Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc như Tống Trung Bình và Triệu Vĩnh Linh cho rằng, nếu vụ thử nghiệm lần thứ 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 là đáng tin cậy thì thông tin này có thể cho thấy, DF-41 đã tiệm cận giai đoạn đưa vào sử dụng và nếu chính thức được trang bị cho Quân đội Trung Quốc nó sẽ trở thành phương thức răn đe chủ yếu đối với Mỹ.
Cho đến nay, Trung Quốc có bao nhiêu ICBM hạt nhân có thể tấn công Mỹ luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Truyền thông nước ngoài từng có bài viết cho rằng, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 50 ICBM có thể tấn công lãnh thổ Mỹ nhưng chỉ có 15 tên lửa đủ khả năng bắn tới New York.
Những ICBM này thuộc dòng DF-5 và DF-31 nhưng chúng đều chứa đựng những hạt chế nhất định.
DF-5 tuy có ưu thế về tải trọng lớn, uy lực mạnh, nhưng động cơ nhiên liệu lỏng đã hạn chế tốc độ phản ứng của nó. Thời gian lấy đầy nhiên liệu lỏng thường mất vài tiếng và sau khi lấy đầy cũng cần phải mất khoảng thời gian ngắn để phóng nếu không thân tên lửa có thể bị nhiên liệu ăn mòn.
Tên lửa DF-5B của Trung Quốc
Trong khi đó, DF-31 là dòng ICBM cơ động trên xe phóng, một đầu đạn và động cơ nhiên liệu rắn. So với tên lửa DF-5, tốc độ phản ứng và khả năng sinh tồn của DF-31 được nâng cao đáng kể. Phiên bản mới nhất của DF-31 là DF-31AG đã được cải tiến, trên cùng xe phóng có thể mang nhiều đầu đạn. Tuy nhiên, tầm bắn của nó vẫn rất hạn chế và khả năng thâm nhập kém.
Hiện nay, ICBM DF-41 hội tụ tất cả ưu điểm của tên lửa DF-5 và DF-31, thu nhận nhiều ưu điểm như phóng cơ động, công nghệ đa đầu đạn, nhiên liệu rắn, tải trọng lớn. DF-41 có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng độc lập, tầm bắn tối đa hơn 14.000 km, bao phu hoàn toàn lãnh thổ Mỹ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A của Trung Quốc
Tờ Washington Free Beacon của Mỹ cho rằng tên lửa DF-41 có thể mang được 10 đầu đạn phân hướng, mỗi đầu đạn tương đương với 1 triệu tấn thuốc nổ TNT trở lên. Một đơn vị trang bị 32 quả tên lửa DF-41 sẽ có khả năng tấn công mỗi thành phố có 50 nghìn dân.
Tuy nhiên, chuyên gia Richard Weitz - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị - Quân sự Viện Hudson (Mỹ) cho rằng, với 260 đầu đạn trong kho vũ khí hạt nhân - vẫn ít hơn so với Mỹ, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc không thể đáp ứng đủ cho tên lửa DF-41.
Thực tế này sẽ khiến cho tên lửa DF-41 của Trung Quốc giống như "khẩu súng không có đạn", hạn chế khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ và cũng làm cho sức răn đe Mỹ giảm đi đáng kể. Trong khi đó, Mỹ còn có khả năng chống tên lửa rất mạnh và khả năng phản công hạt nhân siêu mạnh.
Vì vậy, trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ có số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc có thể bắn tới Bắc Mỹ.
Theo chuyên gia Richard Weitz, Mỹ có khoảng 2.000 ICBM với 6.450 đầu đạn hạt nhân còn Trung Quốc chỉ có khoảng mấy chục tên lửa liên lục địa, vì vậy Mỹ có thể khiến Trung Quốc "biến mất khỏi trái đất nhiều lần".
Để so sánh tương quan vũ khí hạt nhân Mỹ - Trung, chuyên gia quân sự Trung Quốc Dương Thừa Quân cho rằng, nếu số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ là 10 thì nhiều nhất của Trung Quốc là 0,001.
Ông này cho biết thêm, "bất luận là so sánh sức mạnh tổng hợp, sức mạnh quân sự hay là khả năng hạt nhân của Mỹ, Trung Quốc đều kém hơn nhiều, điều này chúng ta phải thừa nhận".
Quân đội Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa