Chủ tịch tỉnh Bình Dương nói về việc mua lại trạm BOT rồi xoá bỏ

Tuệ Minh |

Theo Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, việc mua lại trạm BOT rồi xoá bỏ cũng không dễ dàng và số tiền phải trả cho doanh nghiệp áng chừng hơn 30 tỉ đồng.

Việc UBND tỉnh Bình Dương mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương rồi xoá bỏ đã làm nức lòng các doanh nghiệp vận tải, tài xế cùng người dân.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về sự việc này.

Chỉ trả tiền vốn, không trả tiền lãi 

PV: Xuất phát từ đâu, UBND tỉnh Bình Dương lại có quyết định mua Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) rồi xoá bỏ?

Ông Trần Thanh Liêm: Đó là trạm ở giữa tỉnh. Hiện nay nó đang bị ùn tắc rất kinh khủng bởi vì đây là đường trục chính từ trung tâm tỉnh đi xuống Khu Công nghiệp Sóng Thần. Vì thế tỉnh quyết định mua lại trạm BOT đó để Bình Dương đầu tư mở rộng thành 6-8 làn xe thay vì 4 làn như hiện nay.

Khi thu hồi thì Bình Dương cũng đền bù tiền cho doanh nghiệp như trong hợp đồng đã ký bởi nếu theo thời gian trong hợp đồng, doanh nghiệp còn hơn chục năm khai thác nữa. Trong việc mua này, phía UBND tỉnh cũng chỉ trả tiền vốn cho doanh nghiệp thôi chứ không trả tiền lãi.

Cũng phải nói thêm, đó là một doanh nghiệp Nhà nước do tỉnh quản lý nên Bình Dương mới có thể vận động, động viên như thế.

Trong tình hình hiện nay bởi nhu cầu là muốn kết nối liên vùng giữa Bình Dương và TP.HCM và các tỉnh, vận chuyển hàng hoá xuống Cảng nên mình phải mua lại trạm BOT đó để đầu tư, mở rộng đường.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương nói về việc mua lại trạm BOT rồi xoá bỏ - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT An Phú đã được xóa bỏ (Ảnh: Vũ Hội/Pháp luật TP HCM)

PV: Xin ông có thể tiết lộ số tiền mà phía tỉnh bỏ ra để mua lại trạm BOT này là bao nhiêu?

Ông Trần Thanh Liêm: Đúng ra là mua phải trả lãi cho họ vì theo hợp đồng họ còn có khoảng thời gian 5 năm để thu lãi.

Nếu phải trả lãi, áng chừng số tiền đó lên đến hơn 200 tỉ đồng nhưng thực tế, do không trả lãi nên số tiền chỉ còn hơn 30 tỉ đồng. (Tôi không nhớ chính xác, bên Sở Tài chính nhớ chính xác. Mà con số đó chắc chắn dưới 40 tỉ đồng - chỉ là tiền vốn xây dựng).

Thực ra, ở vào hoàn cảnh này thì không doanh nghiệp nào chịu cả, chắc chỉ Bình Dương mới làm nổi thôi. Bởi đó là doanh nghiệp Nhà nước vừa chịu sức ép từ tỉnh, vừa được động viên, vận động nên họ mới đồng ý.

Còn nếu chiếu theo luật là mình thua bởi mình ký hợp đồng với người ta với thời gian hoàn vốn là 15 năm, sau đó là khoảng thời gian họ thu lãi nữa.

Do nhu cầu phát triển của tỉnh quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng và điều kiện thay đổi ngoài hợp đồng mình ký thì mình mua lại trạm và trả họ tiền đầu tư ban đầu.

PV: Từ khi nào phía tỉnh có chủ trương mua lại trạm BOT này thưa ông?

Ông Trần Thanh Liêm: Việc này đã có quy hoạch từ năm 2010. Và quy hoạch này là do Thủ tướng Chính phủ duyệt chứ không phải tỉnh duyệt.

Việc mua lại trạm BOT cũng phù hợp 2 điều: Phù hợp với quy hoạch do Thủ tướng duyệt và phù hợp với nhu cầu phát triển, nhu cầu giải quyết vấn đề giao thông trên tuyến đường "huyết mạch" này của tỉnh.

"Việc làm này là đặc biệt thôi"

PV: Việc doanh nghiệp đồng ý mất đi phần lãi từ trạm BOT bán cho tỉnh hẳn là không dễ. Tuy nhiên, sau này, phía tỉnh có quyết định dành cho họ những sự ưu ái nhất định nào hay không?

Ông Trần Thanh Liêm: Chưa có ưu ái gì cũng chưa hứa gì. Cũng cần nói thêm, doanh nghiệp này còn có một trạm BOT ở vị trí khác. Họ có hai trạm nhưng mình chỉ mua lại một trạm thôi.

Tuyến đường có trạm BOT được tỉnh mua là đường trục chính của quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ duyệt là đường cao tốc Bình Dương - Bình Phước.

Đoạn đường này dài hơn 10 km theo quy hoạch là 8 làn xe, đúng ra là vốn của Trung ương đầu tư nhưng chờ lâu quá nên tỉnh đầu tư. Việc làm này là đặc biệt thôi.

PV: Khi mình đề cập đến việc mua lại trạm BOT, phản ứng từ phía doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Liêm: Ban đầu họ cũng không chịu nhưng mình vận động họ thôi. Việc này chính phía tỉnh cũng có nhiều sức ép: sức ép từ sự phát triển, sức ép từ việc tắc đường gây cản trở giao thông đối với doanh nghiệp...

Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng đồng thuận mà không ra điều kiện gì với chính quyền. Vậy là trạm BOT này đã ngưng thu phí từ 1/8 đến nay.

PV: Cá nhân ông, với tư cách là người đứng đầu UBND tỉnh Bình Dương, ông có phải chịu sức ép nào không khi tỉnh quyết định mua lại trạm BOT này?

Ông Trần Thanh Liêm: Việc thương thuyết giữa tỉnh và doanh nghiệp cũng phải làm hai ba cuộc mới thành công chứ họ đâu có chịu ngay đâu. Rốt cuộc, vì sự nghiệp phát triển của tỉnh nên họ cũng đồng ý.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi tự hào là tỉnh làm BOT tốt nhất cả nước. Nhờ BOT mà Bình Dương mới có Đại lộ Bình Dương, có nhiều đường trục chính của tỉnh (đường 743, 744, 741, 746, 747).

Bình Dương làm mấy trạm thu phí: tự động có, thu phí có... nhưng không có một doanh nghiệp nào trên đất Bình Dương gây phiền hà tại vì đường được làm rất tốt, giảm thời gian lưu thông, không kẹt xe.

PV: Một vấn đề khác được dư luận quan tâm, đó là nguồn tiền dùng để mua lại trạm BOT đó...

Ông Trần Thanh Liêm: Đó là tiền ngân sách chứ. Việc này đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương sau đó mới đưa vào kế hoạch. Việc đầu tư xây dựng mở rộng đường cũng phải do HĐND tỉnh quyết định. Mọi việc làm theo đúng trình tự của đầu tư công.

Trong số tiền trả doanh nghiệp, một phần là tiền đền bù cho người dân trước đây. Nếu tỉnh làm đường thì tiền đền bù đó, tỉnh cũng phải chi trả.

Ngoài ra, trong số tiền trả doanh nghiệp còn có tiền đền bù hợp đồng do tỉnh làm sai hợp đồng (UBND tỉnh ký hợp đồng với doanh nghiệp), thu hồi đường trước thời hạn trong hợp đồng.

Xin cám ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại