Thận mất dần chức năng do sỏi
Từng được bác sĩ chẩn đoán mắc sỏi thận cách đây 2 năm nhưng anh N.P.P (38 tuổi, Hà Nội) lại làm "ngơ" vì không thấy có triệu chứng gì ảnh hướng tới sức lao động và sức khỏe của mình. Sau một thời gian dài không đi khám và theo dõi, tới khi đau khó chịu anh tới viện khám thì được bác sĩ thông báo thận đã suy, mất hoàn toàn chức năng.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, trường hợp của anh P không phải là hiếm gặp tại khoa nơi bác sĩ Liên đang công tác. Rất nhiều bệnh nhân khi tới viện phẫu thuật có hàng nghìn viên sỏi trong thận, có những bệnh nhân có mô thận "mỏng như tờ giấy".
"Sỏi nhiều như vậy, chức năng thận suy giảm là điều đương nhiên", bác sĩ Liên nói.
Sỏi thận quá nhiều gây mất chức năng của thận, ảnh minh hoạ.
Suy giảm chức năng thận thường đến từ nguyên nhân tắc nghẽn do sỏi thận, xơ hóa do hẹp, u cục, polyp,… Tắc nghẽn niệu quản làm thận không lọc được dần dần sẽ bị hỏng.
Một số nguyên nhân suy giảm chức năng thận có liên quan tới bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Bác sĩ Liên cho hay: "Đặc biệt, những trường hợp có sỏi thận làm cho chức năng lọc của thận mất đi từ từ. Thận ứ nước, nhu mô thận ngày càng mỏng khiến cho đơn vị tiểu cầu trong thận bị tổn thương.
Trung bình mỗi 1 thận có khoảng 1,5 triệu đơn vị tiểu cầu thận (giảm theo độ tuổi). Khi xảy ra tắc nghẽn do sỏi trong thận thì đơn vị tiểu cầu thận giảm rất nhanh. Đây cũng là lý do bệnh nhân có sỏi thận, sỏi niệu quản cần phải can thiệp sớm".
Thói quen làm thận mất đi chức năng sớm
Theo bác sĩ Liên, chức năng thận bị suy giảm khi còn trẻ tuổi có liên quan chặt chẽ tới lối sống. Hiện nay, nhiều người dân có thói quen dùng thuốc từ các loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc. Bệnh viện E đã tiếp nhận không ít những trường hợp bị ngộ độc do sử dụng các loại thuốc này dẫn tới suy thận cấp tính.
Hoặc việc sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống viêm, giảm đau… không theo chỉ định cũng ảnh hưởng tới chức năng thận.
Nói thêm về vấn đề dùng thuốc, bác sĩ Liên cũng cảnh báo tình trạng lạm dụng thực phẩm chức năng. Đang có rất nhiều người có tư tưởng uống thực phẩm chức năng sẽ hết bệnh mà không phải uống thuốc điều trị. Trong khi thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc có thể pha trộn thành phần làm ảnh hưởng tới chức năng của thận.
Bác sĩ Liên cảnh báo thói quen dùng thuốc 'vô tội vạ' gây suy giảm sức năng thận.
Đối với nam giới, việc dùng các loại rượu ngâm từ cỏ cây, động vật hay uống rượu tự nấu dễ dẫn tới ngộ độc nặng do chất lượng rượu không đảm bảo, gây ra ngộ độc và suy thận cấp.
Theo bác sĩ Liên, thói quen ăn uống nhiều thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản, thực phẩm chế biến sẵn… cũng ảnh hưởng tới chức năng của thận.
Việc phát hiện suy thận ở giai đoạn sớm bằng triệu chứng thường rất khó. Vì triệu chứng suy thận giai đoạn nhẹ thường kín đáo, không rõ ràng. Bệnh nhân vẫn có thể làm việc bình thường nhưng sẽ thấy hơi mệt, da xanh, phù nhẹ. Do triệu chứng bệnh rất mơ hồ cho nên nhiều người thường bỏ qua, không đi khám.
Suy thận tiến triển tới giai đoạn nặng thường sẽ có cảm giác chán ăn, mệt mỏi và buồn nôn. Khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn nặng khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
"Tôi đã từng gặp trường hợp thận bên phải mất chức năng, thận bên trái hoạt động bình thường nên người bệnh không hề có triệu chứng. Do vậy, để bảo vệ 2 quả thận, cách tốt nhất là phải đi khám sức khỏe định kỳ, chụp xạ hình thận để biết rõ chức năng lọc", bác sĩ Liên phân tích.