Chuyên gia hiến kế cho Hà Nội để cấm hẳn xe máy trong 10 năm tới

Tuệ Minh |

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, để cấm hẳn xe máy trong nội đô, Hà Nội phải giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải như xe buýt, tàu điện...

Thông tin "từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động xe máy cá nhân" trong nội đô tại dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của thành ủy Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bên cạnh sự chú ý, đã có không ít ý kiến cho rằng, việc cấm hẳn xe máy trong 10 năm tới là rất khó. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP.Hà Nội về những vấn đề này.

Ngạc nhiên với số xe máy trên 1 km đường

PV: Trên cơ sở lấy số liệu công bố là 5.045.672 xe máy ở HN chia cho 7.000km đường ở Hà Nội, chúng ta có con số 720 xe máy/km đường. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Đó là chỉ con số ta chia theo trung bình. Còn ở khu vực nội thành, tập trung nhiều cơ quan công sở, tôi nghĩ con số còn cao hơn nhiều.

Mới đây, tôi cũng thấy có bài báo công bố thông tin mỗi km đường tại Hà Nội có trên 2.500 xe máy, gần 200 ôtô con. Và tốc độ tăng trưởng ôtô con là 13%/năm và có xu thế ngày càng cao; xe máy tăng khoảng 7%/năm và xu thế tăng chậm dần.

Tuy nhiên, tất cả những con số đó chỉ giúp nói lên một điều với sự gia tăng xe cá nhân không kiểm soát được như hiện nay, thì ùn tắc là tất yếu. So với các thành phố khác trên thế giới, có lẽ số xe máy/1km đường phố ở HN thuộc dạng tốp đầu. Vì vậy, việc nghiên cứu và tìm ra giải pháp để kiềm chế tăng trưởng xe cá nhân là việc làm cấp thiết của toàn xã hội.

Chuyên gia hiến kế cho Hà Nội để cấm hẳn xe máy trong 10 năm tới - Ảnh 1.

Số lượng phương tiện cá nhân đang ngày càng tăng cao (Ảnh minh hoạ: VNN)

PV: Con số 720 xe máy/km đường HN hay 2500 xe máy/km cộng với số lượng ô tô đang ngày càng gia tăng liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng tắc đường hiện nay ở HN?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Đúng, mặc dù chúng ta đã có nhiều giải pháp: làm cầu vượt, làm hầm chui, tổ chức nhiều cặp đường 1 chiều...

Tôi cho rằng ngoài số lượng xe rất lớn, sự hợp lý của việc phân luồng cũng như cơ sở hạ tầng, một trong những yếu tố chính dẫn đến tắc đường là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Dù đường đã được phân làn nhưng mạnh ai nấy đi, nếu không có lực lượng chức năng điều khiển giao thông tại chỗ.

PV: Theo thống kê, hiện có đến 90% dân số HN sử dụng phương tiện cá nhân. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc phương tiện công cộng chưa phải là loại hình phương tiện chính được mọi người ưa chuộng?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Rất đơn giản, đó là vì loại hình vận tải hành khách công cộng còn chưa đủ thuận tiện và hấp dẫn người tham gia giao thông.

Phải tăng cường sự hấp dẫn của loại hình VTHKCC

PV: Vừa qua, trả lời báo chí, TS Đinh Thị Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý GTVT nhận định: "Việc cấm hoàn toàn xe máy ở Hà Nội trong 10 năm tới là khó, nhưng hạn chế theo hành lang, giờ, khu vực là khả thi và bắt buộc phải thực hiện". Theo ông, đó là sự bàn lùi hay là một góc nhìn thực tế hơn đối với giao thông Hà Nội?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Tôi không nghĩ đó là sự bàn lùi. Tuy nhiên, để cấm lưu hành xe máy ở Hà Nội trong 10 năm tới thì không đơn giản.

Tuy nhiên, ý tưởng này có thể dùng làm "bước đệm" trong bối cảnh hiện nay để Hà Nội có thể tiến tới cấm lưu hành xe máy ở Hà Nội trong 10 năm tới. Muốn làm được như vậy thì phải tăng "sự hấp dẫn, tiện lợi" của  VTHKCC tại Hà Nội trước mắt là xe buýt.


Chuyên gia hiến kế cho Hà Nội để cấm hẳn xe máy trong 10 năm tới - Ảnh 2.

Xe buýt tại Hà Nội (Ảnh: Đại Lộ)

Đó là nâng cao chất lượng mạng lưới. Nâng cao chất lượng xe buýt. Nâng cao trình độ chuyên môn, giao tiếp, văn hóa ứng xử cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ, người điều hành, quản lý. Ngoài ra cũng cần ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ để tạo sự thuận lợi cho hành khách sử dụng dịch vụ này.

PV: Để kế hoạch cấm xe máy trong nội đô từ năm 2025 của Hà Nội có thể thực hiện thành công, theo ông, Hà Nội cần làm những gì?

Ông Nguyễn Trọng Thông: Bài toán này cũng chỉ là một trong những biện pháp góp phần giảm tình trạng ùn tắc tại Hà Nội cũng như giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông gây ra.

Theo tôi, để có thể tiến đến việc cấm lưu hành xe máy ở trong nội thành, một trong những biện pháp đó là Hà Nội cần ưu tiên khuyến khích phát triển VTHKCC: xe buýt, tàu điện...

Và về cơ bản, tôi cho là Hà Nội cần có sự nhất quán định hướng ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC, và trước 1 bước với việc hạn chế lưu hành xe cá nhân

Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho hệ thống VTHKCC, các điểm đầu cuối của tuyến. Đặc biệt, ưu tiên quỹ đất tại các điểm có các vị trí gửi phương tiện cá nhân để hạn chế phương tiện này vào trung tâm TP. Bên cạnh đó, để phát triển VTHKCC phải có đường ưu tiên, bãi đỗ cho hệ thống hậu cần.

Đồng thời coi taxi là VTHKCC để quản lý hệ thống này; đặt ra điều kiện tiêu chuẩn xe, đoàn xe… cho phép sử dụng hạ tầng cơ sở trên các điểm trung chuyển, điểm dừng chung của hệ thống VTHKCC. Phân luồng xe và hạn chế phạm vi hoạt động của xe máy.

Hạn chế xe máy trên các trục đường đã có tuyến xe buýt đi qua, xây dựng các khu vực gửi xe máy tại các trục đường chính vào thành phố. Các đường phố có xe buýt hoạt động và có khả năng lập lại dải phân cách kiên quyết không cho xe máy hoạt động.

Để quản lý, hạn chế phương tiện cá nhân không còn con đường nào khác là phải có hệ thống CCCS ưu tiên phát triển VTHKCC và hệ thống này phải sẵn sàng, tiện lợi, hấp dẫn, đi trước một bước thì việc áp dụng các biện pháp kiềm chế gia tăng phương tiện cá nhân mới hiệu quả.

Phải tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên tuyệt đối cho VTHKCC trong vành đai 3. Tách vận tải liên tỉnh, quá cảnh ra ngoài vành đai 3. Trong nội đô cũng hạn chế thương mại trên các trục đường giao thông, duy trì việc bố trí lệch giờ làm việc để kéo dài khung giờ cao điểm, tránh xung đột, ùn tắc giao thông.

Có thể khẳng định chỉ khi nào mà dịch vụ VTHKCC có chất lượng phục vụ tốt, thuận tiện đủ sức hấp dẫn, khi nào mà các cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia giao thông đô thị thấy rõ tác hại của sự gia tăng phương tiện cá nhân, thì khi đó mọi người mới tự giác sử dụng dịch VTHKCC, thay vì sử dụng phương tiện cá nhân – một thứ phương tiện vừa tốn kém, không an toàn, vừa gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị. 

Chỉ khi nào các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà tuyên truyền kiên trì ưu tiên phát triển VTHKCC, kiên trì hạn chế phương tiện cá nhân, thì khi đó giao thông Thủ đô mới trật tự, văn minh xứng đáng là thành phố Hòa bình, Thủ đô của cả nước.

Xin cám ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại