Chuyện chưa kể về Viện Huyết học và Truyền máu TƯ: Bình văn - “chữa bệnh” cho thầy thuốc!

Dược sĩ Trần Thanh Cảnh |

Những hình ảnh chia tay GSTS. Nguyễn Anh Trí đã tạo ra làn sóng chia sẻ trên mạng xã hội vì sự xúc động hiếm có của một vị thầy thuốc khi nghỉ hưu. Đây là một góc nhìn khác về ông.

Tôi và anh chưa có duyên gặp nhau, mặc dù tôi biết nhà anh cách khu tôi ở vài lô. Con trai tôi hồi bầu đại biểu quốc hội, về kể, "khu nhà mình" có Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư tiến sĩ, Anh hùng lao động, Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí ứng cử. 

Con chả biết tốt xấu ra sao, cơ mà cứ là thầy thuốc, đồng nghiệp của mình là con bầu!

Đúng. Tôi đồng tình với con. Được thầy thuốc đúng nghĩa vào quốc hội thì hay biết bao! Anh trúng cử đại biểu quốc hội như một lẽ đương nhiên.

Dịp này thấy tên anh lại thấy xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội. Toàn những mỹ từ ngợi ca. Tôi không cần phải "tung hoa" thêm nữa. Anh đã hoàn thành chức trách người thầy thuốc, nhà quản lý của mình một cách mỹ mãn và nghỉ hưu theo luật định.

Những giọt nước mắt, những vòng tay, những hàng người xếp dài: Bác sĩ, điều dưỡng, y tá, cán bộ viện, sinh viên, bệnh nhân... Một khối hàng trăm người đứng chào chia tay anh đã nói lên tất cả.Tôi chỉ kể thêm cho các bạn nghe một chuyện khác, liên quan đến tôi – trong vai trò một nhà văn chứ không phải dược sĩ.

Tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương thời anh Trí làm giám đốc, ngoài những công tác chuyên môn thường quy còn có rất nhiều hoạt động mang tính chất bổ trợ cực kỳ hữu ích cho công việc và cả cho đời sống tinh thần của cán bộ công nhân viên. Thơ ca nhạc họa, rồi thi chụp ảnh, những nét đẹp đời thường...

Một trong những hoạt động mà tôi rất ấn tượng đó là cuộc thi đọc và bình các tác phẩm sách văn học hàng năm! Nghe có vẻ rất "tầm phào" trong thời buổi bây giờ phải không các bạn?

Mỗi người sẽ đọc và bình một quyển sách - tác phẩm văn học, có thể là truyện ngắn hay tiểu thuyết. Sẽ viết thành lời bình và nộp cho ban tổ chức của Viện. 

Ban tổ chức đọc và đánh giá xem ai có lời bình hay nhất để được trao giải thưởng. Tôi không nói về giá trị vật chất của giải thưởng được trao, mà tôi nói về ý nghĩa của việc này. Văn học, xét theo một nghĩa nào đó là nhân học, nhà văn có một góc nào đó gần giống với người thầy thuốc: Nhà văn chữa bệnh tâm hồn, người thầy thuốc chữa bệnh cơ thể.

Nhà văn vĩ đại Lỗ Tấn xưa kia đã từng học y, rồi bỏ đi viết văn, mong chữa bệnh tâm hồn cho dân tộc Trung Hoa đang lầm than khi đó đấy sao?

Người thầy thuốc chữa bệnh cứu người, hơn ai hết phải có trái tim và tâm hồn nhân hậu, yêu thương con người. Có thế thì trong mọi y thuật chữa bệnh mới hướng đến được cái mục đích cao cả duy nhất của ngành Y: Cứu người.

Việc bồi đắp tâm hồn cho con người bằng các bộ môn văn hóa nghệ thuật nói chung và các tác phẩm văn học nói riêng luôn là việc làm cần thiết và đúng đắn. Bởi một khi tâm hồn người thày thuốc được bồi đắp nâng cao về phía thiện, về phía những điều tốt đẹp, thì những hành động nghề nghiệp của họ sẽ tự nhiên hướng về nhân bản, về con người.

Còn tâm hồn mà thô sơ đen tối, họ sẽ bị bản năng vô thức dẫn dắt theo ma lực của tiền tài dục vọng. Họ sẽ coi bệnh viện chỉ là cỗ máy kiếm tiền. Họ sẽ coi bệnh nhân là những đối tượng để làm tiền. Và họ sẽ dần đánh mất mình, biến hình dần dần cho đến khi không còn là thầy thuốc nữa!

Tôi trộm nghĩ, phải chăng những vấn nạn đầy rẫy bấy lâu nay, đang gây nhức nhối cho toàn xã hội chúng ta của ngành y tế, có một nguyên nhân là do những con người đó đã không được bồi đắp tâm hồn đúng nghĩa? Tâm hồn những người như thế đã cạn khô tình người, không còn biết xót xa trước những nỗi đau khổ của nhân dân, của bệnh nhân, của người nghèo. Họ chỉ biết đến tiền!

Bởi thế, việc bồi đắp tâm hồn của người thầy thuốc cũng quan trọng không kém gì việc chăm lo đời sống vật chất, bồi dưỡng chăm sóc cho thân thể họ.Cộng đồng chia sẻ hình ảnh ngày Nguyễn Anh Trí về hưu và nhiều người nói thật may vì nghề Y còn có những người như anh. 

Thật may vì còn có cơ sở y tế như Viện Huyết học và Truyền máu trung ương nơi không thiếu những câu chuyện thấm tình người. 

Chuyện chưa kể về Viện Huyết học và Truyền máu TƯ: Bình văn - “chữa bệnh” cho thầy thuốc! - Ảnh 1.

"Hơn 14 năm làm nhân viên của anh là không thể nào quên anh ạ!" - một cán bộ ở phòng Điều dưỡng nói với tôi như vậy! (Ảnh: fb nhân vật)

Chuyện chưa kể về Viện Huyết học và Truyền máu TƯ: Bình văn - “chữa bệnh” cho thầy thuốc! - Ảnh 2.

Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư tiến sĩ, Anh hùng lao động, Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Fb Nhân vật)

Chuyện chưa kể về Viện Huyết học và Truyền máu TƯ: Bình văn - “chữa bệnh” cho thầy thuốc! - Ảnh 3.

Màn chia tay, sau buổi giao ban cuối cùng của GS Nguyễn Anh Trí - sáng 29/9/2017 tại Viện HHTM TW. (Ảnh và chú thích: fb Nhân vật)

Chuyện chưa kể về Viện Huyết học và Truyền máu TƯ: Bình văn - “chữa bệnh” cho thầy thuốc! - Ảnh 4.

Hình ảnh chia tay với GS Nguyễn Anh Trí trong ngày làm việc cuối cùng (29/9/2017) ở cương vị Viện trưởng, Viện HHTM TW : Thấm đẫm nước mắt, của sự chan chứa yêu thương và quý mến! Tôi yêu quý, tin yêu và cảm ơn những người CBNV trong toàn Viện. (Ảnh và chú thích: Fb Nhân vật)

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại