Giữa buổi chiều đầu tháng 4, khi đi ngang qua con ngõ nhỏ 103 phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội), tôi chợt nghe thấy tiếng đàn piano ngân vang từ nhà ai đó. Từng nốt nhạc trong bản "A Comme Amour" vang lên một cách nhẹ nhàng, êm ái.
Bạn cứ tưởng tượng đến một chiều đầu hạ, không gian vụt sáng sau những ngày mưa phùn lẹp nhẹp, khi lòng mình vốn đang rất thanh thản mà nghe được tiếng đàn "Như thể là tình yêu" ấy cất lên, còn gì tuyệt vời hơn!
Khi bản nhạc đến đoạn điệp khúc, nhịp điệu lên bổng và dồn dập hơn đến choáng ngợp hai bên tai. Tôi tin chắc, những ai lần đầu nghe thấy thứ âm thanh đó đều giống tôi, không khỏi tò mò về người đánh đàn.
Trung Hiếu chơi piano đầy ngẫu hứng
Lần theo tiếng đàn, tôi đến trước một ngôi nhà nhỏ và không mấy khó khăn để nhận ra người chơi đàn là một thanh niên 17 tuổi. Bên cạnh cậu là người mẹ đang bắt nhịp cho con.
Chị là Nguyễn Mai Anh và con trai Nguyễn Trung Hiếu. Cảnh chơi đàn không có gì khác lạ, cho đến khi tôi hỏi chuyện Hiếu, mới biết cậu gặp khó khăn trong giao tiếp.
Chị Mai Anh nói cậu là một trẻ tự kỉ điển hình và ít ai biết, để giúp Hiếu có thể chơi đàn như hôm nay, 17 năm qua, chị đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức lẫn những giọt nước mắt đắng cay.
Bỏ việc, bán nhẫn đính hôn để chạy chữa cho con
Hiếu sinh ra với một thể chất khỏe mạnh nhưng đến khi 7-8 tháng tuổi rồi vẫn không nhận biết được ai là cha mẹ của mình. Đôi mắt Hiếu khi ấy hầu như vô hồn và không bao giờ, chị Mai Anh thấy con có hành vi giao tiếp bằng mắt.
Chuyện người mẹ 17 năm vất vả nuôi dạy Trung Hiếu
Những năm đầu đời, Hiếu rất biếng ăn, còm cõi, không phát triển ngôn ngữ, không biết thể hiện mong muốn của bản thân và rất hay quấy khóc.
"Gần như ban đêm con không ngủ, quấy khóc liên tục. Con hay cáu bẳn và mỗi khi bứt rứt thường cào cấu bản thân, la hét và ăn vạ rất kinh khủng".
Những biểu hiện bệnh tự kỉ của Hiếu ngày một rõ nhưng quãng thời gian gần 20 năm về trước, căn bệnh này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Trong số đó, có chị Mai Anh và cả những bác sĩ mà chị tìm đến cầu cứu.
"Mãi đến năm con 2 tuổi rưỡi, tôi mới biết là bé mắc phải hội chứng tự kỉ". Lúc đó, chị Mai Anh quyết định nghỉ việc, xếp lại những hoài bão riêng để toàn tâm chăm sóc con.
Một mình chị vất vả mày mò qua các tài liệu nước ngoài, hội thảo và các khóa đào tạo cách nuôi dạy trẻ tự kỉ.
Cho đến khi chị thấy mình đủ hiểu biết về căn bệnh mà con mắc phải thì Hiếu đã được 3,5 tuổi. Đó là một điều khiến chị vô cùng tiếc nuối bởi trong việc can thiệp cho trẻ tự kỉ thì quãng từ 0 đến 3 tuổi được xem là thời gian "vàng".
Hành trình để chị Mai Anh nhận thức về bệnh của con, nói ra nghe thì đơn giản. Thế nhưng đó thực sự là một con đường không hề bằng phẳng mà từ một người thấy phía trước dày đặc sương mù, đã phải tự mình mò mẫm để tìm lấy đường đi.
Từ một người không hiểu về bệnh tự kỉ, vì Hiếu, chị đã không ngừng nỗ lực học hỏi cách trị bệnh. Giờ đây, người phụ nữ này không chỉ chữa cho con của mình mà còn can thiệp giúp rất nhiều trẻ tự kỉ khác.
Các khóa học chăm sóc và nuôi dạy trẻ tự kỉ khá đắt đỏ. Vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, chị Mai Anh phải bán nữ trang và cả chiếc nhẫn đính hôn của mình.
Chị kể tất cả những chuyện này bằng thái độ rất bình thản và cho rằng, đó chẳng hề là sự hy sinh nào lớn lao.
"Tôi nghĩ nếu ai đó ở vào hoàn cảnh như tôi, họ cũng sẽ hành động như thế. Tôi chẳng qua cũng chỉ là một bà mẹ có con mắc bệnh thì tìm cách vái tứ phương, gom góp tiền của để chạy chữa cho con mà thôi".
"Đối với tôi, Hiếu luôn là một ẩn số"
Ngày nhỏ, Hiếu không biết giao tiếp bằng ngôn ngữ. Vì thế, để dạy con, chị Mai Anh phải chụp lại rất nhiều bức ảnh và chỉ cho cậu đâu là bố, mẹ, ông bà, thế nào là quả cam, quả táo...
Cứ như thế, Hiếu dần nhận thức được những thứ xung quanh và cậu biết chỉ vào những bức ảnh thể hiện ý muốn của bản thân.
Trải qua nhiều cố gắng, dần dần, Hiếu phát triển tư duy hình ảnh. Cậu bắt đầu vẽ những nét nguệch ngoạc về bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu.
"Ban đầu con chỉ vẽ mèo và chữ số lung tung khắp tường nhà. Điều ấy khiến tôi hiểu, thế giới của con rất lộn xộn và nghèo nàn".
Chị Mai Anh lại cố gắng chụp nhiều ảnh và dạy con vẽ, mỗi lúc mở rộng hiểu biết của Hiếu thêm một chút. Để rồi trong các bức vẽ của Hiếu đã có thêm mây, trời, sông, nước.
Bố cục tranh cũng gọn gàng lại, đồng nghĩa với việc thế giới trong cậu cũng dần ngăn nắp, rõ ràng hơn.
Cho đến khi chị Mai Anh dạy Hiếu vẽ được các bức tranh nhiều gam màu tươi sáng, đẹp đẽ như bây giờ, chặng đường ấy, chẳng cần phải nói ra, cũng biết là nó vất vả biết bao.
Đến năm hơn 5 tuổi, Hiếu bắt đầu học nói, dù thế, khả năng giao tiếp xã hội vẫn rất kém. Cậu học mọi thứ rất máy móc và mẹ dạy đến đâu mới hiểu đến đấy.
Chỉ cần thực tế sai lệch đi một chút, Hiếu lập tức trở nên lúng túng. "Ví dụ hôm nay dạy con ra siêu thị gặp người quen, nên chào hỏi như thế nào thì con chỉ biết nói đúng như thế và nếu tình huống khác đi một chút, con sẽ không biết cách xử lý".
Tiếng đàn, nét vẽ đánh thức những ước mơ của cậu bé tự kỉ
Dù chậm phát triển nhưng chỉ số IQ của Hiếu ở mức 90, tức là vẫn có khả năng học hỏi. Điều ấy là một may mắn khiến chị Mai Anh không ngừng nỗ lực. Năm lên 6-7 tuổi, Hiếu tỏ ra thích chơi đàn. Thế là chị sắm cho con cây đàn organ.
"Hiếu khi làm gì thì sẽ rất tập trung. Lúc mê say với đàn, con suốt ngày nghịch nó. Khi chưa biết chơi thì nhấn phím lung tung, tạo nên những âm thanh rất lộn xộn".
Thế là chị Mai Anh kiên trì dạy Hiếu tập đàn và bây giờ thì cậu chơi rất hay. Hiếu có thể đánh thạo những chương giao hưởng dài dằng dặc hay những bản ballad nhẹ nhàng. Ngoài piano, organ, cậu còn có thể chơi saxophone, sáo, guitar, trống, kèn...
Từ một đứa trẻ tưởng như vô vọng về tương lai, chị Mai Anh đã dần giúp con mình phát triển cao độ các khả năng vốn có như nhớ rất lâu, tính toán con số nhanh, có năng khiếu nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, biết thêu thùa, may vá...
"Hiếu bây giờ có thể tự chăm lo các việc sinh hoạt cá nhân của mình, biết giúp mẹ làm việc nhà. Con cũng biết kiếm tiền đấy (cười)".
Điều quan trọng khiến chị Mai Anh thấy vui là Hiếu ý thức được giá trị đồng tiền, có ý thức phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chị bật mí, tranh của Hiếu được rất nhiều người yêu thích và có bức được đấu giá tới 8 triệu đồng.
"Dù không kiếm được nhiều tiền bằng việc chơi đàn, vẽ tranh nhưng nó là động lực để con cố gắng, giúp con hiểu là để đáp ứng sở thích của chính mình thì con phải làm việc".
Việc đàn, vẽ cũng mở ra cho Hiếu rất nhiều hy vọng, giúp cậu biết ước mơ những điều nho nhỏ và là cánh cửa để Hiếu dễ dàng hòa nhập với thế giới xung quanh.
Theo chị, mỗi trẻ tự kỉ đều có những giới hạn về khả năng. Có những trẻ dù vất vả dạy 10 năm cũng không nhận thức được nhiều. Có trẻ, khả năng tối đa của họ chỉ là biết sinh hoạt cá nhân tự lập.
"Vì thế, tôi cũng mong các cha, mẹ có con tự kỉ, nếu không dạy cho con phát triển được các kỹ năng đặc biệt thì cũng đừng nên nản lòng".
Bệnh tự kỉ thực sự không thể chữa khỏi. Dù cố gắng cách mấy, cha, mẹ và xã hội chỉ giúp họ phát triển bản thân hoàn thiện nhất có thể.
"Khi hiểu bệnh này không thể chữa khỏi, tôi cũng buồn nhưng bây giờ thì không. Cách quan sát mọi thứ của Hiếu rất khác với người thường và ở bên con, tôi cũng thấy mình rất vui vì có thể hiểu về cuộc sống qua những góc nhìn mới cùng con .
Bây giờ Hiếu sống rất tốt và ngần ấy thôi, cũng đủ khiến tôi thấy rất vui rồi".
Ảnh: Mai Lân