Rượu là chất độc con người vẫn đang lạm dụng
Thời gian cận Tết cũng là thời điểm số lượng bệnh nhân tới điều trị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tăng lên. Trong đó, các nạn nhân bị ngộ độc rượu là do uống rượu tự nấu (ethanol) và rượu công nghiệp methanol.
Trước những mối nguy về tác hại của rượu, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: "Rượu là chất độc cho cơ thể mà con người vẫn lạm dụng hàng nghìn năm nay".
Say rượu xét về bản chất chính là tình trạng bị ngộ độc ở mức nhẹ vì con người không còn điều khiển được hành vi và lời nói, động tác cử chỉ. Biểu hiện của say rượu thường là: chếnh choáng, nói líu lưỡi, phối hợp cơ thể kém, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn…
Ngộ độc rượu ở mức độ nặng, bệnh nhân bị ảnh hưởng tới chức năng như: bất tỉnh, không thở được, hôn mê, co giật, hạ đường máu, rối loạn nhận thức…
Rượu là chất độc nhưng con người vẫn đang lạm dụng.
"Sau khi uống rượu có những biểu hiện bất thường như: bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát tím tái, thở khò khè… phải cấp cứu tại chỗ và gọi xe cấp cứu", bác sĩ Nguyên lưu ý.
Theo bác sĩ Nguyên khi nạn nhân có những biểu hiện nguy hiểm kể trên của ngộ độc rượu, người thân cần phải nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn và hít vào phổi gây viêm phổi.
- Ủ ấm cho người bị ngộ độc, đặc biệt là thời tiết lạnh giá
- Phải thường xuyên kiểm tra nạn nhân, nếu phát hiện thấy ngưng thở phải nhanh chóng sơ cứu tại chỗ và gọi xe cấp cứu.
- Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống.
- Cho nạn nhân uống nhiều nước bù điện giải để không bị mất nước. Có thể cho bệnh nhân uống các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như nước gừng tươi, nước cà chua, nước canh, nước hoa quả...
- Ăn các thức ăn có chất năng lượng nhanh để tránh bị hạ đường huyết.
- Không cho nạn nhân uống thuốc giải độc rượu, các loại thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, hạ sốt...
- Nếu lay gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật... hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái,... Cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.
Ethanol trong rượu là chất gây nghiện không khác gì ma tuý
Bác sĩ Nguyên cho hay, khi một người bị ngộ độc rượu hoặc say rượu thì không nên uống thuốc giải rượu vì tác dụng chưa rõ ràng. Khi đã uống rượu thì không tham gia giao thông và làm các công việc đòi hỏi sự tập trung hay làm việc trên cao dễ gặp tai nạn.
Rượu nấu có chứa ethanol là một chất đặc biệt làm cho con người mất kiểm soát. Bất kỳ ai uống rượu đều có thể mất đi sự kiểm soát dù uống ít.
"Khi chúng ta nghĩ uống ít có thể kiểm soát được nhưng khi ethanol vào cơ thể sẽ ức chế thần kinh. Con người sẽ nhanh chóng bước sang giai đoạn uống nhiều. Đặc biệt, là uống đông người sẽ rất dễ bị lôi kéo hơn. Ethonal hay rượu thực sự là một thứ ma túy rất rủi ro", bác sĩ Nguyên nói.
Cách phòng tránh ngộ độc rượu
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Nên kết hợp vừa ăn vừa uống. Không ngâm rượu với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay kinh nghiệm cá nhân để uống.
- Không uống rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đang uống thuốc điều trị, khi đang đói hoặc mệt.
- Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu bia.
- Mỗi người nên chủ động không tiếp nhận rượu, bia vào cơ thể, tránh rơi vào tình trạng say rượu, ngộ độc rượu để đảm bảo an toàn sức khỏe của chính mình.