Chiến đấu cơ mạnh nhất Ấn Độ đáp xuống cách biên giới TQ 100km

Nhật Minh |

Su-30MKI, chiến đấu cơ mạnh nhất của Không quân Ấn Độ đã lần đầu tiên hạ cánh xuống Pasighat trong buổi lễ khánh thành sân bay dã chiến (ALG) cách biên giới Trung Quốc chỉ 100km.

Ông Kiren Rijiju - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ đã chính thức khánh thành sân bay mới tân trang. ALG tại Pasighat (huyện West Siang, bang Arunachal Pradesh) đã không còn được sử dụng kể từ chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.

Cựu Đại tá Không quân Mohonto Panging cũng có mặt tại lễ khánh thành. Ông Panging thuộc lứa phi công đầu tiên được đào tạo tại Moscow. Năm 1997, ông Panging đã sang Nga để mang lô máy bay đầu tiên, gồm 12 chiếc Sukhoi, về cho Ấn Độ.

Su-30MKI hạ cánh xuống sân bay Pasighat.

Arunachal Pradesh có đường biên giới quốc tế dài 1.680 km, trong đó có 1.080 km tiếp giáp với Trung Quốc.

Ấn Độ sẽ nâng cấp thêm 2 ALG nữa tại Arunachal Pradesh. Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết: "Công trình tại Tuting đã gần hoàn thiện. Hơn 75% công việc đã được tiến hành và dự kiến sẽ sẵn sàng phục vụ vào cuối năm nay".

Trong khi đó, một dự án ALG khác tại Tawang cũng đang được tiến hành và dự kiến sẽ sẵn sàng phục vụ vào quý 1 năm sau.

Trước đó, trong tháng Ba và tháng Năm năm nay, các ALG nâng cấp đã được khánh thành tại Mechuka, Ziro, Along và Wallong ở vùng đông bắc Ấn Độ.

Su-30MKI là dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Ấn Độ hiện nay và giữ vai trò "át chủ bài" của lực lượng này.

Hiện tại, Ấn Độ đang thử nghiệm lắp đặt tên lửa hành trình Brahmos lên Su-30MKI. Đây là loại tên lửa hành trình có tốc độ nhanh nhất trên thế giới hiện nay (Mach 3) và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trong một bài viết vào năm ngoái, tờ Russia and India Report nhận định, sự kết hợp giữa 2 loại vũ khí này có thể tăng cường mạnh mẽ khả năng tấn công của lực lượng hạt nhân trên không - một thành phần trong bộ ba tấn công hạt nhân của Ấn Độ.

"Với tốc độ vượt trội của những chiếc Sukhoi (giúp tăng thêm đà tấn công cho tên lửa Brahmos), cùng với khả năng vượt qua các hệ thống phòng không của máy bay, phi công sẽ có cơ hội cao hơn để phóng tên lửa trúng mục tiêu xác định" - Bài báo cho biết.

Quan trọng hơn là với tầm hoạt động 1.800km của Su-30MKI kết hợp với tầm bắn 300km của tên lửa Brahmos thì nay Ấn Độ có thể tấn công hạt nhân sâu vào trung tâm của Trung Quốc hoặc Pakistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại