Trao đổi với PV Suckhoedoisong.vn, ThS.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các ca chó cắn thương tâm phải nhập viện điều trị, có trẻ đã tử vong. Do đó, BS. Thắng đặc biệt khuyến cáo người dân:
- Phải trông chừng trẻ con dưới 3-4 tuổi khi nhà hoặc hàng xóm nuôi chó, mèo hoặc động vật có thể tấn công.
BS. Thắng nhấn mạnh, loài chó có xu hướng cắn xé nên tất cả các cơ quan đều có thể bị tấn công, nhất là cắn ngang cổ gây tổn thương đường thở dẫn đến tử vong.
Còn nhớ trường hợp em bé bị chó cắn tử vong ở Hải Dương cũng không loại trừ bị cắn vào cổ và không được cấp cứu kịp thời nên đã thiệt mạng.
ThS.BS Trần Hữu Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương.
- Trong những trường hợp nhà có chó đẻ thì người nuôi chó hoặc hàng xóm có trẻ con phải lưu ý những biện pháp phòng ngừa, không để chó tiếp xúc gần với người. Nếu chẳng may bị chó cắn cần phải lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tiêm phòng dại, khâu vết thương, cấp cứu đường thở...
- Rất nhiều người bị chó cắn vào cổ, điển hình là ca bệnh bé trai 3 tuổi (ở Đồng Nai) chấn thương thanh khí quản, tràn khí cổ ngực mà các bác sĩ Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương vừa cấp cứu thành công. Nếu không xử trí nhanh sẽ bị tràn khí màng phổi, trung thất dẫn đến suy hô hấp và tử vong do răng chó cắn thủng mặt trước khí quản làm cho khí từ trong đường thở thoát ra vùng cổ gây bóc tách tổ chức liên kết vùng cổ, ngực, trung thất (y khoa gọi là tràn khí).
Bệnh nhân có thể chèn ép tim, phổi dẫn đến suy hô hấp và ngừng tim. Càng sợ hãi, dày dụa thì càng tử vong nhanh.
Bệnh nhân 3 tuổi bị chấn thương thanh khí quản do chó cắn, tràn khí cổ ngực nhập viện ngày 19/4/2019 trong tình trạng nguy kịch đã được các bác sĩ Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cứu sống và sẽ được ra viện trong ngày hôm nay 2/5.
Lưu ý với tổn thương đường thở
Chuyên gia cấp cứu Trần Hữu Thắng cho biết, bệnh nhân bị chó cắn chết do mất máu thường ít, trừ khi bị cắn theo kiểu xé xác (thường là chó hoang khát máu, đói...), còn chủ yếu là do bị chó cắn làm tổn thương đường thở gây suy hô hấp cấp.
Do đó, sau khi bị chó cắn, nếu sờ vào vùng cổ bệnh nhân có cảm giác lép bép (như bóp bọt biển, vùng cổ, mặt ngực phồng như quả bóng) chứng tỏ có tổn thương đường thở. Lúc này cần đưa ngay bệnh nhân đến trung tâm y tế có khả năng đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản (thường từ cấp huyện trở lên). Như vậy mới cứu lại được tính mạng cho bệnh nhân.
Trường hợp này, người nhà cũng có thể sơ cứu trên đường đi cấp cứu bằng cách dùng nhiều kim lớn (ví dụ như kim lấy thuốc) đâm qua da vùng cổ ngực, mục đích là cho khí thoát ra.
"Khi tổn thương đường thở, khí từ trong khí quản đi ra tổ chức liên kết vùng cổ ngực gây chèn ép tim phổi nên dùng nhiều kim đâm qua da sẽ làm cho khí thoát ra ngoài tốt hơn.
Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý là chỉ đâm nhẹ qua da. Tuyệt đối không dùng kim to đâm vào cổ lại vào mạch máu lớn thì bệnh nhân có thể tử vong - ThS. Thắng tư vấn.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã chứng kiến nhiều ca bị chó cắn mất một hoặc một phần tai, một phần mũi, môi hoặc sẹo dúm ró vùng má bị tổn thương, thậm chí thủng cả má. Với những trường hợp như vậy, khả năng tái tạo rất thấp và bệnh nhi sẽ phải chịu tật nguyền suốt đời, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển.
Ca bệnh bị chó cắn mới đây nhất là bé N.V.Th. (12 tuổi, trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị chó nhà cắn với vết thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng và đã phải nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân ngày 29/4. Ngay sau khi gia đình đưa em N.V.Th. nhập viện, các y bác sĩ đã sơ cứu cho bệnh nhi, rồi phải chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị vì vết thương ở đầu, tai và nhiều vết thương rất nặng khác trên người.
Các bác sĩ cho biết, cháu Th. bị lóc da đầu, mất hai tai, nhiều vết thương trên cơ thể. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi Th. các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải truyền máu cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho Th.. Trong đêm 29/4, bệnh viện đã chuyển Th. ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị các vết thương trên cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.
Xem thêm thông tin sức khỏe do BS Trần Hữu Thắng tư vấn