Nhóm đối tượng này gồm: Nghiêm Tiến Khôi, sinh 1977, ĐKTT: phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Khôi Nguyên; Vũ Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Long Hải; Lê Tiến Thành, sinh 1984, ở phường Long Biên, TP Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Hà Chung…
Các công ty này đều có trụ sở tại TP Móng Cái. Công an tỉnh Quảng Ninh ngay đó đã báo cáo Bộ Công an xác lập chuyên án để tập trung lực lượng đấu tranh.
Kỳ 1-Những kẻ chuyển tiền xuyên lục địa
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án phát hiện một “khách hàng ruột” của Nghiêm Tiến Khôi, Vũ Hồng Hải, là Đinh Thị Ngọc, sinh 1962, chuyên nghề đổi tiền ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 13-12-2017, Ngọc bị bắt giữ khi đang thực hiện hợp đồng vận chuyển trái phép ngoại tệ tại một ngân hàng ở TP Lạng Sơn.
Tại cơ quan điều tra, ả khai nhận, trong quá trình hành nghề ở tỉnh Lạng Sơn, Ngọc được nhiều người, trong đó có Nguyễn Anh Tuấn, sinh 1986, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội thuê chuyển tiền ra nước ngoài, mỗi lần từ vài chục nghìn USD đến 500.000 USD hoặc cao hơn với giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/1 lệnh chuyển tiền.
Các khách hàng này chỉ cung cấp cho Ngọc các thông tin như: số tiền cần chuyển, địa chỉ và số tài khoản của người thụ hưởng ở nước ngoài mà không cung cấp các hồ sơ thương mại hoặc các điều kiện cần thiết để làm căn cứ chứng minh với ngân hàng khi mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Để thực hiện được hợp đồng trên, Ngọc đã mua hồ sơ thương mại của 7 công ty: Công ty Khôi Nguyên, Công ty Hoàng Anh, Công ty Minh Kỳ Việt Trung của Nghiêm Tiến Khôi với giá từ 1 đến 2 triệu đồng/1 hồ sơ có hợp đồng giá trị 100.000 USD; Công ty TNHH MTV Sơn Long, Công ty CPTM Long Hải, Công ty Sơn Long và Công ty Hoa Vũ của Vũ Hồng Hải, với giá từ 10 đến 20 triệu đồng/ 1 bộ hồ sơ; Công ty C2T Việt Nam của Nguyễn Văn Ất, sinh 1985, ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, với giá từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng/1 hồ sơ trị giá 100.000 USD.
Các công ty này đều có hồ sơ thể hiện có nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài, có tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán. Cùng với đó, những người bán hồ sơ cho Ngọc còn chuyển kèm theo các tờ giấy trắng A4 chưa ghi nội dung, có đóng dấu, ký tên giám đốc công ty bên mua (Việt Nam) và bên bán (Trung Quốc) để Ngọc sử dụng làm các phụ lục hợp đồng thương mại nhằm chỉ định một “điểm đến mới” của số tiền thanh toán trả cho nước ngoài (không phải địa chỉ thanh toán theo hợp đồng thương mại ban đầu).
Các đối tượng trong đường dây trước phiên tòa xét xử
Các “điểm đến mới” của số tiền thanh toán cho nước ngoài trong phụ lục hợp đồng này do Ngọc ghi lại theo sự đặt hàng của người thuê chuyển tiền trước đó.
Quá trình hoạt động vận chuyển tiền tệ, các khách hàng thuê chuyển tiền sẽ chuyển toàn bộ thông tin liên quan đến việc chuyển tiền qua tin nhắn trên điện thoại của Ngọc, sau đó Ngọc chuyển tiếp tin nhắn qua mạng Zalo hoặc email cho các nhân viên ngân hàng nơi thực hiện việc chuyển tiền.
Số tiền khách hàng thuê sẽ được chuyển trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của Ngọc hoặc nộp vào tài khoản các công ty tại ngân hàng. Những người bán hồ sơ, giao hồ sơ qua xe khách hoặc chuyển phát nhanh cho Ngọc.
Riêng Nguyễn Văn Ất trực tiếp mang tới cho nhân viên các ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Ba Đình và Sacombank - Chi nhánh Thủ Đô để Ngọc sử dụng.
Thông thường, tiền mua hồ sơ được Ngọc thanh toán qua tài khoản ngân hàng: Sacombank cho Nghiêm Tiến Khôi, BIDV Móng Cái cho Vũ Hồng Hải và trực tiếp cho Nguyễn Văn Ất.
Tiếp theo, sau khi có hồ sơ và yêu cầu chuyển tiền của khách hàng, Đinh Thị Ngọc lựa chọn các ngân hàng thương mại phù hợp ở Hà Nội và Lạng Sơn để mở tài khoản công ty, rồi lấy tên mình hoặc tên người khác để đứng danh kế toán các công ty này và nộp hồ sơ làm thủ tục mua ngoại tệ, đồng thời nhờ các nhân viên ngân hàng soạn thảo phụ lục hợp đồng, căn chỉnh cho phù hợp và dùng tờ giấy A4 (đã có sẵn dấu và chữ ký khống của hai bên mua bán) do Ngọc cung cấp để in thành các phụ lục hợp đồng.
Từ phụ lục hợp đồng này cùng với hồ sơ thương mại do Ngọc, Ất cung cấp, các ngân hàng đã bán ngoại tệ và thực hiện lệnh chuyển số ngoại tệ đã bán ra nước ngoài theo địa chỉ các đối tượng là khách hàng.
Cùng thực hiện các hành vi trên với Ngọc, còn có Lê Thị Liên, sinh 1957, ở phường Tam Thanh, làm nghề đổi tiền ở chợ Lạng Sơn; Nguyễn Thu Hằng, sinh 1981, ở phường Hoàng Văn Thụ, cùng TP Lạng Sơn, là nhân viên Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Lạng Sơn; Đậu Thị Lan Anh, sinh 1973, ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội …
Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Liên, Nguyễn Thu Hằng khai nhận: trong quá trình làm nghề đổi tiền tại chợ Lạng Sơn, Liên được Nguyễn Anh Tuấn và một số đối tượng khác thuê chuyển tiền ra nước ngoài.
Để thực hiện được các hợp đồng chuyển tiền trên, Liên đã móc nối với Hằng tìm mua hồ sơ thương mại xuất nhập khẩu.
Do trước đó, Hằng có làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài cho Đinh Thị Ngọc nên quen biết Vũ Hồng Hải và đặt mua hồ sơ của Hải để bán lại cho Liên với giá từ 5 triệu đến 20 triệu đồng/1 bộ.
Theo tài liệu điều tra, từ năm 2015 đến khoảng tháng 1-2018, do có mối quan hệ với một số hiệu vàng ở phố Hà Trung, Hà nội, Đậu Thị Lan Anh cũng được một số đối tượng thuê chuyển tiền ra nước ngoài.
Để thực hiện các hợp đồng này, Đậu Thị Lan Anh cũng như Đinh Thị Ngọc và Lê Thị Liên đã móc nối với Lê Tiến Thành để mua hồ sơ thương mại xuất khẩu của 8 công ty do Thành quản lý với giá từ 20 triệu đến 25 triệu đồng/1 bộ hồ sơ trị giá 1 triệu USD hoặc 1.000.000 đồng/100.000USD để sử dụng hợp pháp hóa thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng của mình.