SPIEGEL: Con virus corona mới có vẻ như hay tấn công vào các tế bào nhất định trong đường hô hấp. Chị nghiên cứu hướng tiếp cận nào?
Ribbeck: Tuyến bảo vệ đầu tiên của hệ thống miễn dịch cơ thể là chất nhầy. Đây là một lớp dầy đặc, đến mức nó có thể giữ lại tác nhân gây bệnh cúm Influenza. Nhưng con virus Sars-Cov-2 mới này lại tạo ra một sự bất thường: nó có thể vận động thoải mái trong cái rào cản chất nhầy của chúng ta, chúng nhanh hơn nhiều, so với kích thước hạt của nó.
SPIEGEL: Con virus làm thế nào để khắc chế được chất nhầy?
Ribbeck: Hiện còn thiếu những dữ liệu chính xác, nhưng có thể, Sars-Cov-2 hạn chế được khả năng bảo vệ của chất nhầy, bằng cách nó triệt tiêu được một số hợp chất đường nhất định, thí dụ như axit sialin. Chúng tôi đang nghiên cứu xem có loại thuốc nào cản trở được điều này hay không.
SPIEGEL: Cái chất nhầy nhụa trong cơ thể bị coi là ghê tởm, tại sao lại như vậy?
Ribbeck: Tôi nghĩ, chủ yếu là do dậy dỗ. Trẻ em phần đông đều thích cái chất nhờn này. Đây là một sự quan tâm nội tại, ăn sâu trong tiềm thức đối với nước bọt, nước mũi và các chất lỏng khác trong cơ thể. Đến tuổi dậy thì những điều này tiêu biến , vì khi khôn lớn, do giáo dục về vệ sinh, người ta tiếp nhận một hình ảnh hoàn toàn khác: chất nhầy bị coi là chất thải bẩn thỉu, có gì đó ghê ghê , nếu không nói là ít nhiều nguy hiểm.
SPIEGEL: Nhưng rõ ràng là trong đờm và những giọt nước li ti có rất nhiều vi trùng và siêu vi trùng.
Ribbeck: Chất nhầy là một phần của hệ thống miễn dịch con người và nó sẽ bị đào thải khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đại để nó cũng như cái lọc nước vậy, cái lọc phải định kỳ thay ra. Niêm mạc là cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn, nó không có gì để ghê tởm, cần tôn trọng nó và bảo vệ nó.
SPIEGEL: Chúng ta cần niêm mạc chỉ để tự vệ chống lại vật gây bệnh và bụi bẩn?
Ribbeck: Không phải. Không có chất nhầy chúng ta không thể ngửi, không thể nếm, không thể tiêu hóa, không thể hít thở, không thể sinh sản, không thể sống. Nước mắt thực chất là chất nhầy hòa rất lỏng, phân bổ đều trên nhãn cầu do chúng ta nháy mắt. Nhiều giác quan thấm đẫm trong chất nhầy, thí dụ mầm vị giác ở trên lưỡi hay tế bào khứu giác ở trong lỗ mũi.
SPIEGEL: Cuộc sống mà thiếu chất nhầy sẽ ra sao?
Ribbeck: Sẽ rất ngắn. Nếu không có nước bọt chúng ta không thể nuốt và không có chất nhầy phổi thì những lông mao mịn li ti không thể đẩy chất nhầy trong đường hô hấp ra ngoài bằng cách đó chống lại mầm bệnh. Trong dạ dày chất nhầy rất chắc, gần như cao su, và nó bảo vệ cơ thể trước sự tự tiêu hóa. Chất nhầy trong ruột cho các chất dinh dưỡng quan trọng đi qua đồng thời nó là môi trường sống đối với vi sinh vật hữu ích.
SPIEGEL: Điều gì sẽ xẩy ra, nếu chúng ra sản xuất quá ít chất nhầy?
Ribbeck: Điều này cực kỳ khó chịu và có thể dẫn đến chết người. Ở Đức có nhiều triệu người bị bệnh khô mắt, hóa trị cũng có thể làm nhiễu loạn sản xuất chất nhầy. Nếu tuyến nước bọt trong miệng hoạt động không đúng có thể dẫn đến bệnh khô miệng, bệnh Xerostomie. Khoảng một phần năm người cao tuổi bị chứng bệnh này. Một ví dụ khác: Chất nhầy bảo vệ dạ con chống lại sự lây nhiễm, nhưng vào những ngày nhất định nó lại để tinh trùng vượt qua.
SPIEGEL: Chất nhầy được tạo thành bởi chất gì ?
Ribbeck: Nhầy là một Hydrogel, được tạo thành trong Becherzellen (tế bào cốc) . Tên la tinh là Mucus. Mucus được tạo thành từ những sợi polymer-protein còn có tên là Mucinen. Nếu chất này được tiết vào nước nó sẽ nở phồng lên to gấp hàng trăm lần, đó chính là chất nhầy.
SPIEGEL: Có phải con người tạo ra rất nhiều chất nhầy?
Ribbeck: không phải, tất cả các loài động vật có vú đều tạo ra Mucus. Nhưng cả các loài có xương sống cũng thế, bạn đã bao giờ chạm tay vào con ếch chưa? Loại này nhờ có chất nhầy nên trơn tuột, cái chất này không những làm cho nó không bị khô da mà còn chống nhiễm trùng.
Chất nhầy có từ rất lâu đời, và cũng rất phổ biến, nó có ở sứa và đỉa biển. Ở san hô nó có hai chức năng, bổ sung nguồn thức ăn và chọn lọc những vi sinh vật có ích, giống như chức năng của chất nhầy trong ruột của người.
SPIEGEL: Các loại vật gây bệnh có tạo ra chất nhầy không?
Ribbeck: Một số loại vật gây bệnh được bao bọc bởi một lớp vỏ là chất nhầy, chúng góp phần bảo vệ mầm bệnh trước hệ miễn dịch của ký chủ và chống các chất kháng sinh. Ngay cả tế bào ung thư tự bảo vệ mình bằng chất nhầy, thậm chí thông qua chất nhầy để phát tán ung thư.
SPIEGEL: Một bài thuốc gia truyền cho hay, người ta nên liếm vết thương của mình, nói đúng theo nghĩa đen. Thực hư điều này thế nào ?
Ribbeck: Nước bọt có tác dụng gần như một loại thuốc: nó có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn và kháng virus và hỗ trợ quá trình đông máu và hàn vết thương. Con vật cũng biết dùng cách liếm để chữa trị vết thương của mình. Tuy nhiên trong nước bọt cũng có nhiều loại vi sinh vật có nguy cơ gây nhiễm trùng.
SPIEGEL: Tôi nên ăn uống như thế nào để có thể tạo ra nhiều chất nhầy hữu ích ?
Ribbeck: Rất tiếc chúng ta không có bài thuốc chuẩn nào cả. Chưa có. Nhưng ai muốn có được chất nhầy khỏe mạnh thì rất đơn giản, hãy áp dụng các lời khuyên phổ biến, đó là có lối sống lành mạnh : ăn đủ chất, cân bằng, ngủ đẫy giấc và uống nhiều nước .
SPIEGEL: Nghiên cứu về chất nhầy thành trào lưu? Các ấn phẩm khoa học về chất nhấy được công bố từ đầu thế kỷ đến nay đã tăng gấp đôi , riêng trong năm 2016 đã có tới 1800 bài.
Ribbeck: Ngày nay nhiều hãng dược phẩm và phòng thí nghiệm có chất nhầy trên ra đa của mình, vì các hợp chất đường có trong đó giúp người ta có thể rút ra kết luận về tình trạng sức khỏe. Các thầy thuốc thường xuyên xem các chỉ tiêu về máu hoặc nước tiểu, nhưng cho đến nay không ai quan tâm đến chất nhầy, mucus, để chẩn đoán bệnh. Tôi nghĩ đối với các bệnh viêm loét ruột hay đại tràng, như bệnh Morbus Crohn hay Colitis ulcerosa thì điều này sẽ có ích.
Theo spiegel.de