21h12: Tờ Daily Mail dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 24.6 cho biết, Anh sẽ cân nhắc việc cùng Mỹ tham gia hành động quân sự chống lại Iran khi tuyên bố: "Chúng tôi sẽ sát cánh với Mỹ như là đồng minh mạnh nhất của chúng tôi, nhưng tất nhiên chúng tôi phải xem xét mọi yêu cầu hỗ trợ quân sự trong từng trường hợp cụ thể".
20h19: Hãng tin AP cho biết, Hải quân Mỹ vừa tiếp tục điều thêm tàu đổ bộ tấn công tới Vùng Vịnh sau khi căng thẳng với Iran đột ngột tăng cao.
Theo đó, tàu đổ bộ tấn công U.S.S. Boxer cùng tàu đổ bộ vận tải U.S.S. John P. Murtha và tàu đổ bộ xe tăng U.S.S. Harpers Ferry đã tới khu vực trách nhiệm của Hạm đội 5 được giao. Tuy nhiên Hải quân Mỹ không nêu nhiệm vụ cụ thể của các tàu này.
Tàu đổ bộ tấn công U.S.S. Boxer (LHD-4) của Hải quân Mỹ sẵn sàng chiến đấu ở Vùng Vịnh.
20h11: Tờ The New York Times hôm nay cho biết, các quan chức quân đội và tình báo Mỹ đang thực hiện kế hoạch cho các hoạt động bí mật chống lại Iran ở Vịnh Ba Tư, trong một nỗ lực cho phép tấn công để ngăn chặn Tehran mà không làm gia tăng căng thẳng hiện tại và dẫn đến chiến tranh.
Các quan chức không cung cấp chi tiết về những hoạt động bí mật này, nhưng một số lựa chọn đã được xem xét, bao gồm tấn công mạng nhiều hơn, vô hiệu quá tàu thuyền Iran, hoặc tăng cường phát tán thông tin sai lệch nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ cho chính quyền Iran.
Các quan chức này tuyên bố, CIA đã có những kế hoạch bí mật để đáp trả hành động khiêu khích của Iran.
20h08: Iran "bóc mẽ" Mỹ vụ tấn công tê liệt hệ thống kiểm soát tên lửa khi Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Mohammad Javad Azari-Jahromi phủ nhận các bài báo của truyền thông Mỹ rằng, một cuộc tấn công mạng khổng lồ đã làm tê liệt hệ thống máy tính kiểm soát tên lửa và các vụ phóng tên lửa của Iran hôm 20.6.
Bộ trưởng Jahromi khẳng định, Iran có nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn những cuộc tấn công kiểu này, đã triệt phá khoảng "33 triệu vụ tấn công tường lửa chỉ riêng trong năm 2018" - theo RT.
Ông Jahromi đặc biệt nhắc đến Stuxnet, một loại virus máy tính do Mỹ và Israel cùng phát triển, được sử dụng để thâm nhập mạng lưới cơ sở hạt nhân của Iran.
17h58: Trả lời phòng vấn báo Le Monde, hôm nay Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố "nếu Iran tiếp tục thi hành chính sách gây hấn, chắc chắn họ sẽ phải trả cái giá rất đắt".
17h13: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa tới Saudi Arabia để thảo luận với các đồng minh thân cận Saudi Arabia và UAE trong việc phối hợp để đối phó với bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran. Lãnh đạo 2 quốc gia này đều ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ đối với Iran.
17h08: Reuters hôm nay dẫn tuyên bố của Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov rằng các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt vào Iran là phi pháp. Tuy nhiên ông Peskov từ chối bình luận Nga sẽ có hay không các biện pháp ứng phó với những lệnh trừng phạt này của Mỹ.
16h09: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 24/6 cho biết Tehran hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trong khu vực vùng Vịnh. Hãng thông tấn Iran ISNA dẫn lời ông Mousavi nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực hóa giải căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi không muốn làm gia tăng căng thẳng".
Tuyên bố trên được đưa ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Washington và Tehran, đặc biệt sau vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ gần Eo biển Hormuz hôm 20/6.
15h20: Nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đang hiện diện ở Vùng Vịnh với nòng cốt là hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln (CVN-72), là con tàu thứ năm thuộc lớp Nimitz siêu khổng lồ.
USS Abraham Lincoln (CVN-72) được trang bị tới 90 máy bay chiến đấu và trực thăng trong đó có phiên bản tiêm kích hải quân F/A-18E/F Super Hornet nâng cấp từ F/A-18C/D thuộc loại hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln (CVN-72).
USS Bainbridge thuộc lớp Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mạnh nhất và đông đảo nhất thế giới hiện nay.
Tàu được trang bị 96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.
Tàu khu trục USS Bainbridge.
Trong khi đó, tàu tuần dương USS Leyte Gulf thuộc lớp Ticonderoga có tổng cộng 122 ống phóng tên lửa Tomahawk và SM-1 trong các hầm dạng container.
Tàu tuần dương USS Leyte Gulf.
14h49: Một quan chức quốc phòng Mỹ (đề nghị giấu tên) nói rằng, các tàu chiến đi cùng tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln sẵn sàng tấn công Iran nếu được lệnh.
Các chiến hạm này gồm tàu khu trục USS Bainbridge và tàu tuần dương tên lửa USS Leyte Gulf – cả hai đều có thể mang tên lửa hành trình Tomahawk, vị quan chức quốc phòng cho biết.
Đó là chưa kể tới số lượng lớn chiến đấu cơ và máy bay ném bom (gồm cả loại tàng hình) cùng các tàu ngầm và các tàu chiến khác đang có mặt tại hoặc gần vùng Vịnh đều có thể tham chiến mà không cần phải áp sát Iran.
Hiện kế hoạch tấn công Iran vẫn đang ở trên bàn Tổng thống Trump. Ông sẽ là người ra quyết định cuối cùng.
14h03: Các nhà phân tích thị trường quốc tế nhận định một cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ và Iran bùng nổ sẽ lập tức tác động mạnh lên giá dầu thế giới.
Hãng tin RT (Nga) dẫn nhận định của chuyên gia Andy Lipow - Chủ tịch Hiệp hội Lipow Oil cho biết: "Chắc chắn các thị trường sẽ chịu tác động mạnh và tăng giá, đặc biệt là nếu eo biển Hormuz bị đóng lại. Chúng tôi dễ dàng dự báo giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng".
12h49: Tư lệnh hải quân Iran Hossein Khanzadi khẳng định sẽ tiếp tục bắn hạ máy bay trinh sát Mỹ. Ông nói: "Mọi người đều biết chúng tôi đã bắn hạ máy bay trinh sát và tôi khẳng định chắc chắn rằng hành động tương tự sẽ lặp lại (bắn hạ máy bay Mỹ) và kẻ thù của chúng tôi biết điều đó".
12h40: Kênh truyền hình France 24 dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir, cho rằng nếu chiến tranh giữa Iran và Mỹ bùng nổ sẽ nguy hiểm với tất cả mọi người và ông nhấn mạnh Tehran đang cố tình đẩy căng thẳng ở Vùng Vịnh lên một nấc thang mới.
Ông nói: "Mọi người đều cố gắng tránh chiến tranh ở khu vực. Cuộc chiến có thể sẽ gây nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, căng thẳng lại thường xuyên xuất hiện từ phía Iran.
Iran tấn công tàu dầu ở vùng Vịnh, không chỉ một mà là tới 2 lần. Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái cho lực lượng ủy nhiệm của họ là Houthi để tấn công sân bay và đường ống dẫn dầu của Saudi".
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir
11h50: Tờ The Wall Street Journal vừa hé lộ những gương mặt hối thúc Tổng thống Donald Trump "đáp trả Iran". Đó chính là nhóm cố vấn an ninh quốc gia mà đứng đầu là John Bolton đại diện cho nhóm "diều hâu" cứng rắn nhất. Tuy nhiên, ông Trump đã ra quyết định cuối cùng khi rút lại kế hoạch tập kích đường không nhằm vào Iran.
Động thái này của cả ông Trump lẫn phe "diều hâu" cho thấy dường như đâu đó đã có sự lục đục trong nội bộ Hoa Kỳ.
11h39: Bộ trưởng Thông tin Iran tuyên bố cuộc tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu của Iran đã thất bại hoàn toàn.
Trước đó, hãng tin AP cho biết Quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống vũ khí và mạng lưới tình báo của Iran.
Giải pháp thay thế này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump hoãn kế hoạch thực hiện một đòn tấn công thông thường đáp trả việc Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
Vụ tấn công mạng đã vô hiệu hóa các hệ thống hệ thống máy tính mà Iran sử dụng để điều khiển các bệ phóng rocket và tên lửa của nước này và được thực hiện theo quyết định phê chuẩn của Tổng thống Trump.
11h12: Kênh truyền hình Fox News dẫn tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) - Thiếu tướng Robert Ashley Jr. cho biết:
Iran dường như đang ở "một khúc quanh nguy hiểm" khi bắn hạ máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk tối tân của Mỹ và tấn công các tàu dầu (Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm) và đây được cho là một nỗ lực để thay đổi hiện trạng.
Tướng Ashley bình luận rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015 và các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng chính là một cú đánh rất mạnh nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Vì thế, các vụ tấn công liên tiếp được Iran tiến hành nhằm thay đổi tình hình ở khu vực.
10h45: Hôm qua, khi khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Tổng thống có bị buộc phải thực hiện hành động quân sự chống lại Iran do ảnh hưởng của các cố vấn dưới quyền, ông Trump đã tố John Bolton - Cố vấn an ninh của chính mình rằng ông này đang muốn kéo Mỹ vào nhiều cuộc xung đột quốc tế.
TT Trump chia sẻ: "Tôi có hai nhóm cố vấn: cứng rắn và ôn hòa. Trong đó, John Bolton là một "diều hâu" thực sự". Tuy nhiên, TT Trump khẳng định ông mới là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu Mỹ có tấn công Iran hay không.
10h09: Hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ông đang "xắn tay" vào gấp rút xây dựng một liên minh toàn cầu để tấn công Iran.
09h15: Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu tại Jerusalem (Israel), cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Tehran "đừng vội mừng" và nhấn mạnh: "Quân đội chúng tôi đã được tái bố trí và sẵn sàng chiến đấu".
09h07: Theo Reuters, thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu giảm đỏ sàn, trong khi giá dầu tăng vọt do căng thẳng Mỹ-Iran ngày một nóng.
08h59: Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng ông quan tâm tới việc thảo luận trực tiếp với Iran mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Đồng thời ông cũng gạt bỏ quan điểm của Châu Âu về việc Tehran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Ông nhấn mạnh: "Tôi không quan tâm tới các nước châu Âu!".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
08h46: Theo thống kê của chuyên gia quân sự - ngoại giao Matthew Wallin thuộc Dự án An ninh Mỹ, Mỹ hiện có khoảng 25-27 căn cứ, doanh trại tại hơn 10 quốc gia Trung Đông.
Các căn cứ không quân Mỹ phủ khắp Trung Đông, bao vây Iran cả hướng biển lẫn trên bộ.
Tất cả các căn cứ này đều nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa đất đối đất của Iran, một khi xung đột quân sự giữa Washington và Tehran bùng phát, rất có thể đây sẽ là những mục tiêu mà Iran sẽ trả đũa và hủy diệt. Chắc chắn Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi ra quyết định tấn công quân sự nhằm vào Iran.
Thiếu tướng Gholam - Chỉ huy cấp cao quân đội Iran phát biểu trước các tướng lĩnh chỉ huy thuộc lực lượng không quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Tehran cho rằng:
“Nếu một cuộc xung đột bùng phát trong khu vực, không quốc gia nào có thể kiểm soát được quy mô và thời điểm. Chính phủ Mỹ nên hành động có trách nhiệm để bảo vệ binh sĩ của mình bằng cách tránh những hành động bất cẩn trong khu vực”.
Phạm vi tác chiến 1.500-2.500km của tên lửa Iran phủ khắp Trung Đông, tới tận châu Phi.
08h41: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa lên đường tới Trung Đông để thảo luận với giới chức Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về căng thẳng với Iran sau vụ Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất là những đồng minh lớn của Mỹ trong đối phó với những thách thức từ Iran.
Sau khi thảo luận với đồng minh ở Trung Đông, ông Pompeo sẽ tiếp tục chuyến công du của mình tới châu Á.
08h32: Theo đề nghị của Mỹ, chiều nay 24/06 (rạng sáng ngày 25/06 theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ tổ chức cuộc họp kín để bàn về tình hình Iran và những diễn biến xảy ra gần đây ở Vịnh Ba Tư.
Theo kế hoạch dự kiến, các cuộc thảo luận tại Hội Đồng bảo An LHQ sẽ tập trung vào cả những vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Ba Tư thời gian vừa qua và việc Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ "tố" Iran như thế nào, tuy nhiên giới quan sát quốc tế nhận định rất có thể sau cuộc họp này Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định quan trọng.
Hiện nay các phương án tấn công trả đũa Iran vẫn đang được cân nhắc và TT Trump tuyên bố ông mới tạm đình chỉ chứ không phải hủy bỏ giải pháp quân sự.
08h23: Hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thiếu tướng Iran Gholamali Rashid cho rằng, bất kỳ xung đột nào tại vùng Vịnh cũng có thể lan rộng một cách mất kiểm soát.
Ông nhấn mạnh: "Nếu một cuộc xung đột nổ ra trong khu vực, không một nước nào có thể kiểm soát về mặt quy mô và thời gian. Chính phủ Mỹ cần hành động có trách nhiệm để bảo vệ mạng sống của quân nhân Mỹ bằng cách tránh đưa ra hành động sai trái trong khu vực."
08h16: Nếu Iran thực sự chuyển giao các mảnh vỡ mà họ thu được từ chiếc UAV RQ-4 Global Hawk cho Moscow, chắc chắn Washington sẽ giận sôi máu bởi lẽ đây được xem là cơ hội "có một không hai" của Nga để mổ xẻ khí tài tối tân của Mỹ, nghiên cứu tính năng và phương thức hoạt động của chúng để đưa ra các phương án đối phó trong tương lai.
Được biết sau khi bắn hạ, Iran đã thu giữ được nhiều mảnh xác của chiếc RQ-4 này và thậm chí nhiều linh kiện điện tử thuộc dạng bí mật quân sự vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Đây được xem là động thái bất ngờ vượt lằn ranh đỏ của Iran mà có thể bị Mỹ coi là thách thức.
Trước đó, Nga cũng được hưởng lợi khi Syria chuyển giao những tên lửa "mới, đẹp và thông minh" còn gần như nguyên vẹn cho Nga nghiên cứu.
Tư lệnh Không quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Amir Ali Hajizadeh thị sát mảnh vỡ của chiếc UAV Mỹ bị bắn rơi tại Tehran ngày 21/6/2019. Ảnh: AP