉ có 4-7% là ung thư.

Đánh giá về việc phẫu thuật u tuyến giáp lành tính, không có hoạt động chức năng như hiện nay, PGS Tạ Văn Bình cho rằng việc điều trị bằng phẫu thuật với bướu cổ nói chung, bướu nhân tuyến giáp nói riêng đang bị lạm dụng.

Cứ bệnh nhân nào có bướu cổ đều được một số bác sỹ ở một số cơ sở y tế khuyến cáo chỉ định phẫu thuật- vì theo các bác sỹ này thì "u tuy lành nhưng có nguy cơ ác tính cao".

Người Mỹ ngày xưa đã mổ nhiều nhưng sau đó họ thấy "lợi bất cập hại" và từ năm 1990 lại đây họ không còn mổ nhiều như trước. Ở Việt Nam khoảng 5 – 7 năm gần đây người ta mổ vô tội vạ, bệnh viện huyện, tỉnh cứ thấy bướu cổ là mổ.

Hàng ngày, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có những bệnh nhân đã phẫu thuật tới 3 lần u vẫn tái phát khiến PGS Bình rất xót xa cho bệnh nhân.

PGS Bình cho rằng bất cứ ai bị bướu cổ cũng phẫu thuật cắt bướu là việc điều trị không khoa học. Khi phát hiện u tuyến giáp bệnh nhân chỉ cần sinh thiết nếu lành tính thì không cần phẫu thuật mà cần theo dõi, điều trị nội khoa.

PGS Bình cho biết, thậm chí với những trường hợp bệnh nhân có bướu đa nhân độc điều trị nội khoa không khỏi, tái đi tái lại nhiều lần, cơ địa dị ứng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, bướu quá lớn … thì mới xem xét chỉ định phẫu thuật.

Bướu basedow là bướu cổ do cường chức năng tuyến giáp và gây ra hiện tượng nhiễm độc giáp. Với bệnh nhân đang trong đợt nhiễm độc giáp tiến triển thì tuyệt đối không được chỉ định phẫu thuật. Nếu muốn phẫu thuật cũng phải chuẩn bị chu đáo điều trị nội khoa trước.

Việc phẫu thuật - cácbướu cổ lành tính cần cân nhắc thận trọng. Nhiều trường hợp sau phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp, do nhu cầu cơ thể đòi hỏi lượng hooc-môn bù đắp nên tuyến giáp phải tái tạo lại và sinh u tiếp. Ngoài ra, bản thân có các u nhân nhỏ không tìm ra sẽ mọc ra nên việc phẫu thuật không có giá trị.

Chuyên gia nội tiết cảnh báo tình trạng lạm dụng phẫu thuật tuyến giáp đáng lo ngại ở VN - Ảnh 2.

PGS Tạ Văn Bình

Hơn nữa, khi phẫu thuật u lành cắt hết tuyến giáp thì bệnh nhân phải sử dụng thuốc hooc-môn tuyến giáp đến suốt đời.

Khi nhiều tuổi hơn, mạch vành bị suy gây thiếu máu cục bộ cơ tim, lại phải uống hooc-môn giáp để chữa suy giáp do phẫu thuật thì thật tai họa, chưa kể khi dùng thuốc là hooc-môn giáp còn góp phần quan trọng gây ra các biến chứng, gây loãng xương, gãy xương ở người cao tuổi.

Chính vì thế, PGS Bình cho biết, để phẫu thuật bướu cổ bác sĩ phải hết sức cân nhắc. Trường hợp sinh thiết ác tính mới phẫu thuật. Thậm chí để có kết luận chính xác cần kiểm tra ở những cơ sở tin cậy về chuyên môn.

Trong thực tế có bệnh nhân 3 lần sinh thiết được chẩn đoán là "ác tính" nhưng sau phẫu thuật chẩn đoán giải phẫu tế bào lại là lành tính và cứ mổ đi rồi lại bị bướu cổ tái lại.

Quan trong hơn hết là lương tâm của người thầy thuốc. Nếu người bệnh là người thân của họ thì trong những trường hợp này họ có phẫu thuật không? - PGS Bình đặt câu hỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại