Cậu bé ngày nào cũng đẩy xe lăn đưa bạn đến trường: Dù mệt cũng không bỏ cuộc!

Mộc Trà |

Suốt 4 năm qua, Tuấn Khang cứ 6h10 sáng lại đi bộ đến nhà Đức Anh, hỗ trợ bạn đến trường bằng xe lăn.

Ảnh: Vũ Hà.

Ảnh: Vũ Hà.

Mỗi ngày đến lớp, cậu bé Vũ Đức Anh (12 tuổi, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) được bạn thân học cùng lớp Bùi Tuấn Khang đẩy xe lăn, giúp Đức Anh đứng dậy ngồi vào bàn học. Hình ảnh này đã khá quen thuộc với những học sinh tại đây suốt 4 năm qua.

Đức Anh bị liệt nửa người trái, em buộc phải ngồi xe lăn mới di chuyển được. Từ một cậu bé khỏe mạnh, bỗng chốc em trở thành người khiếm khuyết, khiến em rất tự ti.

Bà Nguyễn Thị Thìn (72 tuổi, bà ngoại Đức Anh, hiện là người trực tiếp chăm sóc em) cho biết con gái bà lấy chồng tại Quảng Ninh và sinh được 2 bé trai, Đức Anh là con thứ 2. Đức Anh vốn là một đứa khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Khi lên 3 tuổi, cậu học trò thường xuyên bị ho, viêm phổi mãn tính.

Sau đó, trong một lần sốt cao, Đức Anh được nhập viện cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người trái không thể di chuyển. Bác sĩ yêu cầu gia đình chuyển em lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Sau nhiều lần chọc tủy, khám sàng lọc, bác sĩ kết luận em ‘bị virus chạy vào khớp, không thể cứu chữa’.

Cậu bé ngày nào cũng đẩy xe lăn đưa bạn đến trường: Dù mệt cũng không bỏ cuộc! - Ảnh 1.

Sau cơn bạo bệnh, Đức Anh phải làm bạn với xe lăn. Ảnh: Vũ Hà.

"Gia đình sốc và thương cháu vì nó còn quá nhỏ đã phải ngồi xe lăn. Cũng kể từ đó, Đức Anh thường xuyên ốm yếu, chẳng thế đi học mẫu giáo. Nằm viện trong vòng 1 năm kể từ khi bị bệnh, Đức Anh được đưa về nhà. Thương con, thương cháu, tôi đón Đức Anh về Hải Phòng ở cùng để cho bố mẹ nó đi làm, đồng thời tiện chăm sóc cháu hơn", bà Thìn chia sẻ.

Năm 5 tuổi, Đức Anh bắt đầu sống với bà Thìn, bà cùng dạy cháu tập viết ở nhà. Những ngày đầu, do tay trái bị liệt, không thể giữ vở như ý muốn, các nét chữ em viết cứ như giun, như rắn trên mặt giấy.

Thấy cháu khó khăn trong việc tập viết, bà Thìn vẫn kiên trì tập viết và tập cho cháu đạp xe bằng 1 chân. Nhưng do tuổi cao, chân hay đau nhức, có những hôm bà Thìn phải tạm nghỉ.

Lên 6 tuổi, gia đình quyết định đưa Đức Anh vào trưởng tiểu học gần nhà, mặc cho nhiều người khuyên ngăn là nên đưa vào trường khuyết tật để gia đình đỡ vất vả.

"Tôi không muốn cháu mình bị tự ti. Ví như gia đình không có người chăm sóc đã đành, nhưng mà còn có tôi nên chẳng việc gì phải đưa cháu đi đâu cả. Vả lại, bác sĩ kết luận Đức Anh chỉ bị virus ăn khớp, chứ không ảnh hưởng đến não nên cháu vẫn nhận biết tốt", bà Thìn chia sẻ.

Vào lớp 1, Đức Anh được nhà trường tạo điều kiện ngồi bàn đầu, lớp dưới tầng một để dễ học tập và di chuyển.

Đi học, Đức Anh thường xuyên bị bạn trêu là ‘thằng què’, ‘thằng khuyết tật’, khiến em tự ti về nhà mách bà. Bà Thìn mặc dù đau lòng nhưng vẫn cố giấu mà động viên: ‘Cháu không may bị bệnh chứ không có bị bẩm sinh, rồi cháu sẽ khỏi thôi. Khi cháu học tập tốt, thành người có ích, các bạn không thể chê cười’.

‘Ánh sáng’ từ tình bạn tốt

Lên lớp 2, Đức Anh học chung với với cậu bạn gần nhà Bùi Tuấn Khang. Biết bạn mình sống với bà ngoại hay đau ốm, bạn lại khó khăn trong di chuyển, Khang bèn xin phép bố mẹ để được giúp đỡ bạn đến trường.

Ngày ngày, Khang giúp Đức Anh đến trường và về nhà tổng cộng 4 lượt, tổng cộng gần 2km. Suốt 4 năm qua, cậu bạn Tuấn Khang cứ 6h10 sáng đi bộ đến nhà bạn, hỗ trợ bạn đẩy xe lăn đến trường.

"Có nhiều hôm, trên đường lắm sỏi đá, có những đoạn gồ ghề, em phải ‘đánh võng’ xe để Đức Anh không ngã. Nhiều hôm về nhà mệt lắm nhưng mà chưa bao giờ em bỏ ý định đưa Đức Anh đến trường. Em sợ nhất lúc đưa Đức Anh đi học ngày mưa bão. Trời mưa to, đường trơn, đi không cẩn thận xe trượt bánh, bạn dễ ngã. Lúc nào em cũng đẩy xe thật chậm để đảm bảo an toàn, xong cùng nhắc bạn ngồi vững, tay bám chặt thành xe cho yên tâm", Khang kể.

Từ ngày Khang đưa Đức đi học, bà Thìn cũng an tâm hơn rất nhiều, bà không lo cháu bị cô lập, không hòa nhập với bạn bè. "Thằng bé ngoan ngoãn, học giỏi lại thương người, ở trên trường còn giúp tôi trông nom, chăm sóc cháu Đức Anh đi vệ sinh, ăn uống. Gia đình tôi biết ơn cháu nhiều lắm", bà Thìn tâm sự.

Hiện tại Đức Anh vẫn phải dùng thuốc, nhiều hôm còn phải nghỉ học do ốm. Nhưng vì nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của mọi người xung quanh, đặc biệt là cậu bận Tuấn Khang, Đức Anh phần nào có thêm sức mạnh để bước tiếp và hướng tới ước mơ của mình. Em chia sẻ: "Không có Khang động viên và đưa đến trường mỗi ngày, chưa chắc em kiên trì đi học đến giờ. Sau này em mong muốn sẽ có thể tự mình kiếm ra tiền bằng cách buôn bán gì đó, nhưng hiện tại em phải sống tốt để không phụ lòng bà, bố mẹ, Tuấn Khang và tất cả mọi người".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại