5h30 chiều ngày 9/4 vừa qua, tuyến phố Hàng Bồ, Hà Nội bỗng trở nên náo loạn bởi tiếng gọi thất thanh của một người bán hàng rong chừng 50 tuổi, vội vã đuổi theo hai vị khách Tây vừa bỏ đi cách đó vài bước chân.
Câu chuyện diễn ra sau đó, dù chỉ ngắn ngủi vài phút, cũng đủ khiến những trái tim chứng kiến rung động, cảm phục và thêm tự hào về tình người “vượt biên giới” của những người dân lao động chất phác “nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Câu chuyện ấy được cô gái Nguyễn Thị Thùy Dung (SN 1996, Thái Nguyên) kể trên trang cá nhân như thế này:
“Hành động tôi nhìn thấy đẹp nhất trong ngày hôm nay tại hàng Bồ - phố cổ - Hà Nội. Đó là hành động đẹp và đầy bản lĩnh của con người Việt Nam.
Tôi vừa đặt chân tới Hàng Bồ thì nhìn thấy cảnh tượng 1 người phụ nữ đuổi theo 1 người đàn ông nước ngoài, 1 người đàn ông khác ngã xuống tại gánh hàng của người phụ nữ đổ bên đường. Cảnh tượng làm náo loạn khu phố, đến nỗi các phương tiện bị nghẽn tắc.
Người xung quanh không hiểu gì khi người phụ nữ cứ đuổi theo gã đàn ông nước ngoài khóc lóc mếu máo.
Đứng hình 1 lúc, tôi mới hiểu ra câu chuyện, 2 người đàn ông đó do say rượu quá nên đi ở đường ngã vào gánh hàng của người phụ nữ bên đường.
Khi ngã xuống, họ đánh rơi 2 chiếc điện thoại, người phụ nữ nhặt lên cho họ. Và lúc đó 2 người đàn ông không thấy ví của họ đâu, và đổi lỗi cho người phụ nữ. Và họ đứng lên đi thẳng.
Vì không lấy đồ của người khác và bị đổi oan, người phụ nữ nhất quyết đuổi theo bằng được 2 gã đàn ông, bắt họ quay lại chỗ ngã và gánh hàng cô đổ giữa đường để minh oan.
Câu chuyện khiến bao người phải chú ý. (Nguồn ảnh: Thùy Dung)
Tôi chưa hiểu rõ ngọn ngành nhưng tôi thấy những giọt nước mắt oan uổng trên mắt người phụ nữ, khuôn mặt già nua héo mòn vất vả của người lao động trung tuổi. Họ khóc không phải họ nghèo mà họ khóc bởi lòng danh dự và oan uổng.
Mọi việc chắc sẽ không được minh oan nếu 1 người không nhặt được chiếc ví của người đàn ông kia. Người đàn ông nước ngoài như sửng sốt và xấu hổ khi nhận lại chiếc ví.
Họ mở ví ra ngay chỗ đông người chứng minh thư tiền và mọi thứ còn nguyên, và tôi thấy ánh mắt của người đàn ông đó như biết lỗi cho sự nghi ngờ vô cớ của mình.
Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tràn đầy nước mắt của người phụ nữ và cô ấy nhanh chóng rời khỏi đó.
Người đàn ông ngoại quốc nhanh chóng đuổi theo cô ấy và nói xin lỗi. Người phụ nữ rất tức nhưng anh ấy đã cố chấp nhận sự vùng vằng và đánh như trút giận của cô ấy.
Anh ta ôm cô ấy vào lòng và nói: “I LOVE YOU”.
Vị khách nước ngoài đã phải chạy tới xin lỗi người phụ nữ bán hàng rong vì sự hiểu lầm của mình. (nguồn ảnh: Thùy Dung)
Trong nụ cười và giọt nước mắt trong sự chứng kiến của bao người xung quanh. Anh ta xin lỗi khi mình có lỗi khi đã say và hiểu nhầm cô ấy.
Mọi thứ như tan hòa vào bầu không khi yên hòa của buổi chiều cuối tuần hối hả.
Tôi cảm thấy lòng mình sung sướng vô cùng, tôi vui vì thấy hành động đẹp của người Việt Nam, thấy xúc động cho những hành động cao đẹp.
Tôi quên đi tất cả những gì xấu xa bắt chẹt khách du lịch nước ngoài.
Và hơn cả tôi thấy yên bình yêu đời trong buổi chiều ngày hôm nay. Tôi thấy 15 phút của chiều nay khiến tôi tin tưởng hơn vào cuộc sống.
Hãy sống tốt thì mọi thứ sẽ được đền đáp”.
Sau giông tố, người phụ nữ bần hàn quần áo còn lem luốc bụi bẩn, lại tiếp tục đẩy gánh hàng rong cho kịp giờ; hai vị khách Tây cũng mang theo niềm cảm kích tấm lòng của những người Việt Nam rời khỏi khu phố.
Người phụ nữ tiếp tục với công việc của mình. (nguồn ảnh: Thùy Dung)
6h chiều, con đường tối dần, đèn điện sáng chưng bắt đầu vào phiên chợ đêm nhộn nhịp.
Nhưng có lẽ sáng nhất, ấm áp nhất, vẫn là tình người, là dư âm của những tiếng thở gấp vội vã đuổi theo người khách lạ, giọt nước mắt danh dự và nhân văn, cái ôm ghì siết để mặc cho người phụ nữ trút giận và câu nói “I love you” từ tận đấy lòng…
Nếu từng ghét bỏ những người bán hàng rong phố Cổ bởi “quốc nạn” chặt chém khách du lịch, thì hãy đọc câu chuyện này, để thêm một lần tự hào về tình người “vượt biên giới” của những người dân lao động chất phác.