F-16 bị bắn tan xác, tại sao Israel không điều “báu vật” F-35I tấn công trả đũa Syria?

Trung Phạm |

Đã không có một chiếc tiêm kích tàng hình F-35I tối tân nào được Không quân Israel huy động tới trong các đòn tấn công trả đũa vụ chiếc F-16 bị Syria bắn hạ trước đó.

Trong khi Israel vẫn còn đang tiếp tục điều tra vụ chiếc máy bay F-16I của họ bị Syria bắn hạ ngày 10/2 vừa qua, nhiều chuyên gia tại đây cũng đang đặt ra câu hỏi tại sao Không quân nước này lại quyết định không triển khai chiến đấu cơ tàng hình mới nhất: F-35I?

Đầu tháng 12/2017, Israel tuyên bố chính thức đưa vào hoạt động 9 chiếc F-35 đầu tiên và theo như những gì được người dân sinh sống gần căn cứ Nevatim ghi nhận thì thời gian gần đây các máy bay này đã gia tăng đáng kể tần suất xuất kích.

Thế nhưng lại không có một chiếc F-35 được Israel huy động tham gia đội hình 8 máy bay thực thi nhiệm vụ phá hủy một trung tâm chỉ huy của Iran ở Syria. Đây là trung tâm được cho là nơi xuất phát của chiếc máy bay không người lái Shahed 171 mà Israel cáo buộc đã xâm nhập không phận của họ đầu giờ sáng ngày 10/2.

Sau đó, để trừng phạt vụ chiếc F-16I bị bắn hạ, Israel đã tiến hành một loạt vụ không kích tiêu diệt 12 mục tiêu riêng rẽ của Syria và Iran nhưng cũng không có chiếc F-35 nào được điều động tham gia.

F-16 bị bắn tan xác, tại sao Israel không điều “báu vật” F-35I tấn công trả đũa Syria? - Ảnh 1.

Xác chiếc F-16 bị rơi tại phía Bắc Israel sau khi trúng tên lửa của Syria ngày 10/2/2018.

Tại sao F-35 không được điều động?

Có lẽ, những chiếc tiêm kích tàng hình F-35 là món đồ "gia bảo" không dễ gì được Israel đem ra sử dụng. Cũng có thể, Không quân Israel chưa hoàn toàn tin tưởng vào loại máy bay này hoặc vào khả năng vận hành thuần thục chiến đấu cơ thế hệ 5 của phi công.

Syria và đồng minh Hezbollah đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ cho Israel chứng kiến thêm "nhiều bất ngờ nữa" nếu nước này mạo hiểm thực hiện thêm các cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria. Trước bối cảnh đó, liệu Không quân Israel có chọn cách sử dụng F-35 cho những đợt không kích tiếp theo?

Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên, theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel, Trung tá Jonathan Conricus, đó là" "Không bình luận".

Về mặt không chính thức, các cựu sỹ quan Không quân Israel đưa ra một loạt các giải thích và phỏng đoán, bao gồm:

Kinh nghiệm hoạt động của các phi công F-35 còn non yếu; Israel vẫn chưa tích hợp được vũ khí vào khoang chứa bên trong thân máy bay như yêu cầu; Cần phải để dành những "tài sải quá giá này" cho các nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược nhất như đối phó với các hệ thống phòng không tối tân hơn của kẻ thù.

Tuy nhiên, tất cả các cựu sỹ quan này đều thừa nhận một điều: không quân Israel đã tính toán sai.

Qua việc không thấy trước được mối đe dọa từ các vụ tấn công ồ ạt của hệ thống phòng không Syria, dù đó là những loại tên lửa cổ lỗ như SA-5 và SA-17, Israel không những đã phải gánh chịu tổn thất đầu tiên sau 36 năm khi để mất 1 chiếc tiêm kích bởi phòng không đối phương mà còn bị giáng một đòn chí mạng vào ý chí "bất khả đánh bại" đầy kiêu hãnh của mình.

F-16 bị bắn tan xác, tại sao Israel không điều “báu vật” F-35I tấn công trả đũa Syria? - Ảnh 2.

Tiêm kích tàng hình F-35I của Israel

Một tiền lệ nguy hiểm

Một cựu sỹ quan Không quân Israel đã nhận định rằng, vũ khí mà Israel sử dụng trong đòn không kích vào phi trường T-4 ở miền Trung Syria vẫn chưa phải là loại được tích hợp cho khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình F-35.

"Nếu Israel quyết định sử dụng những vũ khí đặc biệt cho tình huống rất cụ thể này thì họ sẽ không treo chúng dưới cánh bên ngoài. Sẽ mất chiếc máy bay tàng hình ngay", viên sỹ quan trên nhận xét.

Quân đội Israel từ chối cung cấp thông tin chi tiết về loại tên lửa đã được sử dụng trong vụ tấn công trung tâm chỉ huy và điều khiển của Iran nhưng nhiều nguồn tin cho rằng đó có thể là SPICE - một vũ khí tấn công chính xác tự động trong mọi điều kiện thời tiết mà Không quân Israel đã luyện tập rất thành thục từ ngoài tầm với của phòng không đối phương.

Một sỹ quan khác thì cho rằng, có thể Washington đã không khuyến khích hay thậm chí không cho phép Israel sử dụng F-35 vào thời điểm này với lo ngại rằng các chuyên gia Nga và Iran ở Syria có thể thu thập được những thông tin về khả năng tàng hình trốn tránh các hệ thống radar cũng như những đặc tính khác của nó.

Chuẩn tướng không quân Israel đã nghỉ hưu Abraham Assael, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chiến lược Không quân – Vũ trụ Fisher cho rằng, không nhất thiết phải mạo hiểm sử dụng các "tài sản chiến lược" để đối phó với một mục tiêu "chẳng có mấy ý nghĩa về mặt chiến lược".

"Trước đây, mọi việc đã diễn ra rất suôn sẻ, vì vậy tại sao phải mạo hiểm dùng đến một thứ giá trị và quý báu cho một chiến dịch từng không gặp trở ngại gì đáng kể?", Assael đặt câu hỏi.

Assael viện dẫn số lượng ít ỏi các máy bay F-35 mà Israel đang sử hữu cũng như kinh nghiệm hoạt động còn tương đối hạn chế của nó là những lý do khiến chúng không được đưa vào sử dụng cho các cuộc không kích ngày 10/2.

"Nếu họ đánh giá các mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược, tôi chắc chắn họ sẽ cân nhắc sử dụng. Nhưng họ đã không dùng đến. Tại sao phải mạo hiểm sử dụng F-35 ở thời điểm còn quá sớm như vậy?"

F-16 của Israel bị phòng không Syria bắn rơi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại