Chi phối cuộc chơi Trung Đông: Nga đảo lộn mọi quy tắc, từ "thù thành bạn", từ "bạn lại thành thù"?

Mạnh Kiên |

Trung Đông đang có sự biến đổi không thể tưởng tượng. Các thế lực đối đầu bất ngờ chuyển sang hợp tác (lực lượng người Kurd và Syria; Israel và Saudi Arabia), trong khi các đồng minh lịch sử lại chuyển sang đụng độ (Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ). Chỉ có Nga đứng ngoài điều phối tất cả.

Được xây dựng ban đầu bởi cuộc chiến chống khủng bố IS, các mạng lưới liên minh ở Trung Đông giờ đây đang có sự tái cấu trúc một cách rõ rệt.

Đặc biệt hơn, chiến dịch tấn công mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đã càng trở thành động lực thúc đẩy cho điều này xảy ra.

Các thế lực đối đầu bất ngờ chuyển sang hợp tác (lực lượng người Kurd và Syria, Israel và Saudi Arabia) và các đồng minh lịch sử lại chuyển sang đụng độ (Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ), theo New Easter Europe.

Trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này, Mỹ đang mất dần vị thế trong khi Nga đang có động lực thăng tiến.

Hội nghị thượng đỉnh Putin-Erdogan ở Sochi gần đây đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nga trong cán cân quyền lực khu vực. Tổng thống Nga đang khẳng định vai trò trung gian điều phối giữa chính quyền Syria và Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Ở phía ngược lại, Tổng thống Donald Trump đang ngày càng đánh mất uy tín ở Trung Đông, thậm chí là mất hình tượng trong mắt các đồng minh lịch sử như Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi.

Người chiến thắng vẫn đang lần lượt được gọi tên, nhưng những người thua cuộc đã được xác định rõ: Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Liên minh Mỹ tan rã

Mạng lưới liên minh lịch sử của Mỹ ở Trung Đông đang xấu đi một cách đáng kể, Tiến sĩ Cyrille Bret nhận định trên tờ New Easter Europe.

Với Saudi Arabia, sự bất đồng đã gia tăng kể từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Khoảng cách này ngày càng lớn trong thời kỳ Thái tử Mohammad Bin Salman lên nắm quyền với các động thái phong tỏa Qatar và tiến hành cuộc chiến ở Yemen.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng đang ở đỉnh cao, mặc dù đất nước này vốn được coi là trụ cột lịch sử của NATO kể từ năm 1952. Tổng thống Erdogan ngày càng cho thấy ông là nhà lãnh đạo muốn có sự độc lập nhất định với phương Tây.

Ankara thậm chí đã thách thức Washington bằng cách mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp các lời đe dọa trừng phạt từ chính quyền Trump.

Trong khu vực, Tổng thống Trump đã càng làm suy yếu thêm uy tín của Mỹ bằng cách từ bỏ người Kurd một lần nữa.

Còn đối với châu Âu, các quốc gia này vẫn đang bị Thổ Nhĩ Kỳ nắm thóp đối với vấn đề người tị nạn.

Thời của liên minh chống IS theo chân Mỹ đã qua, nhường chỗ cho một Trung Đông đang quay lưng với phương Tây.

Liên minh lịch sử tái hợp

Bằng cách can thiệp vào Syria kể từ tháng 9/2015, Nga đã đồng thời hồi sinh lại quan hệ liên minh vốn có từ những năm 1970 giữa Liên Xô và nhà lãnh đạo Syria Hafez al-Assad.

Chi phối cuộc chơi Trung Đông: Nga đảo lộn mọi quy tắc, từ thù thành bạn, từ bạn lại thành thù? - Ảnh 2.

Bước chân vào Syria, Nga có thể hoàn thành 4 mục tiêu lớn.

Mục tiêu của Moscow rất rõ ràng: Hỗ trợ cho một đồng minh và cũng là đối tác lâu năm; thiết lập các căn cứ trên không và căn cứ hải quân ở Đông Địa Trung Hải (đặc biệt là ở Tartus); chống lại sự hiện diện của Mỹ ở Iraq, Israel, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời kiểm tra khả năng triển khai quân sự của mình ở nước ngoài.

Liên minh đã giúp tôn vinh vị thế và sự ngưỡng mộ của Nga trong khu vực bằng cách làm nổi bật lời hứa không bỏ rơi đồng minh, mang đến một sự tương phản rõ rệt với Mỹ.

Nga đã xây dựng lại một mạng lưới đồng minh có số lượng nhiều hơn trước. Với việc Iran hoạt động ở Syria, Lebanon và Yemen, Nga đã bảo đảm một liên kết vững chắc để chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq và các quốc gia Ả Rập khác.

Cái gọi là trục Moscow-Damascus-Tehran không được đánh giá quá cao. Nó có những lỗ hổng và căng thẳng nội bộ.

Nhưng liên minh này đã trở nên hấp dẫn trong khu vực khi có thể định hình cuộc khủng hoảng ở Syria. Thậm chí, trục của Nga đã thu hút cả Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đối thủ của Damascus và Tehran.

Mối quan hệ này khá bấp bênh, như được thể hiện bởi sự phản đối của quân đội Syria đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây.

Nhưng các quốc gia vẫn đang cố gắng làm cho lợi ích khác biệt giữa họ cùng tồn tại, hết năm này qua năm khác, dưới sự bảo trợ của Nga. Và hơn cả, phương Tây không có phần của mình.

Liên minh bất ngờ

Sự phát triển trong khu vực đã dẫn đến những mối quan hệ liên kết được cho là gây bất ngờ, thậm chí là không thể tưởng tượng được. Trong số các liên minh nghịch lý này có thể kể đến mối quan hệ kín đáo giữa Israel và Saudi Arabia.

Trong lò lửa Syria, hai đối thủ truyền thống đã gây ngạc nhiên bằng cách tiến hành hợp tác kín đáo để chống lại chiến lược khu vực của Iran.

Vì bận rộn tham gia cuộc chiến ở Yemen trong khi cảnh giác với Washington và ít nhận được sự ủng hộ từ UAE, Saudi đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Israel để kiềm chế hoạt động của Iran trong khu vực.

Ở phía ngược lại, nó cũng là sự hợp tác khá ổn với Israel - một quốc gia khá tách biệt về ý thức hệ trong khu vực và có quan hệ căng thẳng âm ỉ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với đó, Saudi hiện đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga cho việc thực thi chính sách đối ngoại của mình.

Trung Đông đang được định hình lại ở quy mô lớn với tốc độ nhanh chóng. Một mặt, các liên minh lịch sử của Mỹ đang lụi tàn. Mặt khác, các đối thủ cũ trong khu vực đang tìm cách bắt tay nhau để xây dựng một mạng lưới đoàn kết bấp bênh.

Đối với Nga , nước này đang cho thấy một sự trở lại lớn ở khu vực và mở rộng mạng lưới liên minh của mình đối với tất cả các bên.

Câu hỏi bây giờ là liệu Nga có thể đưa các đồng minh đối lập như Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi vào cùng một mạng lưới hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại