Châu Á đợi chờ gì sau cuộc gặp thượng đỉnh Tổng thống Moon Jae-in- Chủ tịch Tập Cận Bình?

Quốc Vinh |

Quan hệ giá lạnh Trung-Hàn không chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên bế tắc mà còn làm cho dòng chảy kinh tế, quan hệ thương mại trên khắp châu Á bị ảnh hưởng.

Chuyến thăm Trung Quốc trong 4 ngày, bắt đầu từ 13/12 của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông quốc tế suốt những ngày qua. Giới quan sát đang hy vọng, đây sẽ là cơ hội cho hai nền kinh tế lớn nhất châu Á tìm kiếm giải pháp làm tan băng quan hệ ngoại giao.

Nhà lãnh đạo Seoul đã cho thấy mục đích rõ ràng trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này là để "bình thường hóa" mối quan hệ vốn trở nên căng thẳng vào năm ngoái, sau khi Bắc Kinh chỉ trích việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa ở Hàn Quốc. Phía Seoul nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để bảo vệ trước mối đe dọa Triều Tiên và không nhằm vào Trung Quốc, trong khi phía Bắc Kinh cho rằng hệ thống này là nhằm thám thính đại lục.

Tức giận trước việc an ninh bị xâm phạm, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các phản ứng cấm vận không chính thức bao gồm việc cấm bán các tour du lịch đến Hàn Quốc. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và động thái tẩy chay du lịch dẫn đến việc thất thu 9,3 tỷ USD đối với Seoul khi lượng khách giảm đến 70%.

Tranh cãi về lá chắn phòng thủ THAAD không chỉ dừng lại ở các cuộc khẩu chiến. Nó đã dẫn đến việc Bắc Kinh tẩy chay các công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại đại lục, trong đó hãng sản xuất ô tô Hyundai và tập đoàn Lotte là một trong những nạn nhân bị thiệt hại nặng nề nhất.

Với vai trò đầu tàu về quân sự và vị thế kinh tế nổi bật, một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được coi là rất quan trọng để duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Do đó, trọng tâm thảo luận của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và ông Tập Cận Bình sẽ làm rõ nhiều vấn đề chung, bao gồm quan hệ thương mại, lệnh cấm vận và cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Các vấn đề làm thế nào để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân gây căng thẳng của Bình Nhưỡng được đánh giá là chương trình nghị sự chính của ông Tập và ông Moon trong cuộc gặp lần này. Cả hai quốc gia đều có chung biên giới với Triều Tiên và có chung sự quan ngại sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn xa nhất từ trước đến nay của chính quyền Kim Jong-un.

Để ứng phó trước những hành động của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Mỹ hồi đầu tuần đã tổ chức một cuộc diễn tập trên không quy mô lớn, bất chấp lời kêu gọi của Bắc Kinh muốn hai nước dừng lại các bài tập vốn chỉ làm tình hình trở nên nóng thêm.

Các chuyên gia nói rằng, bán đảo Triều Tiên đang tiến vào "một thời điểm quan trọng" Bắc Kinh và Seoul - với lợi ích chung trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột trong khu vực - nên bắt tay vào việc xây dựng một mặt trận thống nhất.

"Tôi nghĩ (Seoul và Bắc Kinh) nên tăng cường tin cậy lẫn nhau về ý đồ chiến lược tương ứng và ngay lập tức các kênh thông tin liên lạc chiến lược", Shin Jung-seung, cựu Đại sứ của Hàn Quốc tại Bắc Kinh cho biết. "Một cuộc đối thoại ba bên Hàn-Trung-Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên nên diễn ra càng sớm càng tốt".

Châu Á đợi chờ gì sau cuộc gặp thượng đỉnh Tổng thống Moon Jae-in- Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

THAAD vẫn là nguồn cơn bất đồng lớn nhất giữa hai cường quốc châu Á.

Tổng thống Moon Jae-in và ông Tập Cận Bình đã đồng ý khôi phục quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong một thỏa thuận tại thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng trước. Trước đó, cố gắng đàm phán của Seoul với các quan chức bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị từ chối bởi Bắc Kinh. Tháng 11 năm ngoái, đối thoại quân sự cấp cao hai bên cũng bị đình chỉ do căng thẳng tăng cao.

Cheng Xiaohe, học giả tại đại học Nhân dân (Trung Quốc), cho biết, quyết định của hai quốc gia trong việc tạm gác sang một bên những tranh chấp về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và khôi phục quan hệ song phương sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng và Washington. "Một sự đồng thuận như vậy, nếu đạt được, sẽ không chỉ kiềm chế và gây áp lực lên Triều Tiên, mà còn ngăn cản mọi nỗ lực của Mỹ trong việc sử dụng vũ lực", ông nói.

Tuy nhiên, Giáo sư Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cho biết, Hàn Quốc sẽ "không hứa hẹn bất cứ điều gì với Trung Quốc". "Chúng tôi chỉ đơn thuần là bày tỏ quan điểm của mình về mối quan tâm của họ", ông nói trong cuộc phỏng vấn với The Straits Times.

Cùng với đó, giới quan sát cũng đánh giá lập trường của Trung Quốc về việc Hàn Quốc buộc phải dừng việc triển khai THAAD sẽ không thay đổi. "Để xây dựng một mối quan hệ sâu sắc, thân mật là rất khó, đặc biệt là kể từ khi Hàn Quốc là một đồng minh của Mỹ", Giáo sư Sun Xingjie từ đại học Cát Lâm nói.

Giới phân tích cũng hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh thường niên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa bị hủy bỏ trong tháng này do hậu quả từ mối quan hệ băng giá giữa cả ba quốc gia sẽ được nối lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại