Chính khách Mỹ "ngã ngửa" khi ông Trump mời Nga dò tìm email của bà Clinton

PHẠM KHÁNH |

Theo tờ Business Insider (Mỹ), nhiều chính trị gia, quan chức chính phủ Mỹ đã vô cùng sốc trước việc ông Donald Trump dường như muốn mời gọi Nga đánh cắp email của bà Hillary Clinton trong một cuộc họp báo hôm 28/7.

Ông Trump đã nhìn thẳng vào camera và nói: "Nước Nga, nếu các bạn đang lắng nghe, tôi hy vọng các bạn tìm được 30.000 email đang bị mất tích. Tôi nghĩ các bạn sẽ được giới báo chí của chúng tôi đền bù xứng đáng. Hãy cùng xem liệu chuyện đó có xảy ra hay không. Nó chắc sẽ rất tuyệt”.

Ông Trump nói đến 30.000 email là nhằm ám chỉ những email nghi ngờ đã bị xóa của bà Clinton. Hồi đầu tháng Sáu vừa qua, bà Hillary bị điều tra đã dùng hòm thư cá nhân để gửi thư công việc. Khi bà nộp server lại cho chính phủ Mỹ điều tra, có rất nhiều email đã biến mất, khiến mọi người nghi ngờ chúng đã bị xóa.

Lời kêu gọi trên của ông Trump được đưa ra ngay trong thời điểm nước Nga đang bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt sau vụ 19.000 email nội bộ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) bị tiết lộ hôm 22/7.

Do vậy, các chính trị gia, các quan chức chính phủ và các chuyên gia an ninh mạng đã phản ứng rất mạnh mẽ với lời mời chào trên của ông Trump.

Ông Ajay Arora, Giám đốc công ty an ninh mạng Vera, nói: "Tôi suýt rơi ra khỏi chiếc ghế khi xem đoạn phát biểu (của ông Trump)”.

Arora so sánh bình luận của Trump giống lời mời những tên trộm đột nhập vào trụ sở Uỷ ban Quốc gia Dân chủ tại tòa nhà Watergate.

Ông nói: “Điều đó chẳng khác gì với việc lên sóng truyền hình trực tiếp để kêu gọi mọi người đột nhập vào Watergate. Chưa từng có tiền lệ như vậy. Ông ấy đang công khai kêu gọi ám sát chính trị đối với đối thủ của mình”.

Ông nhấn mạnh hậu quả của việc tin tặc Nga tấn công các thông tin bí mật của các chính trị gia Mỹ:

"Một cuộc chiến tranh mạng chiến lược đang diễn ra. Hãy tưởng tượng nếu họ có email của bà Hillary, nếu họ tiết lộ chúng chỉ một tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Điều đó có nghĩa là một chính phủ nước ngoài đang tác động trực tiếp tới kết quả bầu cử Mỹ”.

Trong khi đó Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng chỉ trích phát ngôn của ông Trump và tuyên bố: "Ông Putin nên đứng ngoài cuộc bầu cử này".

Những người ủng hộ bà Hillary cũng ngay lập tức chỉ trích ông Trump và cho rằng ông đang kêu gọi Nga chống nước Mỹ và can thiệp vào chính trị nội bộ Mỹ.

Ông Jake Sullivan, cố vấn đối ngoại của bà Hillary, nói: "Đây là lần đầu tiên một ứng viên tổng thống chủ động kêu gọi chính quyền bên ngoài thực hiện hoạt động tình báo chống đối thủ chính trị của mình. Đây không còn là chuyện tò mò hay vấn đề chính trị nữa mà là câu chuyện an ninh quốc gia".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng kiêm cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Leon Panetta đánh giá bình luận của ông Trump là "vô trách nhiệm" khi đang tìm cách "nhờ người Nga can thiệp vào nền chính trị Mỹ".

Ông Panetta bày tỏ sự nghi ngờ về lòng trung thành của ông Trump với nước Mỹ.

Ông nói: "Các ứng viên phải tỏ ra trung thành với đất nước của họ và họ không được tiếp xúc với những người như ông Putin hay nước Nga và kêu gọi họ chống lại bên đối lập...

Donald Trump muốn làm Tổng thống Mỹ và ông ta yêu cầu một trong những kẻ thù của chúng tôi tấn công mạng chống lại nước Mỹ và gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của chúng ta".

Không chỉ liên quan đến phát ngôn trên, những người ủng hộ bà Hillary Clinton, trong đó có cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, cũng liên tục dùng những từ ngữ rất mạnh mẽ để chỉ trích ông Trump.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ hôm 27/7, tỷ phú Bloomberg, gọi chiến dịch tranh cử của ông Trump là “trò lừa đảo”.

Ông nói: “Trump nói ông ta muốn vận hành quốc gia như cách ông ấy điều hành công việc kinh doanh . Ôi lạy Chúa. Tôi là dân New York và tôi biết ngay đâu là trò lừa đảo”.

Theo Business Insider, phát biểu trên của ông Bloomberg là nhằm ám chỉ việc ông Trump đã 6 lần tuyên bố phá sản để bảo vệ tài sản của mình. Các hoạt động kinh doanh của ông Trump cũng bị đánh giá là ích kỷ, không có ý định giúp người lao động Mỹ.

Việc ông Bloomberg, từng thuộc đảng Cộng hòa, xuất hiện tại Đại hội đảng Dân chủ là một dấu hiệu cho thấy ông kịch liệt phản đối và đang tìm cách ngăn chặn ông Trump làm Tổng thống Mỹ.

Đáp lại những phản ứng trên, cố vấn truyền thông cao cấp Jason Miller của ông Trump cho hay: "Xin được nói rõ, ông Trump không kêu gọi, hoặc mời Nga hay bất cứ ai khai thác email của bà Hillary Clinton.

Ông Trump nói rõ ràng rằng nếu Nga hoặc ai đó có 33.000 email đã bị xóa bất hợp pháp của bà Clinton, họ nên chia sẻ chúng ngay lập tức”.

Đích thân ông Trump cũng phủ nhận việc đã kêu gọi ông Putin không can thiệp vào bầu cử Mỹ. Ông nói: "Tôi sẽ không yêu cầu ông Putin phải làm gì. Tại sao tôi phải khuyên ông ấy làm gì?".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại