Trong các cuộc xung đột vũ trang thế kỷ 21, việc giành được thế mạnh trên không là yếu tố mang tính quyết định cho thành công. Thế nhưng phần lớn các phi đội không quân hiện đại với số lượng đông đảo có thể phải đối mặt với nguy hiểm khi gặp phải hàng rào phòng không được bố trí theo các tầng khác nhau.
Tuy nhiên, bất cứ hàng rào nào cũng có lỗ hổng và những phi công điều khiển chiến cơ chiến thuật vẫn có thể lợi dụng những lỗ hổng này để xuyên thủng hàng rào phòng không của đối phương. Trong bài viết của mình trên RIA Novosti, chuyên gia quân sự Andrey Kots phân tích chi tiết những thủ thuật lợi dụng các lỗ hổng này.
Bay linh hoạt
Khi phải đối mặt với hệ thống phòng không, các chiến cơ sẽ ở thế yếu – để đánh trúng 1 tổ hợp tên lửa phòng không bất kỳ thì máy bay ném bom hay cường kích phải xác định được vị trí của tổ hợp này trên mặt đất và di chuyển đến gần khu vực bố trí hệ thống phòng không.
Hệ thống radar hiện đại trên các chiến cơ ngày nay có thể cung cấp tầm nhìn rõ ràng cho các chiến cơ khi chúng di chuyển ở độ cao lớn. Ví dụ tại Syria, các phi đội không quân chiến thuật của Không quân Nga có thể bay ở độ cao từ 4.000 đến 5.000 m mà vẫn phát hiện được quân địch.
“Không có một chiến thuật xuyên thủng phòng không nào cho tất cả mọi tình huống. Cần phải căn cứ vào số lượng vào và sự kết hợp của các loại vũ khí phòng không và hoạt động phòng không”, Thiếu tướng Vladimir Popov, cựu phi công điều khiển máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 trả lời RIA Novosti.
Ông cho biết, phi công sẽ phân tích hoạt động tấn công của các chiến cơ vào vị trí quân địch có hệ thống phòng không mạnh.
Hệ thống radar với tầm hoạt động khác nhau sẽ phát hiện mục tiêu theo cách khác nhau – radar tầm xa có thể phát hiện được các vật thể bay ở độ cao lớn với khoảng cách xa nhưng không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được máy bay di chuyển ở tầm thấp, các phi đội sẽ lợi dụng điểm này.
“Chúng tôi bay càng thấp thì chúng tôi bay mà không bị phát hiện được càng lâu. Lý tưởng nhất là giữ độ cao từ 50 đến 300 m. Địa hình là đồng minh của chúng tôi. Bề mặt mặt đất, các tòa nhà, rừng cây, dãy núi, mây thấp khiến cho việc theo dõi khó khăn hơn”, thiếu tướng Popov cho giải thích.
Ngoài ra để đánh lừa đối phương, lực lượng không quân có thể sử dụng thêm các thiết bị tác chiến điện tử làm phức tạp hóa việc phân biệt giữa chiến cơ và không gian xung quanh.
Thiếu tướng Popov cho biết, “cần lưu ý 1 phi đội bay với vận tốc hơn 1.000 km/h và không bay theo đường thẳng mà thường đổi hướng theo góc 15, 30 và 45 độ”. Chiến cơ di chuyển như vậy để khi 1 radar bất kỳ bắt được mục tiêu, chiến cơ này đổi hướng sang vùng khác do radar khác phụ trách theo dõi và trong một vài giây, công việc theo dõi lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Video: Su-30SM trình diễn khả năng bay lượn
Làm mù quân địch
Thời khắc mà chiến cơ trở nên dễ tổn thương nhất là ngay trước đợt tấn công. Khoảng cách giữa chiến cơ và mục tiêu càng được thu hẹp bao nhiêu thì khả năng di chuyển linh hoạt càng thấp bấy nhiêu. Trong khi đó việc nhận diện và tiêu diệt mục tiêu vẫn cần phải được thực hiện.
Tuy nhiên theo thiếu tướng Popov, lợi thế thuộc về phía tấn công do trong các chiến dịch như thế này, lực lượng tình báo và vệ tinh do thám cung cấp nhiều thông tin về mục tiêu từ trước. Song vẫn có khả năng chiến cơ đột ngột bắt gặp đài radar của đối phương và chiến cơ bị lộ diện.
“Chúng tôi thấy mọi tín hiệu hướng về chúng tôi. Các bảng điều khiển sẽ cho đội bay thấy máy bay đang bị theo dõi từ hướng nào, từ khoảng cách nào và ở chế độ nào. Chúng cũng cảnh báo cho phi công biết tên lửa được phóng hay chưa.
Và nhiệm vụ chính là không tấn công mục tiêu mà là cơ động để tránh và cắt đuôi tên lửa, sau đó tiếp tục nhiệm vụ ban đầu”, thiếu tướng Popov giải thích.
Các loại pháo phòng không khó lòng đe dọa được đến các chiến cơ phản lực hiện đại, chúng chỉ có hiệu quả khi đối phó với trực thăng hay tên lửa hành trình, thiếu tướng Popov cho biết thêm.
Mục tiêu chính của phi đội tấn công là các đài radar bởi không có chúng, toàn bộ hệ thống phòng không sẽ bị mù và không có khả năng đánh trả. Tên lửa diệt radar sẽ dò theo sóng radar và tìm ra vị trí của chúng.
Mục tiêu ưu tiên thứ 2 là vị trí bố trí các tên lửa phòng không – phá hủy hoàn toàn hoặc một phần hệ thống phòng không ở khu vực cụ thể để các máy bay khác có thể bay qua khoảng trống này.
"Khi tầng phòng thủ đầu tiên bị chọc thủng, các phi đội oanh tạc tiếp theo sẽ thực hiện việc dọn dẹp những gì sót lại trong khu vực này. Các chiến cơ tiếp theo sẽ thọc sâu vào đội hình của quân địch và rồi lực lượng không quân chiến thuật đường dài sẽ tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa nhất", thiếu tướng Popov giải thích.
Việc tiêu diệt và vô hiệu hóa các khu vực phòng không của đối phương nhằm đảm bảo cho trực thăng tấn công và máy bay vận tải quân sự có thể hạ cánh.
Những chiến dịch kiểu này cực kỳ đắt đỏ, cực kỳ khó để tổ chức do tính phức tạp và có nhiều thành phần tham gia; “nhưng để chiến thắng đối thủ mạnh trong chiến tranh hiện đại thì không thể không có điều này được”, thiếu tướng Popov nhận định.