Chiến công của Krasnopol để lộ điểm yếu của Nga tại Syria

Sao Đỏ |

Sau khi hân hoan với thành tích tiêu diệt nhóm phiến quân tại Syria bằng đạn pháo Krasnopol, có lẽ đã đến lúc Nga cần phải ngồi lại và xác định rõ nhược điểm của phương thức này.

Trong tuần trước, Nga đã công bố đoạn video ghi lại cảnh tấn công tiêu diệt nhóm phiến quân bị tình nghi gây ra vụ tập kích vào sân bay Hmeimim khiến 2 lính Nga thiệt mạng cùng một số máy bay bị hư hỏng bằng đạn pháo có điều khiển 2K25 Krasnopol.

Vụ pháo kích đạt kết quả mỹ mãn khi phá hủy cơ sở sản xuất UAV tại Idlib, đồng thời còn tiêu diệt các thủ lĩnh của nhóm này ngay khi chúng vừa đặt chân định bước lên một chiếc xe ô tô để rời khỏi khu vực.

Để có một phát bắn chính xác, lính trinh sát Nga đã phải bí mật tiếp cận địa điểm, thông báo tọa độ về cho đơn vị pháo binh khai hỏa, sau đó phải liên tục chiếu tia laser vào mục tiêu cho tới khi viên đạn chạm đích.

Chiến công của Krasnopol để lộ điểm yếu của Nga tại Syria - Ảnh 1.

Phương thức dẫn đường bằng laser của đạn pháo có điều khiển 2K25 Krasnopol

Mặc dù kết quả thu được là rất tích cực nhưng đồng thời cũng phải nhìn nhận rằng Nga may mắn khi viên đạn đánh trúng đúng lúc phiến quân tụ tập lại vào một địa điểm, chỉ cần nhanh chân hay chậm một chút nữa kết quả sẽ khác, vì kể từ khi pháo binh tiến hành bắn cho tới lúc đạn bay tới nơi rõ ràng có một độ trễ.

Đạn pháo Krasnopol trúng đích ngay khi phiến quân chuẩn bị lên xe để rời vị trí

Về lâu về dài, để thu được hiệu suất chiến đấu tối ưu thì không thể trông đợi vào sự may mắn một lần nữa mà người Nga phải tìm cách xóa bỏ độ trễ một cách triệt để, ngoài ra phải làm sao không đẩy người lính trinh sát của mình vào tình thế nguy hiểm, vì nếu bị đối phương phát hiện thì khả năng sống sót của anh ta là rất thấp.

Nhưng đáng tiếc rằng hiện nay Nga chưa đủ khả năng khắc phục nhược điểm này, vì trong biên chế Quân đội Nga không có phương tiện hiệu quả như máy bay không người lái vũ trang của Mỹ.

Những chiếc MQ-9 Reaper với tên lửa chống tăng Hellfire tuần tiễu trên không vừa có khả năng bao quát rộng lại vừa có thể tung đòn tấn công cực kỳ chính xác gần như ngay lập tức theo thời gian thực trên chiến trường, không đòi hỏi đặc nhiệm phải mạo hiểm luồn sâu, điều mà đạn pháo Krasnopol không làm được.

Chiến công của Krasnopol để lộ điểm yếu của Nga tại Syria - Ảnh 3.

Máy bay không người lái vũ trang MQ-9 Reaper của Mỹ

Bên cạnh phương thức tấn công bằng UAV vũ trang thì còn có một giải pháp khác mang tính "độc quyền" của Israel đó là sử dụng UAV tự sát kiểu Harop. Chiếc máy bay không người lái này ngoài các thiết bị trinh sát, truyền dữ liệu hình ảnh về sở chỉ huy thì còn được trang bị một đầu đạn nặng 23 kg.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu phát hiện thấy đối tượng yêu cầu phải tiêu diệt ngay lập tức thì Harop sẽ bổ nhào xuống để kích hoạt đầu đạn.

Ngoài ưu điểm loại bỏ thao tác gọi hỏa lực chi viện từ tuyến sau thì UAV Harop hay MQ-9 còn có ưu điểm là chi phí hoạt động rất rẻ, cung cấp hình ảnh độ phân giải cực cao, thời gian làm việc trên không dài hơn nhiều so với dùng máy bay cường kích tuần tra làm cả nhiệm vụ trinh sát chiến trường lẫn oanh tạc.

Chiến công của Krasnopol để lộ điểm yếu của Nga tại Syria - Ảnh 4.

Máy bay không người lái "tự sát" IAI Harop của Israel

Có lẽ trong tương lai gần ngành công nghiệp quốc phòng Nga phải sớm cho ra đời các loại máy bay không người lái chiến đấu để khắc phục lỗ hổng chiến thuật, đồng thời thu hẹp khoảng cách về phương thức tác chiến với Quân đội Mỹ, NATO hay thậm chí là cả Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại