Lúng túng với "công dân Xô Viết cuối cùng"
Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), ông Vasily Babina, 58 tuổi, mới được trả tự do từ một nhà tù ở Nga sau 26 năm ngồi tù. Nhưng ngay giây phút được tự do thì ông đã thấy mình ở trong một nghịch cảnh mới: Về mặt giấy tờ, pháp lý, ông đang là công dân của một quốc gia không còn tồn tại, đó là Liên Xô.
Babina đã bị kết án và ngồi tù trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Tội danh của ông là ăn trộm, cướp giật và giết người. Nhà tù nơi ông thực hiện bản án nằm gần một thành phố hiện thuộc Nga là Yekaterinburg.
Ngay khi được trả tự do, ông Babina được trả lại hộ chiếu của mình, và nhà chức trách của thành phố Yekaterinburg bị lâm vào một nghịch cảnh pháp lý đầy tranh cãi: Phải làm gì với "công dân Xô Viết cuối cùng" này?
Các nhà chức trách không lâu sau đã có vẻ tìm ra câu trả lời – và giải pháp của họ không phải là một tin tốt lành đối với ông Babina. Tòa án quận Oktyabrsky của thành phố đã coi ông Babina là một người "không quốc tịch" và quyết định rằng ông sẽ bị giam giữ (một lần nữa) tại một trung tâm tạm giữ những người nước ngoài nhập cư trái phép, cho tới ngày 28/5/2017.
Sau đó, các nhà chức trách sẽ xem xét có kéo dài thời gian tạm giữ cho đến khi họ tìm ra câu trả lời là ông Babina là công dân của quốc gia nào hiện nay.
Quê hương của Babina hiện đang thuộc nước cộng hòa Kazakhstan và nhà chức trách Nga đang hy vọng rằng sẽ trục xuất ông về lại đó.
"Bộ Tư pháp đã ra quyết định rằng họ không muốn Babina tiếp tục ở lại nước Nga... Họ không giải thích tại sao", ông Roman Kachanov - luật sư của Vasily Babina - trả lời trang tin E1.RU (Nga).
Tuy nhiên, các nhà hoạt động đang nỗ lực để ông Babina được ở lại Nga và đoàn tụ với người thân đang sống tại vùng Altai của Nga, theo báo Moscow Times.
Babina không phải là "người không quốc tịch" duy nhất trên thế giới, nhưng trường hợp của ông khá hy hữu. Từ trước tới nay chưa từng có một trường hợp "công dân Xô Viết" nào khác trong tình trạng không rõ ràng về quốc tịch như vậy được ghi nhận.
Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn, những người "không quốc tịch" gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những quyền cơ bản và phải đối mặt suốt đời với những trở ngại và thất vọng".
Những người tị nạn chạy khỏi đất nước mình, không có giấy tờ tùy thân và trở thành những người không quốc tịch. Ảnh: AFP
Những người "không quốc tịch" đang ở đâu và sẽ đi về đâu?
Theo số liệu của LHQ, có ít nhất 10 triệu người không có quốc tịch trên toàn thế giới, là hậu quả của xung đột, chiến tranh, mâu thuẫn về luật pháp, thay đổi thể chế chính trị hoặc phân biệt đối xử về luật pháp.
Những người này không có quyền bầu cử, rất khó khăn - thậm chí là không thể - khi tiếp cận các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục hoặc việc làm.
Riêng ở châu Âu, LHQ ước tính có khoảng 680.000 người không có quốc tịch. Các chuyên gia cho rằng con số này trong thực tế là cao hơn nhiều. Hàng trăm nghìn người trong số đó là những cộng đồng người thiểu số nói tiếng Nga ở Latvia và Estonia – họ rơi vào tình trạng "không quốc tịch" sau khi Liên Xô tan rã.
Hàng nghìn người dân tộc Roma tị nạn ở Italy cũng vẫn đang trong tình trạng không quốc tịch sau khi Nam Tư sụp đổ.
Cả một thế hệ trẻ em mới sinh ra trên đất Anh, Đức, Pháp, Italy,... với cha mẹ là người tị nạn Syria hoặc Đông Âu cũng rơi vào tình trạng "không quốc tịch" vì các em không đủ điều kiện về luật pháp để được thừa nhận trở thành công dân các quốc gia này.
Cho đến nay, tương lai của những người "không quốc tịch" vẫn khá mờ mịt khi các quốc gia (thậm chí là tiến bộ như ở châu Âu) vẫn chưa có cơ chế pháp lý hoặc chính sách, quyết tâm nào giải quyết vấn đề này.
Những người "không quốc tịch" vẫn phải vật lộn sống qua ngày và được ví như những "bóng ma" ở Anh hay Mỹ - những người nằm ngoài lề của xã hội.
Nói về tình trạng không quốc tịch, Tổng thư ký LHQ António Guterres, người giữ chức Cao ủy LHQ về người tị nạn giai đoạn 2005-2015, nói: "Đây là điều tồi tệ nhất xảy ra đối với nhân loại. Không quốc tịch nghĩa là bạn không phải là một thực thể, bạn không tồn tại, bạn không được chu cấp gì hết, bạn chẳng được coi là gì".
Với việc một thế hệ người không quốc tịch mới đã chào đời cũng như những khó khăn mà người không quốc tịch trên thế giới phải đối mặt, tháng 11/2014, LHQ đã khởi động một chiến dịch với mục tiêu chấm dứt tình trạng "không quốc tịch" vào năm 2024.