Hiện nay trên thế giới có 5 cường quốc hạt nhân được thế giới công nhận, đó là: Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. Israel đã không bao giờ thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng họ từ chối ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong nhiều thập kỷ qua, Israel luôn được quốc tế công nhận là một nhà nước có vũ khí hạt nhân, tuy nhiên điều này vẫn gây ra nhiều tranh cãi.
Lý do thúc đẩy Israel phát triển vũ khí hạt nhân?
Mặc dù Israel không chính thức thừa nhận điều đó, nhưng dư luận quốc tế hiểu rõ rằng, nước này hiện có vũ khí hạt nhân (mặc dù số lượng đầu đạn chính xác hiện vẫn đang là điều gây tranh cãi).
Tương tự như vậy, cũng hiểu rõ rằng, Mỹ mặc dù phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Israel trong thời kỳ Tổng thống John F. Kennedy nhưng ở một mức độ nào đó, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Eisenhower, đã bị Israel "qua mặt" khi ngụy trang toàn bộ dự án dưới chương trình "Nguyên tử vì mục đích hòa bình".
Một phần của lịch sử ít được biết đến hơn đó là, phần lớn tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Israel đến từ những cá nhân người Mỹ gốc Do Thái, trong đó nổi bật nhất là Abraham Feinberg, một nhà kinh doanh, nhà hảo tâm và người ủng hộ nhiệt thành nhà nước Israel.
Feinberg cũng là một cố vấn không chính thức cho cả Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson.
Nhà lãnh đạo của Israel, Thủ tướng David Ben-Gurion, luôn bị ám ảnh bởi nạn diệt chủng Holocaust (cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái từ năm 1938-1945) và sự thù địch không ngớt mà Israel phải đối mặt với các nước láng giềng Ả Rập, nổi tiếng "mạnh về gạo, bạo về tiền" đang bao vây xung quanh.
Ben-Gurion xem vũ khí hạt nhân là giải pháp cuối cùng để đảm bảo sự sống còn của quốc gia Do Thái trong trường hợp kẻ thù của họ từng sử dụng sức mạnh số đông và nền kinh tế lớn hơn nhằm bóp chết nhà nước Israel non trẻ.
Thủ tướng đầu tiên củanhà nước Israel David Ben-Gurion
Quốc gia nào đứng sau chương trình hạt nhân của Israel?
Vấn đề Ben-Gurion và các cố vấn thân cận nhất của ông phải đối mặt, khi mới lập quốc, đó là các nguồn lực của quốc gia rất hạn chế. Trong khi đó Israel cũng không có các nguồn lực công nghệ và vật chất cần thiết, để hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân bản địa.
Hy vọng tốt nhất của Israel để có thể sở hữu được vũ khí hạt nhân, đó là mua được từ nước ngoài. May mắn đến với Israel, khi chính hoàn cảnh lịch sử đã tạo điều kiện cho Israel được sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Cụ thể, vào những năm giữa thập niên 1950, khi đó Algeria đang là thuộc địa của Pháp, phong trào giải phóng dân tộc dâng cao tại quốc gia này và cuộc nổi dậy của nhân dân Algeria nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhà lãnh đạo Ai Cập Gamal Abdel Nasser.
Lúc này, Paris muốn một sự trao đổi bằng cách: Israel trợ giúp Pháp tin tức tình báo về Algeria và Ai Cập, nhằm đổi lấy vũ khí truyền thống của Pháp.
Tuy nhiên, cơ hội chuyển đổi nó thành hợp tác hạt nhân đã được thể hiện vào năm 1956 khi Paris yêu cầu Israel cung cấp cho Pháp và Anh một cái cớ để can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng kênh đào Suez.
Thủ tướng Israel Ben-Gurion nhân cớ này đã có những đề nghị lớn với Pháp về chương trình phát triển hạt nhân của Israel. Những điều này đã được chấp nhận, khi Pháp đồng ý cung cấp cho Israel một lò phản ứng nghiên cứu nhỏ, tương tự như lò phản ứng EL-3 Pháp đã chế tạo tại Saclay.
Tất nhiên, cuộc can thiệp của Pháp và Anh vào việc phong tỏa kênh đào Suez nhanh chóng trở nên xấu đi, khi cả Mỹ và Liên Xô đe dọa Israel, Pháp và Anh theo những cách khác nhau để buộc họ phải rút lui.
Pháp không thể bảo vệ được Israel khỏi mối đe dọa của các siêu cường. Tuy nhiên, trước khi đồng ý rút lui, Israel yêu cầu Paris phải thực hiện cam kết với chương trình hạt nhân của Israel.
Sau đó Pháp đã đồng ý cung cấp cho Israel một lò phản ứng sản xuất plutoni lớn hơn, để lắp ráp tại cơ sở hạt nhân Dimona, uranium tự nhiên để nạp nhiên liệu cho lò phản ứng và một nhà máy xử lý nguyên liệu sau khi làm giàu.
Về cơ bản, mọi thứ Israel cần để sản xuất plutoni cho một quả bom hạt nhân đã sẵn sàng, ngoại trừ nước nặng.
Đây là một việc làm "vô tiền, khoáng hậu" từ trước đến nay khi một quốc gia cung cấp toàn bộ công nghệ để quốc gia khác có thể chế tạo được vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa trận chiến, một nửa sự thật nữa là Israel phải trả cho Pháp một khoản tiền lớn nữa, họ mới có thể sở được hữu công nghệ hạt nhân của người Pháp.
Chưa biết cơ sở hạt nhân tại Dimona có chi phí xây dựng là bao nhiêu, nhưng Israel có thể trả cho Pháp ít nhất 80 triệu đến 100 triệu USD vào năm 1960. Đó là một khoản tiền lớn cho Israel vào thời đó.
Hơn nữa, Thủ tướng Ben-Gurion lo lắng rằng, nếu ông giành số tiền ngân sách hạn hẹp quốc gia khi đó cho chương trình hạt nhân đầy tham vọng của mình, thì chắc chắn ông sẽ bị chính các nhà lãnh đạo Quân đội Israel phản đối.
Vì lúc này, Israel phải giành những nguồn lực ít ỏi củng cố quân đội, để có thể đánh bại những nước Arab thù địch.
Khu vực xây dựng lòphản ứng hạt nhân của Israel ở sa mạc Negev
Vai trò của doanh nhân Abraham Feinberg
Để giải quyết bài toán tài chính, Thủ tướng Israel đã quyết định tạo ra một quỹ tư nhân để tài trợ cho hợp đồng đã ký với Pháp.
Theo tài liệu của Michael Karpin trong lịch sử về chương trình hạt nhân của Israel "The Bomb in the Basement" (Bom nổ trong tầng hầm), Ben-Gurion chỉ đạo cấp dưới của mình quan hệ trực tiếp với Abraham Feinberg, để ông này vận động tài chính từ những người Do Thái cho chương trình hạt nhân của Israel.
Để giữ bí mật cho chương trình, người ta chỉ gọi ông là "Abe".
Abraham Feinberg là một nhà kinh doanh, nhà từ thiện và nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Do Thái nổi bật ở New York, có quan hệ gần gũi với Đảng Dân chủ Mỹ.
Trước khi Mỹ tham chiến vào Thế chiến 2, Feinberg đã gây quỹ để giúp người Do Thái châu Âu di cư đến vùng đất Palestine (sau này tách đôi thành Palestine và Israel ngày nay).
Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông ta cũng như Ben-Gurion, đã đến Châu Âu để xem trại tập trung Holocaust. Ông cũng đã giúp những người sống sót ở những trại tập trung như Holocaust về vùng đất Palestine.
Mặc dù vào thời điểm đó, người Anh đã tạo ra các cuộc phong tỏa để ngăn chặn người Do Thái nhập cư bất hợp pháp vào vùng đất này.
Trong thời gian này, ông đã tạo ra mối liên kết lâu dài với nhiều người, mà sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của nhà nước Israel. Khi quay trở lại Mỹ, ông đã tích cực vận động Tổng thống Mỹ Harry Truman công nhận nhà nước Israel, khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1948.
Một sự trùng hợp tự nhiên, vào tháng 10/1958, Ben-Gurion đã gặp gỡ và ủy quyền cho Feinberg, để giúp gây quỹ cho dự án hạt nhân đầu tiên của Israel là Dimona.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Ben-Gurion quay sang nhờ các nhà lãnh đạo Do Thái ở Mỹ để gây quỹ cho Israel. Biết sớm sẽ có cuộc chiến giành độc lập, Ben-Gurion đã tới New York vào năm 1945 vận động gây quỹ, để mua sắm vũ khí cho người Do Thái ở Palestine. Nhiệm vụ này đã thành công.
Theo Karpin, trong các báo cáo bí mật, đã có 17 triệu phú người Mỹ được đặt tên mã là "Viện Sonneborn", có đóng góp hàng chục triệu USD để mua súng đạn, máy móc, thiết bị bệnh viện và thuốc men, và tàu mang người tị nạn Do Thái đến vùng đất Palestine.
Feinberg là một trong mười bảy triệu phú người Israel, thành viên tích cực của Viện Sonneborn. Năm 1958, Feinberg cùng nhiều thành viên của Viện Sonneborn, cũng như nhiều nhà lãnh đạo Do Thái khác ở Bắc Mỹ và Châu Âu, đã huy động tài chính cho dự án hạt nhân Dimona của nhà nước non trẻ Israel.
Chương trình huy động tài chính bắt đầu vào năm 1958 và kéo dài trong suốt 2 năm sau đó. Khoảng 25 triệu phú người Do Thái đã đóng góp số tiền trị giá khoảng 40 triệu USD cho chương trình hạt nhân của Israel.
Một điều khẳng định chắc chắn là: Nếu không có Thủ tướng Israel Ben-Gurion chắc chắn rằng sẽ không có thỏa thuận hạt nhân với nước Pháp. Tuy nhiên, nếu không có Feinberg thì Israel lúc đó không thể trả khoản tiền khổng lồ cho Pháp để có công nghệ hạt nhân và xây dựng lò phản ứng Dimona.
Doanh nhân Abraham Feinberg
Vũ khí ngầm để "răn đe" những cái đầu nóng
Chương trình hạt nhân của Israel được coi là một chủ đề nhạy cảm và bí mật mà Tel Aviv chưa bao giờ chính thức công bố, nhằm tránh một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực, và cho đến nay Mỹ cũng đã tôn trọng việc giữ im lặng về vấn đề này.
Theo một tài liệu đã được giải mật từ năm 1987 của Chính phủ Mỹ, Israel đã phát triển các loại mã, cho phép nước này có thể chế tạo bom nhiệt hạch; đồng thời nói rằng vào những năm 1980, Israel đã đạt đến khả năng chế tạo những quả bom có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần so với bom nguyên tử.
Theo một số nguồn khác, trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã lên kế hoạch cho nổ hạt nhân dưới lòng đất để "dằn mặt" và "hạ nhiệt" các đầu nóng trong giới lãnh đạo các nước.
Tuy nhiên, ý tưởng trên đã không cần phải thực hiện mà Israel vẫn đánh bại Liên quân Arab, sát nhập lãnh thổ Sinai, dải Gaza, cao nguyên Goland, Judea, Samaria vào lãnh thổ của mình./.
Video các vụ nổ bom hạt nhân trong lịch sử