Yếu tố dễ dẫn tới ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở nam giới. Do đa phần các trường hợp mắc ung thư phổi thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ung thư phổi như: Suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong hệ thống gen và tác động bên ngoài môi trường…
Các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt, khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K Trung ương cho hay, thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan tới khói thuốc lá. Trong khói thuốc lá có 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư.
Ho dai dẳng là triệu chứng điển hình của bệnh nhân ung thư phổi, ảnh minh hoạ.
Tại bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Một số bệnh nhân không hút thuốc lá nhưng có hút thuốc lào cũng là tăng nguy cơ ung thư phổi.
Theo TS Kiểm, sau khói thuốc thì môi trường làm việc là yếu tố nguy cơ gây ra căn bệnh ung thư phổi. Đặc biệt, môi trường làm việc có nhiều khói, bụi có nguy cơ cao dẫn tới ung thư phổi. Ví dụ, công nhân làm trong môi trường nhà máy luyện thép, ni-ken, crom và khí than, bụi kim loại.
Ngoài ra, bộ số công nhân làm việc tại các mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon. Đây là tác nhân dẫn tới căn bệnh ung thư phổi sớm.
Dấu hiệu nào cảnh báo bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi có hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; Ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%.
TS. Kiểm cho hay, ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp.
Khi bệnh có một số triệu chứng như: ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Khi bệnh tiến triển bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3-6 tháng.
Chuyên gia khuyến cáo, trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi quan trọng nhất là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này.
Ngoài ra, việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận đông, tập luyện thể thao đều dặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.