Gia đình nuôi con nhỏ nào hầu như cũng có sẵn một tủ thuốc, hoặc có thói quen hễ con ốm bệnh là có thể tự mua một số loại thuốc đơn giản cho con uống trước khi đi khám bác sĩ.
Điều này không có gì sai, nhưng thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ đã không sử dụng thuốc đúng cách dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thậm chí, càng cho con uống, bệnh càng nặng thêm, gây khó khăn cho bác sĩ khi con nhập viện.
Vậy, cho trẻ uống thuốc tại nhà thế nào cho đúng để tránh những sai lầm đáng tiếc? Chuyên gia sức khỏe, dược sĩ, tiến sĩ Trương Chinh, Bệnh viện Triều Dương (Trung Quốc) đưa ra 6 sai lầm "nghiêm trọng" phổ biến nhất sau đây.
1. Cứ hễ cảm là lập tức cho trẻ uống thuốc
Trẻ bị cảm lạnh thì có đến 90% là do lây nhiễm virus, trong đó virus cúm có thể tự nó đến và đi mà không cần phải chữa. Thường là mất khoảng 5-7 ngày virus này sẽ bị cơ thể đào thải.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thể kiên nhẫn nhìn con bị cảm từ 5-7 ngày được nên đã lập tức đưa trẻ đi khám và điều trị bằng thuốc. Đây thực sự là một sai lầm.
Theo nghiên cứu của TS Chinh, ở châu Âu và nhiều nước khác từ lâu đã khuyến cáo không cho trẻ dưới 2 tuổi uống thuốc cảm lạnh.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là trong mọi trường hợp trẻ bị cảm đều không cần dùng thuốc, mà phải theo tình hình thực tế. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 ℃ thì vẫn phải cho uống thuốc hạ sốt, ngăn ngừa sốt cao khiến trẻ bị co giật.
Nếu bị cảm lạnh mà kèm theo các biểu hiện khác, có mầm bệnh khác, thì buộc phải đi khám để chữa bệnh thay vì áp dụng phương pháp này.
2. Trộn nhiều loại thuốc uống cùng lúc
TS Chinh cho biết, có rất nhiều phụ huynh mắc sai lầm khi nghĩ rằng uống nhiều loại thuốc thì bệnh sẽ nhanh khỏi. Đã uống thuốc Tây rồi lại thêm thuốc Đông y, các bài thuốc dân gian.
Trong thực tế, dù là thuốc Tây hay thuốc Đông y khi vào cơ thể đều thông qua gan để trao đổi chất, sau đó bài tiết qua thận.
Cơ quan nội tạng của trẻ còn non nớt, nếu uống nhiều thuốc sẽ gây hại lớn. Nếu bắt buộc phải uống từ vài loại thuốc trở lên, tốt nhất nên uống cách ra khoảng 1 giờ đồng hồ.
TS Chinh cho rằng, có một thực tế là nhiều loại thuốc có thành phần giống nhau, kể cả đơn thuốc do bác sĩ kê, phụ huynh cần đặc biệt chú ý để tránh cho con uống trùng thuốc, làm tăng tác dụng phụ lên cơ thể trẻ.
Ví dụ, trong thuốc hạ sốt có thành phần acetaminophen, trong thuốc chữa cảm lạnh cũng lại có chất này, uống 2 loại thuốc trên cùng lúc sẽ dẫn đến nạp acetaminophen quá liều, gây tổn thương gan.
3. Quá tin tưởng vào loại thuốc đắt tiền, càng đắt càng tốt
Nhiều cha mẹ tin rằng các loại thuốc đắt tiền, thuốc nhập khẩu sẽ tốt hơn so với các loại thuốc rẻ tiền hoặc thuốc nội.
Nhiều người còn thích mua thuốc ngoại qua mạng dẫn đến những rủi ro rất lớn về rào cản ngôn ngữ, không đọc được hướng dẫn sử dụng nên có nhiều nguy cơ dùng sai thuốc.
TS Chinh cho biết, một loại thuốc tốt hay không, đầu tiên phải xem thuốc đó có phù hợp chữa bệnh đó không, rồi thì xem xét tác dụng như thế nào, tác dụng phụ nhiều hay ít. Điều này không liên quan đến giá tiền đắt hay rẻ.
4. Quá lạm dụng vitamin, thực phẩm chức năng
Vitamin có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, nhưng không nên "mù quáng" cho rằng, càng bổ sung nhiều càng tốt.
Nhiều loại vitamin có một số tác dụng phụ và thậm chí gây ngộ độc. Cụ thể như nếu trẻ dư thừa vitamin A có thể gây ngộ độc, khó chịu, đau đầu, nôn, ngứa, mắt mờ, phì đại gan.
Trẻ sơ sinh nếu uống nhiều vitamin A có thể gây ngộ độc cấp tính, sử dụng lâu dài trong khoảng 6 tháng có thể gây ra ngộ độc mãn tính.
Nếu uống quá liều vitamin D có thể gây ra hiện tượng xuất hiện nhiều dấu lấm chấm, vôi hóa đa bộ phận và đa niệu…
Uống quá nhiều vitamin E có thể gây xuất huyết. Ngoài ra, không nên uống vitamin khi đói vì sẽ gây sỏi đường tiết niệu, xương cốt có vấn đề.
Theo tiến sĩ Chinh, trong rau và trái cây có chứa nhiều vitamin, nên ăn nhiều rau quả thường xuyên thì sẽ bổ sung đủ chất cho trẻ mà không cần phải bổ sung thêm bằng cách uống thuốc.
5. Uống thuốc bằng nước đường
Một số trẻ sợ thuốc đắng không chịu uống nên cha mẹ đã sử dụng đường để pha vào thuốc.
Tiến sĩ Chinh cho biết, trong đường có thành phần canxi, sắt và các nguyên tố khoáng chất khác, có thể gây ra các phản ứng hóa học với các protein trong thuốc Đông y.
Đồng thời có thể làm biến đổi chất trong quá trình thuốc vào dạ dày, gây kết tủa, làm giảm hiệu quả chữa bệnh của thuốc.
Một số loại thuốc chỉ có hiệu quả khi giữ nguyên vị đắng để kích thích sự tiết dịch tiêu hóa, thêm đường vào để uống sẽ không còn tác dụng ban đầu.
6. Cho trẻ em uống thuốc của người lớn
Một số cha mẹ có thói quen cho con cái uống những loại thuốc mà chính mình trước đây đã uống và cảm thấy hiệu quả tốt.
Tiến sĩ Chinh cho rằng, thực tế trẻ em không phải là phiên bản thu nhỏ của người lớn, gan của trẻ chưa trưởng thành, chức năng giải độc của gan và bài tiết của thận không giống như người lớn.
Kể cả não của trẻ cũng chưa đủ sức chịu đựng như của người lớn, nên khi dùng thuốc của người lớn cho trẻ uống (kể cả đã giảm liều lượng) đều không phải là cách uống thuốc an toàn, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
*Theo People