Muối quan trọng, nhưng ăn nhiều sẽ gây hại
Muối là chất gia vị rất quan trọng trong chế biến thực phẩm, đồng thời cũng có chức năng đặc biệt là bảo quản thực phẩm, vì thế nó xuất hiện trong hầu hết các món ăn, đặc biệt là các món thực phẩm chế biến sẵn.
Dù đặc biệt quan trọng như vậy nhưng không có nghĩa là muối luôn luôn tốt. Nếu chúng ta ăn quá lượng muối mà nhu cầu cơ thể cần, sẽ gây ra nguy cơ lớn với sức khỏe. Bên cạnh đó, trong 1g muối có tới 400mg natri, hoàn toàn không phải là chất nên "dự trữ" nhiều trong cơ thể.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Trình Hàm Vũ, bác sĩ dinh dưỡng tại Bệnh viện Tân Quang, Đài Loan (TQ), ăn quá nhiều natri có thể gây ra các vấn đề sau đây.
1. Tăng huyết áp: Căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao
Huyết áp cao là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng chưa được nhiều người quan tâm vì bệnh diễn tiến trong im lặng, không có biểu hiện rõ ràng tác động đến bạn hàng ngày.
Ngày xưa, khi các món ăn chủ yếu được lấy từ thực phẩm tự nhiên nên lượng muối chứa trong đó rất thấp. Nhờ chế độ ăn này mà các bệnh phát sinh liên quan đến huyết áp không phải là vấn đề lớn trong quá khứ, số người mắc bệnh cũng không nhiều.
Nhưng ngày nay, thói quen ăn uống và sinh hoạt đã thay đổi, con người dùng thực phẩm chế biến sẵn nhiều hơn, mà những món ăn này đa phần chứa muối, thậm chí rất nhiều muối.
Cũng xuất phát từ nguyên nhân này, nhiều người đã tự làm cho chỉ số huyết áp của mình tăng dần lên theo tuổi tác.
Theo các nghiên cứu đã công bố thì bệnh tăng huyết áp có thể kéo theo các bệnh về tim mạch, đột quỵ... Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong lớn ở những quốc gia mà người dân giữ thói quen ăn quá mặn.
Không những thế, hàng ngày chúng ta ăn một lượng muối cao còn gây ra bệnh béo phì, lão hóa, tiểu đường, rối loạn chức năng thận và các triệu chứng bệnh nguy hiểm khác.
2. Phù nề, trữ nước: Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe
Khi chúng ta ăn nhiều muối vào cơ thể, mà lại không bài tiết ra hết, rất dễ có khả năng gây ra triệu chứng tích tụ nước, trữ nước trong cơ thể, trong các tế bào, tạo ra chứng phù nề.
Nên ăn bao nhiêu muối là đủ an toàn?
Tại Đài Loan, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên khống chế lượng muối ăn trong ngày khoảng 6 gram, tương đương với 2400 mg natri, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nghiêm ngặt hơn, đề nghị hàng ngày không ăn nhiều hơn 5g muối (2000 mg natri).
Theo các kết quả khảo sát giai đoạn 2005 – 2008 tại Đài Loan, cơ quan dinh dưỡng ở đây cho biết lượng muối ăn hàng ngày trung bình của người trưởng thành từ 19-64 tuổi là 10,2 g (tương đương với 4074 mg natri), vượt quá khuyến nghị khoảng 2 lần.
Điều quan trọng là, chúng ta không cần phải hạn chế natri trong thực phẩm tự nhiên, thay vào đó, hãy cần biết rằng có đến 90% muối đến từ các chất phụ gia thực phẩm.
Lượng natri mà chúng ta hàng ngày ăn vào cơ thể với khoảng 10% natri tự nhiên có sẵn trong thực phẩm. Tiếp tục bổ sung khoảng 10-15% trong quá trình chế biến các món ăn hàng ngày. Còn lại hầu hết các chất natri (75-80%) là từ việc ăn các món thực phẩm chế biến sẵn, các món nước mắm, tương, gia vị chấm bổ sung có trên mâm cơm.
Bảng ví dụ này giúp bạn hình dung cách chúng ta dung nạp tỉ lệ muối vào cơ thể hàng ngày
Lý do tại sao thực phẩm chế biến có chứa natri nhiều hơn là vì ngoài lượng muối nấu ăn bình thường (natri clorua), còn có các gia vị khác (cám amin, natri, mì chính…), chất bảo quản (Natri benzoat), bột nở (sodium bicarbonate, hay còn được gọi là baking soda), chất chống ăn mòn và chất tạo màu sắc...
Ngoài ra còn có các chất bảo quản chứa natri nitrit, natri hợp chất tránh vón cục, chất bột chống đóng cứng (silicon natri aluminat), cũng là thành phần chứa natri…
Trong thực tế, thói quen ăn mặn không phải có sẵn từ khi con người ta được sinh ra. Bởi trẻ trước 1 tuổi thường chưa phát triển vị giác hoàn thiện nên hoàn toàn không có nhu cầu phải ăn nhiều muối. Và trẻ em ở giai đoạn này hoàn toàn không cần cho ăn muối.
Chúng ta đều cần ghi nhớ rằng, cho trẻ sớm tiếp xúc với muối, sẽ khiến trẻ hình thành thói quen thích ăn mặn, tạo thành khẩu vị mặn. Vì thế, việc cho trẻ ăn ít muối cũng sẽ giúp góp phần tạo thói quen lành mạnh cho trẻ.
*Theo Tạp chí Sức khỏe/Commonhealth