Tại Hội nghị mở rộng Ủy ban kiểm tra kỷ luật quân ủy trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh mới đây, phát biểu của Phó chủ tịch quân ủy Hứa Kỳ Lượng lại tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo đó, Hứa đã nhấn mạnh cần theo sát phương châm phát triển mới, tư tưởng mới về vấn đề thắt chặt kỷ luật trong đảng Cộng sản Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời phấn đấu mở ra cục diện mới của chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội để chào mừng thắng lợi Đại hội XIX.
Ông này cũng chỉ ra rằng, cần tích cực công phá loại bỏ toàn diện ảnh hưởng nguy hại của Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng - hai "hổ lớn ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng.
"Loại bỏ toàn diện triệt để ảnh hưởng từ 'mầm bệnh' của Quách, Từ" là phương châm được nhấn mạnh trong các cuộc họp Quân ủy của Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình. Một số ý kiến cho rằng, thanh lọc ảnh hưởng Quách, Từ cùng cuộc cải tổ quân đội chính là những thách thức lớn hiện nay của ông Tập.
Từ trái qua phải: Quách Bá Hùng-Hứa Kỳ Lượng-Lệnh Kế Hoạch tham dự phiên bế mạc Đại hội XVIII ĐCSTQ năm 2012. (Ảnh: AFP/VCG)
Theo giới quan sát, đây không phải lần đầu tiên Hứa Kỳ Lượng công khai ủng hộ Tập Cận Bình mà trong rất nhiều các văn kiện, phát biểu trước đây, viên tướng Không quân đều đề cao phương án cải cách quân đội của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trước thềm Hội nghị trung ương VI hồi tháng 10/2016, Hứa tuyên bố rằng, nghiêm túc xử lý và loại bỏ tận gốc ảnh hưởng nguy hại từ vụ án Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu là "quyết sách sáng suốt" của Tập Cận Bình.
Hay hồi tháng 6/2016, trong cuộc họp của Quân ủy, Hứa cũng cho rằng cần phải xử tận gốc "cỏ dại", duy trì đường hướng chỉ đạo của cấp trên nhằm tránh ảnh hưởng từ "mầm bệnh" Quách, Từ.
Theo Đa chiều (Mỹ), ngay tại thời điểm quan trọng - trước thềm phiên họp Lưỡng hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc) sẽ khai mạc vào 3/3 và 5/3 tới đây, phát biểu của Hứa Kỳ Lượng thực sự rất đáng chú ý.
Đặc biệt, kỳ họp Lưỡng hội tới đây được đánh giá là "sân khấu" giúp các nhân vật chính trị tỏa sáng cũng như là bước đệm giúp chính quyền Bắc Kinh sắp xếp củng cố nhân sự bước đầu cho cuộc chuyển giao quyền lực vào năm 2017.
Danh sách 25 ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao sau Đại hội XIX luôn được đặc biệt quan tâm.
Với trường hợp của Hứa Kỳ Lượng, giới phân tích cho rằng ông nhiều khả năng sẽ ở lại hoặc có thể "tiến sâu hơn" sau Đại hội XIX nhờ "quy tắc bất thành văn" về vấn đề tuổi tác đối với 7 Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị. Tháng 3/2017, Hứa bước sang tuổi 67.
Đối với chức vụ Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" được xem là một quy tắc ngầm, cho phép cán bộ 67 tuổi được bầu vào vị trí này nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".
Dù vậy, sự tồn tại của quy tắc trên đã lần đầu tiên bị bác bỏ công khai hồi tháng 11/2016 bởi ông Đặng Mậu Sinh, quan chức Phòng khảo sát thuộc Văn phòng trung ương ĐCSTQ, thành viên nhóm soạn thảo văn kiện cho Hội nghị toàn thể trung ương 6 (tháng 10/2016). Động thái này được cho là tín hiệu mang lại "bất ngờ" ở Đại hội XIX.