Cậu bé may mắn sống sót trong cặp song sinh dính nhau Nghĩa - Đàn giờ ra sao?

Lệ Hà |

16 năm kể từ ca tách cặp song sinh lịch sử Nghĩa - Đàn, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương mới liên lạc lại với gia đình bệnh nhân năm nào.

Ca phẫu thuật đầy gai góc

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm kể lại: "Đã muộn, tôi thấy có tín hiệu tin nhắn trên điện thoại, khi mở ra thấy dòng tin:

Cháu xin lỗi hơi muộn nhưng bác có thể nói chuyện với bố cháu không? Tôi nghĩ thầm chắc là có người nhà bệnh nhân cần tư vấn nên đồng ý. Cầm điện thoại và nghe lời chào từ bên kia:

- Chào bác Liêm. Tôi là ông cháu Nghĩa - Đàn đây bác...".

Cậu bé may mắn sống sót trong cặp song sinh dính nhau Nghĩa - Đàn giờ ra sao? - Ảnh 1.

Nghĩa (phải) và em gái năm 10 tuổi.

Cuộc đối thoại bất ngờ, ngắn ngủi nhưng thật cảm động, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về trong tâm trí vị GS.

Đó là cặp song sinh Ngô Bá Nghĩa - Ngô Bá Đàn là một cặp song sinh dính nhau phức tạp nhất mà GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng đồng nghiệp thực hiện năm 2002.

GS Liêm nhớ lại ca phẫu thuật cân não ngày ấy. Ngày 30.8.2002, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành mổ tách hai bé song sinh 7 tháng tuổi Ngô Bá Nghĩa và Ngô Bá Đàn (thị xã Thái Hoà, Nghệ An).

Cậu bé may mắn sống sót trong cặp song sinh dính nhau Nghĩa - Đàn giờ ra sao? - Ảnh 2.

Nghĩa và mẹ năm 10 tuổi.

"Ca mổ diễn ra phức tạp hơn nhiều so với dự kiến vì 2 cháu có quá nhiều phần nội tạng chung hoặc dính nhau, mà các biện pháp chẩn đoán trước đó không phát hiện được.

Nghĩa và Đàn bị dính ở màng tim, màng phổi, xương ức và nhiều đoạn ruột.

Hai cháu có chung cơ hoành, tá tràng, ống mật chủ, tụy, cuống gan và một đoạn ruột dài 60 cm.

Khó khăn lớn nhất là tách ống mật vì ống mật chủ của hai cháu quá bé, đường dẫn mật lại nằm ở hai phía ngược nhau. Sau 8 giờ phẫu thuật căng thẳng, hai cháu đã được tách rời.

Đây là ca phẫu thuật tách trẻ song sinh phức tạp nhất từ trước tới thời điểm thực hiện", GS.TS Liêm nhớ lại.

Cậu bé may mắn sống sót trong cặp song sinh dính nhau Nghĩa - Đàn giờ ra sao? - Ảnh 3.

Giờ đây, Nghĩa đã 16 tuổi, là một thanh niên khoẻ mạnh.

Một tuần sau mổ, do không thấy mật chảy xuống ruột non của Đàn, các bác sĩ đã thực hiện một ca mổ nữa để tạo lại đường mật cho cháu.

Nghĩa - Đàn dần phục hồi, cả hai đã vận động và phát triển trí tuệ như những trẻ bình thường khác.

Tuy nhiên, do mật dẫn lưu không tốt, cháu Đàn đã bị nhiễm trùng đường mật, suy gan và tử vong ngày 24.10.2002, nghĩa là gần 2 tháng sau mổ tách.

Cháu Nghĩa được bố mẹ đón về nhà tại Nghệ An trong tình trạng sức khỏe tốt.

Một nửa còn lại

Chị Cao Thị Phương, mẹ của cặp song sinh dính nhau Nghĩa - Đàn, không bao giờ quên quãng thời gian chăm sóc Nghĩa sau ca phẫu thuật.

Ngày đó, biết Đàn không qua khỏi nhưng muốn con được về với quê hương, gia đình đã đưa Đàn về quê. Chuyến xe chưa hết chặng đường, Đàn đã ra đi.

Một nửa còn lại là Nghĩa, sau ca phẫu thuật Nghĩa đau ốm thường xuyên. Nhiều năm sau ca phẫu thuật, vợ chồng chị Phương không có giấc ngủ ngon bởi phải thay nhau bế Nghĩa sợ vết mổ ở bụng bị chảy nước.

Các cơ sở y tế gần nhà đã quá quen với Nghĩa vì tần suất Nghĩa tới khám khá nhiều.

Sức khoẻ của Nghĩa không bằng bạn bè cùng trang lứa nhưng Nghĩa luôn kiên cường. Nghĩa rất lạc quan, yêu đời và là cậu con ngoan của bố mẹ.

Giờ đây, Nghĩa phần nào hiểu được sự vất vả của bố mẹ để Nghĩa có cuộc sống ngày hôm nay. Nghĩa phải sống thật khoẻ và thật tốt.

16 năm trôi qua, Ngô Bá Nghĩa đang học lớp 10 và đã là một thanh niên khỏe mạnh, học giỏi.

Với GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, hàng ngàn ca bệnh khiến ông không thể nhớ được hết các bệnh nhân, nhưng với cặp song sinh Nghĩa - Đàn năm nào vẫn luôn in đậm trong tâm trí.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm càng cảm động hơn khi gia đình Nghĩa vẫn theo dõi bước đường của mình.

"Gia đình bé Nghĩa liên lạc hỏi thăm sức khoẻ tôi và chúc mừng tôi được nhận giải thưởng Nikkei, Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2018.

Những ngày này, khi có những thông tin không vui đến với đồng nghiệp ngành y thì tôi thấy ấm lòng khi đọc tin nhắn chúc mừng của bệnh nhân", GS Liêm chia sẻ.

- Ca song sinh dính nhau đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng các đồng nghiệp thực hiện là cặp song sinh Nguyễn Thị Phương Hà và Nguyễn Thị Phương Ninh ở Quảng Ninh vào năm 1996.

2 bé chỉ dính nhau phần da từ xương ức xuống rốn. Các bé dính nhau phần mềm, không chung bất cứ bộ phận nào. Đây là ca tách đầu tiên Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nên kinh nghiệm chưa có nhiều.

- Ca Nghĩa - Đàn là ca song sinh dính nhau thứ hai Bệnh viên Nhi Trung ương thực hiện.

- Năm 2003, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục thực hiện ca song sinh dính nhau Lê Thị Thu Cúc - Lê Thị Thúy An ở Thanh Hoá.

Hai bé chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. An lại bị thêm dị tật tim bẩm sinh, Cúc có u máu ở cánh tay và ngực. Ca phẫu thuật tốt đẹp. Hiện Cúc - An đã bước sang tuổi 16.

- Năm 2008, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện tách ca song sinh dính nhau Bảo - Toàn (Cu - Cò) ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Hai bé dính nhau phần bụng, còn các bộ phận đầu, tay, chân, bộ phận sinh dục, tim, gan… tách riêng và khá nguyên vẹn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại