Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bị mắc bệnh giang mai mà không chữa trị kịp thời?

B.H |

Bệnh giang mai là một căn bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể phải chịu những tổn thương vĩnh viễn.

Bệnh giang mai là căn bệnh lây truyền chủ yếu qua hoạt động tình dục, bao gồm quan hệ bằng miệng và hậu môn. Trong một số trường hợp, bệnh có thể được truyền từ người này sang người khác thông qua việc ôm hôn hoặc tiếp xúc thân mật với người bệnh.

Mặc dù căn bệnh này bắt nguồn từ những vết lở loét nhưng đa số các tổn thương này lại ít được chú ý. Thường nhiều người không biết mình đang mang bệnh và vô tình truyền bệnh cho người bạn tình.

Bệnh giang mai ở phụ nữ có thai sẽ gây ra những hậu quả khôn lường vì không chỉ ảnh hưởng tới người mẹ mà còn có thể lây nhiễm bệnh cho thai nhi. Khi đó, em bé được chẩn đoán là bị giang mai bẩm sinh, có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Bệnh giang mai không lây nhiễm từ việc sử dụng chung nhà vệ sinh, nắm cửa, bể bơi, bồn tắm nước nóng, quần áo hoặc đồ dùng ăn uống chung.

Nguyên nhân gây bệnh giang mai

Bệnh giang mai do xoắn khuẩn nhạt, tên là Treponema pallidum gây nên.

Tình trạng mắc bệnh giang mai trên thế giới

Bệnh giang mai từng là mối đe dọa lớn về sức khoẻ cộng đồng, thường gây ra những vấn đề sức khoẻ lâu dài nghiêm trọng như viêm khớp, tổn thương não và mù. Mãi đến tận cuối những năm 1940, khi thuốc kháng sinh đầu tiên được sản xuất, bệnh này mới chữa được.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ người bị bệnh giang mai mới đã giảm mạnh vào những năm 1990 và trong năm 2000, đạt mức thấp nhất kể từ khi báo cáo bắt đầu vào năm 1941.

Tuy nhiên, những ca mắc mới lại tăng lên gấp đôi từ năm 2005-2013, từ 8.724 người lên 16.663 người. Vào năm 2014, con số này đã tăng lên 19.999 người.

Từ năm 2000, tỷ lệ giang mai gia tăng tại Anh, Australia và châu Âu chủ yếu trên nhóm đồng tính nam với đặc trưng xuất hiện bệnh ở hậu môn.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bị mắc bệnh giang mai mà không chữa trị kịp thời? - Ảnh 1.

Vết loét: Dấu hiệu điển hình của bệnh giang mai.

Cách phát hiện bệnh theo từng giai đoạn

Bệnh phát triển theo 4 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Những người bị giang mai ở giai đoạn đầu sẽ thấy xuất hiện một hoặc nhiều vết loét nhỏ và không gây đau đớn.

Chúng xuất hiện trên bộ phận sinh dục hoặc trong hoặc xung quanh miệng trong khoảng 10-90 ngày (trung bình 3 tuần) sau khi tiếp xúc. Ngay cả khi không điều trị, chúng sẽ lành mà không có vết sẹo trong vòng 6 tuần.

Giai đoạn 2: Tình trạng bệnh kéo dài từ 1-3 tháng. Người bệnh có rất nhiều biểu hiện khác nhau như nốt ban đối xứng, màu hồng (còn gọi là đào ban giang mai vì nhìn rất giống hình ảnh hoa đào màu đỏ hồng hoặc hồng tím), ấn vào thì mất, không nổi cao trên mặt da, không bong vảy, không tự mất đi.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các nốt phỏng nước, loét da và niêm mạc, mảng sẩn với nhiều kích thước khác nhau. Cũng giống như ở giai đoạn 1, bệnh sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.

Giai đoạn tiềm ẩn: Đây là nơi nhiễm trùng nằm im (không hoạt động) mà không gây triệu chứng.

Giai đoạn 3: Nếu nhiễm trùng không được điều trị thì có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng với tim, não và dây thần kinh có thể bị tê liệt, mù lòa, sa sút trí tuệ, điếc, bất lực và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cách chẩn đoán bệnh giang mai

Bệnh giang mai có thể được chẩn đoán dễ dàng với một xét nghiệm máu không đắt tiền và nhanh chóng tại bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa.

Cách điều trị bệnh giang mai

Nếu bạn bị mắc bệnh giang mai dưới 1 năm, chỉ một liều penicillin duy nhất cũng đủ để tiêu diệt nhiễm trùng. Đối với những người dị ứng với penicillin, bác sĩ có thể kê đơn có tetracycline, doxycycline hoặc kháng sinh khác để thay thế.

Nếu bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân cần phải uống thuốc nhiều hơn.

Những người đang được điều trị bệnh giang mai phải tránh tiếp xúc thân mật hay quan hệ tình dục cho đến khi bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn. Bạn tình của người bị giang mai cần được kiểm tra và điều trị nếu cần thiết.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn bị mắc bệnh giang mai mà không chữa trị kịp thời? - Ảnh 2.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không điều trị bệnh giang mai?

Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và vĩnh viễn như chứng sa sút trí tuệ, mù lòa hoặc tử vong.

Bệnh giang mai ảnh hưởng như thế nào đối với phụ nữ mang thai và em bé?

Nếu trẻ bị lây bệnh giang mai từ người mẹ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là thai chết lưu, phù nhau thai; nhiễm trùng bào thai; giang mai bẩm sinh: trẻ suy dinh dưỡng nặng, da nhăn nheo như ông già, tim bẩm sinh (thường gặp hội chứng Marfan), nổi ban khắp người…

Nếu trẻ bị giang mai bẩm sinh muộn, thường xuất hiện lúc trẻ 3-5 tuổi, với biểu hiện viêm mống mắt kẽ hoặc xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên mắt, về sau là cả hai bên và có thể dẫn đến mù lòa.

Cách phòng ngừa bệnh giang mai

Tránh tiếp xúc gần gũi với người mà bạn biết đã bị nhiễm bệnh. Nếu không biết bạn tình bị nhiễm bệnh, bạn hãy sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục.

Sức khỏe của người bị bệnh giang mai sau điều trị

Bệnh giang mai là một căn bệnh có thể chữa được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể phải chịu những tổn thương vĩnh viễn cho tim và não mặc dù nhiễm trùng đã được xóa sạch.

* Theo WebMD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại