Chuyên gia nói gì về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi?

N.Dung |

Chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi sẽ được thực hiện khi có đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, căn cứ khoa học và tình hình dịch tễ.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, thống kê số lượng trẻ để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ điều kiện, cơ sở khoa học.

Để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em tại Việt Nam khi đủ căn cứ, cơ sở khoa học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bản thuộc nhóm 6 tháng - dưới 5 tuổi gồm: Trẻ từ 6 tháng - dưới 1 tuổi; trẻ từ 1 tuổi - dưới 2 tuổi; trẻ từ 2 tuổi - dưới 3 tuổi; trẻ từ 3 tuổi - dưới 4 tuổi; trẻ từ 4 tuổi - dưới 5 tuổi.

Chuyên gia nói gì về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi? - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em- Ảnh: HCDC

Trước đó, trong thông báo số 205/TB-VPCP ngày 15/7/2022 kết luận của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương, Ban Chỉ đạo yêu cầu rà soát kế hoạch tiêm vắc-xin 6 tháng cuối năm 2022, xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin năm 2023 và kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 6 tháng - dưới 5 tuổi. Đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc-xin mũi 3 và 4 cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành...

Một chuyên gia dịch tễ cho biết để triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi cần phải đảm bảo có đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, căn cứ và tình hình dịch tễ.

"Nếu trong bối cảnh bình thường mà không có yếu tố dịch với nguy cơ thì không cần thiết. Bản chất tiêm vắc-xin, nhất là vắc-xin COVID-19 cần phải tính toán cả lợi ích và rủi ro. Nếu nhìn ở góc độ rủi ro thì nhiều người lo ngại nhưng nếu tính về lợi ích thì rõ ràng có. Tiêm vắc-xin COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch. Thực tế sau chiến dịch tiêm vắc-xin và thực hiện các mũi tiêm nhắc lại, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao thì tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong đã giảm mạnh"- chuyên gia này phân tích.

Về kế hoạch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ dưới 5 tuổi, một chuyên gia cho biết giữa tháng 8 vừa qua Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi và chưa có khuyến cáo tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi này.

"Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý thấy trên thế giới có một số quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ này, trong đó có Mỹ. Do vậy, việc yêu cầu các cơ quan chuyên môn yêu làm rõ và yêu cầu địa phương lên kế hoạch tiêm chủng với đối tượng này thì cũng là việc bình thường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn các điều kiện như thống kê đối tượng và thống kê nhu cầu từ đó tính toán số liệu để mua vắc-xin hoặc nhận viện trợ từ quốc tế. Nếu dịch bệnh bùng phát, Chính phủ quyết định mua vắc-xin cho trẻ, lúc đó mới lập kế hoạch chắc chắn sẽ chậm"- chuyên gia này giải thích.

Chuyên gia nói gì về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi? - Ảnh 2.

Viêm tiêm chủng vắc-xin phải đảm bảo có đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, căn cứ và tình hình dịch tễ

Một số chuyên gia dịch tễ cũng cho biết nếu tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho nhóm trẻ này thì việc tiêm chủng sẽ không thực hiện đồng loạt cho tất cả mà sẽ thực hiện tiêm từ lớn đến nhỏ, có thể từ trẻ 4 đến dưới 5 tuổi hoặc nhóm 3 đến dưới 5 tuổi và thực hiện trước tại một số địa phương dịch phức tạp.

Trước lo ngại về việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, một số chuyên gia cho rằng thực tế có những loại vắc-xin đã tiêm ngay sau khi trẻ chào đời như viêm gan B và tiêm khi trẻ mới chỉ 2, 3 và 4 tháng tuổi như vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib....

"Vắc-xin COVID-19 được theo dõi, đánh giá nhiều nhất trên thế giới. Hiện thế giới đã tiêm khoảng 12 tỉ liều vắc-xin COVID-19 và việc theo dõi phản ứng phụ được các quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện sau hơn 2 năm tiêm chủng và hiện nay vẫn đang tiếp tục theo dõi. Mỗi phản ứng xảy ra đều có tổng hợp, thống kê số liệu. Tùy cơ địa, vắc-xin sẽ có những phản ứng khác nhau hoặc không có phản ứng, nhưng nếu vắc-xin không an toàn chắc chắn đã bị ngừng sử dụng"- chuyên gia này nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại