Chuyên gia chỉ dấu hiệu ung thư nguy hiểm ở miệng: Người lười vệ sinh răng miệng cần chú ý

Thảo Nguyên |

Theo các bác sĩ, ung thư lưỡi là bệnh thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng và hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi.

Căn bệnh bất ngờ

Trường hợp của ông Nguyễn Thành Hưng 47 tuổi trú tại Nam Thành, Nghệ An đến bệnh viện K điều trị với phần lưỡi đã bị cắt đi 1/3. Ông Hưng đã cắt lưỡi ở BV Bạch Mai và được giới thiệu xuống Bệnh viện K để điều trị.

Ông Hưng kể cách đây khoảng 1 năm ông có cảm giác như có xương dăm trong lưỡi nhưng sờ không thấy, ông lại đi lấy lá trị hóc xương về ngâm rồi ngầm vỏ chanh đủ các kiểu chữa mẹo không dứt.

Phải đến tháng 5/2016, ông thấy lưỡi đau, đau hơn khi nói, ăn cũng đau, sụt cân nhưng vẫn không đi khám vì không rõ triệu chứng ông càng chủ quan.

Chuyên gia chỉ dấu hiệu ung thư nguy hiểm ở miệng: Người lười vệ sinh răng miệng cần chú ý - Ảnh 1.

Vết loét điển hình của ung thư lưỡi

Vào đợt tháng 7, con gái ông về thăm quê thấy ba gầy, sụt cân và có vết lở nhỏ ở lưỡi. Ông Hưng kể nghĩ là nhiệt nên lở miệng là bình thường, con cái giục đi khám ở bệnh viện Nghệ An bác sĩ nghi ngờ ung thư lưỡi nên ông ra Hà Nội kiểm tra.

Kết quả khám và sinh thiết tại Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư lưỡi. Từ khi biết mình bị ung thư, ông Hưng suy sụp hơn, sau phẫu thuật việc nói năng càng khó khăn hơn đôi khi làm ông trở nên cáu bẳn, khó chịu.

Hay như ông Nguyễn Văn Vịnh trú tại Thanh Hoá điều trị tại Bệnh viện K 2 vì ung thư lưỡi. Ông Vịnh cho biết ông phát hiện ung thư khi vết loét mấy tháng trời không khỏi, có mùi hôi, đau ông mới đi bệnh viện khám.

Vừa nhìn bề mặt, bác sĩ đã chẩn đoán theo dõi k lưỡi. Lúc đầu ông không tin nên ra tận Hà Nội kiểm tra. Kết quả sinh thiết tại Bệnh viện 108 là K lưỡi giai đoạn 2b. Ông Vịnh xin chuyển về bệnh viện K điều trị.

Ông đã tiến hành xạ trị và điều trị hoá chất. Lưỡi bị khoét phần tổn thương. Đến nay, bệnh đã được kiểm soát xong nguy cơ tái phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vệ sinh răng miệng kém

Theo Giáo sư Mai Trọng Khoa – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai bệnh thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng và hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi.

Nguyên nhân của ung thư lưỡi cũng giống như các bệnh ung thư khác đến nay chưa rõ nguyên nhân trực tiếp nhưng qua nghiên cứu các chuyên gia đều thấy có yếu tố liên quan tới hút thuốc lá, nhai trầu, nhiễm vi rút HPV, thiếu vitamin A, C, E… Để phòng bệnh cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như trên.

Chuyên gia chỉ dấu hiệu ung thư nguy hiểm ở miệng: Người lười vệ sinh răng miệng cần chú ý - Ảnh 2.

GS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Triệu chứng của ung thư lưỡi nghèo nàn nên 90 % bệnh nhân đều đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn toàn phát, lưỡi có tổn thương nặng nề.

Giáo sư Khoa cho biết ở giai đoạn đầu người bệnh thường có cảm giác có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh nên người bệnh dễ bỏ qua nó.

Ở giai đoạn này lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hoá hoặc vết loét nhỏ. Tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Một số bệnh nhân có hạch cổ ngay ở giai đoạn này

Giai đoạn muộn hơn người bệnh đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói.Bệnh nhân có thể sốt do nhiễm trùng, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Triệu chứng đau điển hình là tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai, tang tiết nước bọt. nhổ ra nước bọt lẫn máu, khó nuốt.

Trên bề mặt lưỡi có ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi hạn chế vận động, không di động được. Thương tổn thường sùi loét, được tạo thành từ một vết loét không đều ở đáy có mủ máu, bờ nham nhở, chảy máu khi va chạm.

Đôi khi không có dấu hiệu loét mà là một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, có màu tím nhạt, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lổ nhỏ mà khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng, sản phẩm của hoại tử ở phía dưới.

Giai đoạn tiến triển hơn, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới của lưỡi xuống sàn miệng gây đau đớn dữ dội, bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu thậm chí có thể gây chảy máu nhiều ảnh hưởng đến tính mạng.

Để điều trị ung thư lưỡi, hiện nay y học tiến hành ba biện pháp chính là phẫu thuật, xạ trị và hoá chất.

Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại