Chuyên gia giải đáp về căn bệnh gần 400 triệu người mắc, gây tử vong chỉ đứng sau ung thư

Khánh Mai |

Thời tiết, khói bụi và môi trường sống bị ô nhiễm chính là nguyên nhân khiến tỉ lệ người Việt mắc các bệnh về đường hô hấp ngày một tăng cao. Trong đó thường gặp nhất là bệnh hen phế quản. Để giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về bệnh hen và tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị. Phóng viên Báo Sức khỏe &Đời sống có cuộc trao đổi với PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm- Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.

PV: Được biết, hen phế quản là một trong những bệnh lý mãn tính và là vấn đề rất nghiêm trọng khi không được phát hiện điều trị. Vậy, xin cho biết thực trạng bệnh lý hiện nay tại nước ta?

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm: Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính ở đường hô hấp, dẫn đến khó thở từng cơn do sự co thắt của phế quản. Hiện tượng này có thể tự khỏi hoặc do điều trị. Tuy nhiên, bệnh thường tái phát lại. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số bệnh nhân mắc bệnh Hen phế quản có xu hướng ngày càng gia tăng, ước tính hiện nay, có khoảng gần 400 triệu người mắc bệnh hen. Ở Việt Nam, có 4 - 5% dân số mắc hen phế quản. 

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 12-13 có tỷ lệ bệnh hen phế quản cao nhất châu Á với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng. Việc định bệnh hen phế quản ở trẻ em thường rất khó khăn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng, dẫn đến việc phát hiện và điều trị chậm trễ.

Chuyên gia giải đáp về căn bệnh gần 400 triệu người mắc, gây tử vong chỉ đứng sau ung thư - Ảnh 1.

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm- Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - Đại học Y Hà Nội.

PV: Nói đến tình trạng hen phế quản gia tăng, vậy xin PGS chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh thưa PGS?

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm: Nguyên nhân gây bệnh hen ngoài yếu tố do di truyền,thì tỷ lệ hen có xu hướng tăng nhanh  vì môi trường sống bị ô nhiễm cao và một phần không rõ nguyên nhân hay phụ thuộc vào cơ địa. Người mắc bệnh hen chú ý với dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc và tiếp xúc với lạnh (thức ăn uống lạnh, nhiệt độ lạnh).  

Điều đáng lưu ý, mỗi một bệnh nhân hen có những loại dị nguyên (nguyên nhân gây dị ứng) khác nhau. Có khi gần như tất cả những dị nguyên gây ra cơn hen ở một số người lại không gây ra triệu chứng gì ở những người còn lại. Một số dị nguyên thường gặp gây ra cơn hen có thể là: Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc khói tạo ra bởi củi đốt. 

Hít phải không khí ô nhiễm. Hít phải những tác nhân kích thích đường hô hấp khác chẳng hạn như: nước hoa hoặc chất tẩy rửa. Hít phải những chất gây dị ứng (dị nguyên) chẳng hạn như: bụi nhà hoặc lông súc vật.  Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như: cảm cúm, viêm xoang hoặc viêm phế quản… Thời tiết lạnh, khô.  

Cảm xúc hưng phấn hoặc stress. Vận động quá nhiều. Trào ngược dịch dạ dày, còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Ở một số phụ nữ (không phải là tất cả) có triệu chứng hen liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Yếu tố nguy cơ cũng khiến tình trạng bệnh tiến triển như:  Đang mắc các bệnh về dị ứng như: viêm da dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng…;- Thừa cân; Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá; Tiếp xúc với khí thải hay các loại ô nhiễm; Tính chất nghề nghiệp hay phải tiếp xúc với các loại hóa chất.

Chuyên gia giải đáp về căn bệnh gần 400 triệu người mắc, gây tử vong chỉ đứng sau ung thư - Ảnh 2.

PV:  Xin PGS cho biết  làm thế nào để biết được bị mắc hen phế quản?

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm: Các triệu chứng của hen phế quản biểu hiện không giống nhau ở mỗi người và trên cùng 1 người biểu hiện không giống nhau tùy theo từng thời điểm. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hen phế quản thì có các dấu hiệu như: 

Ho, nhiều về đêm và gần sáng; Khò khè tái đi tái lại nhiều lần; Nặng ngực, tái đi tái lại; Khó thở, tái đi tái lại; Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều và nặng vào ban đêm, tái đi tái lại nhiều lần.

Triệu chứng xuất hiện nhiều hơn hoặc nặng hơn khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa…Triệu chứng xuất hiện rõ hoặc xấu đi khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen: Lông thú, mạt bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc, khói than, hóa chất, mùi hôi thói, thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn đường hô  hấp, vận động nhiều, xúc động mạnh…

Triệu chứng được cải thiện khi sử dụng thuốc phòng chống hen. Ngoài ra một số triệu chứng của bệnh cũng có thể gây nhầm lẫn với những bệnh lý ở đường hô hấp khác như: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản mạn, viêm đường hô hấp do virus, viêm phế quản, viêm thanh khí quản, suy tim, dị vật đường thở …

Vì vậy cần lưu ý theo dõi nếu điều trị bằng kháng sinh không đở hơn trong khi đó điều trị thử bằng thuốc chống hen thì đỡ, trường hợp này trẻ có thể bị hen.

PV: Nói như PGS hen phế quản hay bị nhầm lẫn và khó phát hiện vì có các triệu chứng giống như một số bệnh lý hô hấp. Vậy nếu phát hiện muộn, điều trị không đúng hen phế quản gây ra những nguy hại gì?

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm:

Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới và ở nước ta, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen trên phạm vi toàn cầu và đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 400 triệu người.

Tử vong do hen cũng tăng rõ rệt ở nhiều nước. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 trường hợp tử vong do hen, trong đó có khoảng 85% những trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.

Còn ở Việt Nam, tỉ lệ người bị hen phế quản chiếm 5% dân số, ước tính hơn 4 triệu người. Trong đó, tỉ lệ trẻ em bị bệnh là 8 – 12%, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi 12 – 13 tuổi.

Thống kê mới đây cho thấy, tại Hà Nội có 8,1% trẻ em nội thành và 6,7% trẻ em ngoại thành bị hen phế quản. Còn nếu tính riêng ở lứa tuổi tiểu học thì tỉ lệ trẻ mắc bệnh là 9% ở nội thành và 7% ở ngoại thành.

Tại TP. HCM, con số này cao hơn rất nhiều, cụ thể là có 29,1% trẻ dưới 18 tuổi bị hen phế quản, con số thuộc loại cao nhất châu Á. Điều này khiến Tổ chức y tế ISAAC (chuyên nghiên cứu bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ em trên toàn cầu) gọi TP. HCM là “thủ đô” của bệnh hen phế quản tại châu Á. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, gây chết người nhiều thứ 2 chỉ sau bệnh ung thư.

Hen phế quản tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh diễn biến nặng hơn và nguy hiểm hơn, bệnh hay gây ra những biến chứng như:xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, khí phế thũng, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: gặp ở khoảng 5% hen mạn tính. Khi có tràn khí phải xử trí cấp cứu kịp thời. 

Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân gây đột tử ở người hen phế quản, tâm phế mạn tính và cuối cùng là ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não rồi cuối cùng đưa đến hôn mê và tử vong. Suy hô hấp thường gặp ở những bệnh nhân bị hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen.

PV: Vậy, với thực trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, theo PGS cần có biện pháp gì để phòng tránh và dự phòng các đợt tái phát của hen phế quản.

PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm: Nước ta khí hậu nhiệt đới gió mùa, khói bụi và môi trường sống bị ô nhiễm chính là nguyên nhân khiến tỉ lệ người Việt mắc các bệnh về đường hô hấp ngày một tăng cao. Trong đó thường gặp nhất là bệnh hen phế quản.

Ngoài việc xử trí kịp thời các cơn hen cấp tính thì người bệnh cũng cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây để giảm thiểu nguy cơ các cơn hen xảy ra:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa khói thuốc: khói thuốc chứa nhiều hóa chất gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp. Những người bị hen có hiện tượng viêm mạn tính ở đường hô hấp, nếu hút thuốc hay hít thụ động từ người hút thuốc tình trạng viêm cũng sẽ nặng thêm lên và đưa đến cơn hen cấp. 

Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh các yếu tố gây kích ứng đường thở khác như: mùi thơm, mùi hắc, phấn hoa, các loại bụi, hóa chất…

Giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh, tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng (Những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm: tôm, cua, nhộng tằm…);  Thận trọng khi sử dụng thuốc: kháng sinh, thuốc giảm đau Aspirin...;Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Ngoài ra, cần thường xuyên tập thể dục rèn luyện nâng cao sức khỏe và đối phó với ô nhiễm môi trường bằng cách khi đi ra ngoài cần mang khẩu trang sẽ giúp tránh hít phải khói, bụi…

Giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ như: mở rộng cửa sổ khi không khí nóng, ngột ngạt, khi nấu nướng, khi trong nhà có nhiều thứ nặng mùi. Khi thời tiết lạnh cần đóng kín cửa sổ tránh gió lùa có thể gây nhiễm lạnh và gây đợt bùng phát cho bệnh nhân hen phế quản. Dọn dẹp đồ đạc trong nhà, tiêu diệt gián và côn trùng, nấm mốc trong nhà.

Để quản lý bệnh hen phế quản một cách tốt nhất, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ, dùng thuốc lâu dài, đúng cách và tránh những yếu tố có thể gây cơn hen kịch phát. Đây là chìa khóa vàng trong việc kiểm soát hen phế quản. 

Khi bệnh đã được kiểm soát tốt, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện một cách đáng kể và có thể có sức khỏe như những người khỏe mạnh khác. Và khi đó, hen phế quản không còn là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại