2 nguyên nhân khiến ung thư đại trực tràng gia tăng
Chị M (30 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn 3. Khi nhận kết quả mắc ung thư chị M đã rất bất ngờ vì chị không nghĩ bản thân lại mắc ung thư khi còn quá trẻ.
Chị M cho biết, do có tình trạng rối loạn tiêu hoá nên chị đã đi khám và uống thuốc nhưng không đỡ. Sau đó, chị M đã đi nội soi đại tràng thì phát hiện có khối ung thư.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho biết, tỷ lệ mắc ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hoá nói riêng, đặc biệt là ung thư đại trực tràng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hoá. Nguyên nhân ung thư gia tăng và trẻ hoá gồm có hai nhóm: tích cực và tiêu cực.
Nhóm nguyên nhân tích cực: Do y học phát triển có thể chẩn đoán ung thư ngay từ giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, ý thức của người dân đã được nâng cao. Người dân chịu khó đi khám bệnh định kỳ nên phát hiện bệnh sớm. Nhờ những nguyên nhân tích cực trên nên tỷ lệ phát hiện ung thư cũng tăng lên.
Bác sĩ Hà Hải Nam, nguồn ảnh: L.P.
Bên cạnh nhóm nguyên nhân tích cực thì cũng tồn lại những nguyên nhân tiêu cực như: thừa cân – béo phì, thói quen xấu hút thuốc, uống rượu… ảnh hưởng trực tiếp tới đường tiêu hoá. Đây cũng là căn nguyên gây ra ung thư tiêu hoá, trong đó có ung thư đại trực tràng. Hiện nay, những thói quen xấu này đang ngày càng gia tăng ở người trẻ.
Ngoài ra, lối sống tĩnh tại (ít vận động), ăn ít chất xơ khiến cho phân bị ứ đọng trong đường tiêu hoá, các chất độc hại nằm lâu trong đường tiêu hoá gây ra tổn thương và lâu ngày dẫn tới ung thư.
Ung thư đại trực tràng cũng có liên quan tới yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có một người từng mắc ung thư đại trực tràng thì những người thân sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Dấu hiệu nhận diện ung thư sớm
Bác sĩ Nam cho biết, dấu hiệu ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm rất mờ nhạt và khó có thể phát hiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm thăm khám bệnh nhân từ giai đoạn sớm tới giai đoạn muộn, bác sĩ Nam nhận thấy bệnh nhân thường có triệu chứng sau:
Do cấu tạo của đại trực tràng thường nằm ở vùng thấp (cuối cùng của đường tiêu hoá) đóng vai trò hấp thu nước và cấu tạo nên khuôn phân bài tiết ra bên ngoài. Nếu đại tràng có sự bất thường dấu hiệu thường gặp nhất là thay đổi thói quen đi ngoài như:
- Thay đổi giờ giấc, số lần đi ngoài; đi ngoài nhiều lần trong ngày hoặc 3-4 ngày không đi ngoài;
- Thay đổi cấu trúc của khuôn phân (táo bón, phân lỏng không thành khuôn).
- Đi ngoài phân có máu (xuất hiện rõ ràng ở giai đoạn cuối).
Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu ăn uống kém, gầy sút cân. Một số bệnh nhân sẽ đau bụng nhiều khi chuẩn bị đi ngoài.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng là người thường xuyên bị viêm loét đại trực tràng, người có người thân trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng, người đã phát hiện polyp hoặc đã cắt bỏ polyp. Nhóm đối tượng này cần tầm soát sớm ung thư.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, bác sĩ Nam khuyến cáo người dân cần phải có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh: hạn chế ăn quá nhiều thịt, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối, đồ uống có cồn; tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khoẻ.
Đối với những người có người thân mắc các bệnh có tính di truyền như đại trực tràng cần phải được tầm soát từ rất sớm. Tại nước ngoài, khoảng 15 tuổi, nhóm đối tượng này đã được khuyên đi tầm soát ung thư, còn ở Việt Nam hiện đang khuyến cáo nên tầm soát từ 18 tuổi.