Theo chuyên gia, xét nghiệm với số lượng lớn là cần thiết - Ảnh Hải Long.
Dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường
Theo Bộ Y tế, tính tới thời điểm ngày 16/8, Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4, dịch bệnh đã lây lan ra rất nhiều tỉnh thành nhiều nơi đã phải giãn cách theo chỉ thị 16. Trong đó có 19 tỉnh thành phía Nam và gần đây là Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh khác.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc thực hiện giãn cách là cách tạo ra vùng đệm, vùng lõi để dịch không lây lan rộng trong cộng đồng.
Khi thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đời sống với nhiều thay đổi về đi lại, giao lưu, cấm nhiều chuyến bay, vận chuyển hàng hóa tắc nghẽn…
Dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp - ảnh Quang Vinh.
Riêng dịch tại TP HCM và các tỉnh lân cận đòi hỏi phải có thời gian, không thể ngày một ngày hai là xử lý được, vì dịch lan ra quá rộng. Đặc biệt, Bình Dương đang ở mức báo động, nếu không thực hiện nghiêm việc phong tỏa sẽ rất dễ rơi vào "vết xe" của TP HCM.
"Đối với TP HCM, cần phân tích các ca được xác định dương tính là đối tượng đang ở trong khu cách ly hay trong khu phong tỏa, để đánh giá hiệu quả của việc giãn cách, phong tỏa.
Để đánh giá số ca dương tính trên thực tế tại cộng đồng có giảm đi một cách thực sự hay không, cũng như nhận định chính xác việc triển khai các biện pháp phòng bệnh có hiệu quả hay không, cần có phân tích dịch tễ thật kỹ càng. Trên cơ sở đó, TP quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp", ông Phu nói.
Tiếp tục đẩy nhanh việc xét nghiệm quét sạch F0
PGS Trần Đắc Phu cho hay, chiến lược xét nghiệm với số lượng lớn là cần thiết, không chỉ nhằm phát hiện các trường hợp F0, từ đó khoanh vùng dập dịch, mà còn cung cấp các dữ liệu về nguy cơ. Tuy nhiên, để việc xét nghiệm có hiệu quả cần có kế hoạch cụ thể. Địa bàn nào xét nghiệm phục vụ cho điều trị, địa bàn nào xét nghiệm phục vụ cho xác định F0 truy vết bóc tách F0, địa bàn nào xét nghiệm phục vụ cho đánh giá nguy cơ, đánh giá hiệu quả giãn cách.
Địa bàn nào, đối tượng nào sử dụng test kháng nguyên nhanh, địa bàn nào, đối tượng nào sử dụng PCR…; không xét nghiệm tràn lan vừa mất sức, vừa không mang lại hiệu quả.
Từ đó, chúng ta có thể lên được bản đồ nguy cơ đến từng địa bàn khu phố, thôn, phường, xã, quận huyện để áp dụng các biện pháp phù hợp.
"Hiện nay, vùng xanh là vùng an toàn, phải bảo vệ thật tốt, không để dịch lây vào trong. Với vùng đỏ phải thực hiện phong tỏa thật chặt, không để lây ra bên ngoài.
Bảo vệ ở đây không phải bằng cấm đoán mà bằng sự kiểm soát chặt, thực hiện hành vi lối sống an toàn, thực hiện 5K… Cố gắng bảo vệ vùng xanh, ngày càng nhân rộng ra càng tốt.
Dịch vẫn còn trên thế giới, trong nước vẫn phức tạp, kéo dài. Vì thế, chúng ta vừa làm kinh tế vừa phải chống dịch. Nơi nào dịch đang diễn biến phức tạp thì phải đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu. Nơi nào đỡ phức tạp thì ưu tiên làm kinh tế. Không vì khống chế dịch mà gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến kinh tế", ông Phu nói.
Liên quan tới vần đề tiêm chủng vắc xin, ông Phu lưu ý, cần phải đẩy nhanh tiến độ nhưng lưu ý làm sao đảm bảo tiêm an toàn, an toàn về chống dịch, tránh tình trạng tập trung đông người khi xét nghiệm, khi tiêm, như vậy sẽ dễ lây nhiễm bệnh.
"Tiêm vắc xin vừa là quyền lợi được tiêm những cũng là trách nhiệm để đạt miễn dịch cộng đồng. Khi đó, chúng ta mới khống chế được dịch, không để dịch bùng phát lớn.
Vắc xin phòng COVID-19 là loại vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong", PGS Phu chia sẻ..