Cảnh giác dị vật đường thở

BS NGUYỄN KIÊN |

Thức ăn đi vào đường thở là tai nạn vẫn thường xảy ra, gây tử vong hoặc nguy hiểm tính mạng do ngạt và biến chứng, nạn nhân phần nhiều là người già yếu và trẻ em.

Một trăm lẻ một loại dị vật

Ngày 02.8, BV 30-4, Bộ Công an (TP.HCM) lấy ra từ phế quản phải của bệnh nhân nam 54 tuổi, đến từ Quảng Ngãi một đoạn xương 5,5 x 1,7cm, trong ổ mủ thùy dưới phổi phải, bằng ống soi mềm. 

11h đêm 11.7, một cụ ông 87 tuổi, ở Tây Ninh, đã được BV tỉnh đặt nội khí quản, thở máy, hồi sức, chuyển đến BV Chợ Rẫy, TPHCM. Nội soi cấp cứu phát hiện dị vật ở phổi phải, bệnh nhân già yếu lại trong tình trạng nguy kịch, phải loại bỏ nhanh dị vật là một thử thách cân não.

Sau hội chẩn liên khoa, quyết định nội soi ống mềm lấy dị vật tại khoa, không chuyển sang phòng mổ. Bệnh nhân cao tuổi, lại đang thở máy qua ống nội khí quản, các cơ hô hấp co kéo mạnh, khò khè nhiều, nên thủ thuật tiến hành rất khó khăn; dị vật là hạt mít thì trơn, vì thế 3 lần rơi đi rơi lại, trong khoảng hơn 30 phút mới gắp được.

Bệnh nhân nam N.H.T, 41 tuổi, với chiếc xương cá trong phổi 5 năm, biến chứng, được BV Hoàn Mỹ, TPHCM cho xuất viện ngày 3.7. Anh này vào BV cấp cứu sau 3 ngày sốt cao liên tục, mệt mỏi, ho nhiều, khạc đờm đục. 

Chụp MSCT (kỹ thuật số, cắt 64 lớp, dựng hình bằng công nghệ 3D) phổi thấy dị vật phế quản (PQ) thùy dưới phổi phải, biến chứng viêm phổi. Xương cá đã ở trong phổi 5 năm lại găm sâu vào thành PQ, làm mô phổi viêm mủ mãn tính, “đông đặc” lại, vì thế nội soi không thể lấy được dị vật, mô phổi hủy hoại lẫn mủ.

Các BS hội chẩn, quyết định mổ hở lấy xương cá và cắt phần phổi tổn thương... Nghe bệnh nhân chia sẻ cũng thấy lạ vì cách đây 5 năm, cho rằng mình bị sặc xương cá nhưng tại sao không đi khám ngay.

Tháng 6, cụ ông N.S.B, 73 tuổi, sau khi ăn sáng, đến BV Hữu Nghị, Nghệ An để gắp... răng. 

Chẩn đoán hình ảnh phát hiện dị vật 3 x 2cm, có mấu, dính chặt vào thành thanh quản, giữa vị trí hai dây thanh âm (gồm dây chằng và cơ, rung lên khi không khí đi qua, tạo ra tiếng...), đoạn từ thượng thanh môn xuống hạ thanh môn, gần như che lấp toàn bộ lòng thanh quản, làm bệnh nhân khàn tiếng, khó thở, thở rít... 

Phải gây mê, nội soi gắp ra một đoạn hàm giả có 2 răng. Cụ bà 84 tuổi, ở Cần Thơ, bị mảnh hạt sen 0,5 x 0,5 x 1,2 cm rơi vào PQ thùy dưới phổi phải (rất sâu), suy hô hấp. BV Cần Thơ phải dùng “rọ” để lấy ra.

Tháng 5, BV Hà Tĩnh nội soi gắp mẩu xương 1,5x1,5cm trong PQ trung gian (tiếp nối PQ gốc phải, trao đổi khí cho 2/3 phổi phải) của ông P.X.Đ, 69 tuổi, ở Hà Tĩnh. Dị vật làm ông ho rũ rượi, khó thở và co giật. 

Tháng 3, bé trai T.G.B, 3 tuổi rưỡi, ở Đắk Lắk, sau nhiều lần điều trị viêm phổi ở phòng khám tư nhưng ngày càng nặng nên đến BV tỉnh, được chẩn đoán viêm phổi nặng do dị vật, phải chuyển BV Nhi Đồng 2, TPHCM.

Sau gần 3 giờ can thiệp, các BS khoa Tai - Mũi - Họng mới gắp được... viên đạn súng hơi từ PQ. Bệnh nhân nữ, 55 tuổi, ở Bình Chánh, TP HCM, lao phổi đã 20 năm, xẹp hoàn toàn phổi trái, bị hạt mãng cầu rơi vào PQ thùy dưới phổi phải, suy hô hấp, tím tái, các BV tuyến trước không lấy được, chuyển BV Chợ Rẫy. 

Phải nội soi qua nội khí quản và buộc phải làm nhanh vì đang suy hô hấp. Trong khoảng 30 phút làm thủ thuật, 4 lần bệnh nhân hạ oxy máu, phải dừng lại để hồi sức nếu không sẽ ngừng tim; cuối cùng hạt mãng cầu cũng được lấy ra.

Tháng 1, bệnh nhân T.V.S, 62 tuổi, ở TPHCM, bị tai biến mạch máu não nằm liệt, sau khi ăn mít, bị khó thở, phải đến BV Bình Chánh rồi chuyển BV Nguyễn Tri Phương. Nhập viện đã lơ mơ, suy hô hấp nặng, phải bóp bóng nội khí quản. Chụp MSCT, phát hiện dị vật trong PQ gốc trái. 

Nội soi lấy múi mít không dễ, bởi mít mật nhão, bệnh nhân đang suy hô hấp, thể trạng suy kiệt. Phải vừa gắp, vừa hút khoảng 45 phút mới lấy hết được. Với những dị vật mềm, nhão, nếu để chậm sẽ tụt sâu vào những nhánh PQ nhỏ hơn và khó có thể lấy được.

Năm 2017, tháng 11, khoa Nội hô hấp, BV Thống Nhất, TPHCM, nội soi gắp một viên thuốc lớn bít tắc PQ trung gian phổi phải, làm cụ ông 83 tuổi, khó thở nghiêm trọng. Viên thuốc lớn lại ngấm nước phình to, vỡ đôi khi gắp, phải hút.

 Chuyện khó tin, nữ bệnh nhân 65 tuổi, ở TPHCM, cách đây hơn 20 năm, trong lúc ăn hồng xiêm, cười đùa cùng bạn thì ho sặc sụa. Sau đó, thấy bình thường, tuy thỉnh thoảng có ho, nghĩ hạt hồng đã xuống dạ dày.

Tháng 11 năm ngoái, bà sốt, tức ngực, khó thở, ho ra máu và đờm xanh, đục... nên vào BV Thống Nhất. Chụp CT. Scanner phát hiện dị vật ở thùy dưới phổi phải và nội soi lấy ra "thủ phạm" chính là hạt hồng xiêm vẫn còn cứng, chưa mục nát; bà phải điều trị viêm phổi.

Tháng 10, BS BV Tai - Mũi - Họng, TPHCM lấy ra mảnh xương cá lóc 0,5x0,2 cm, trong PQ phải bệnh nhân 52 tuổi, ở Bình Dương. Dị vật tuy nhỏ nhưng cắm chặt vào niêm mạc PQ phù nề do phản ứng viêm nên lấy không dễ. Gắp được, đưa ra phải thật khéo léo nếu không sẽ mắc và rơi lại.

Tháng 6, BS BV tỉnh Lạng Sơn gắp ra một chiếc răng trong ổ mủ ở PQ trung gian phổi phải cụ ông 74 tuổi, bị khó thở, đau ngực, khạc đờm đục. Tháng 3, bé trai 5 tuổi, ở quận 10, TPHCM hút thạch rau câu, thạch vào đường thở làm cháu ho sặc sụa... Đến BV Nhi đồng 1, trẻ tím tái toàn thân, trụy mạch, ngừng tim, ngừng thở. Các BS đã nỗ lực dùng hết cách nhưng bé không thể hồi tỉnh...

Dị vật đường thở có những bệnh cảnh nào?

Nếu dị vật (DV) bít tắc hoàn toàn đường thở, sẽ ngừng thở, hôn mê, chết ngạt trong vài phút đầu sau hội chứng xâm nhập (HCXN), vì thiếu oxy, bởi ở người bình thường tế bào não sẽ chết không hồi phục sau 3 - 5 phút không được cấp oxy và nguy hiểm nhất là DV lỏng, mềm hoặc cứng nhưng to. 

Vì thế, có người nói bé trai 5 tuổi nói trên tử vong do đưa đến BV quá muộn là không đúng, bởi thời khoảng ranh giới giữa sống và chết rất ngắn, ngay cả khi biết cấp cứu DV đường thở đúng phương pháp chưa chắc đã cứu được...!

DV vào thanh quản (TQ) gây ra HCXN (diễn ra một vài phút): Đột ngột ho sặc sụa, ông ổng từng cơn dài; vã mồ hôi; thở gắng sức, rít, khò khè; khàn, mất tiếng; tím tái; đôi khi đại tiểu tiện không tự chủ, do phản xạ co thắt TQ...; có khi vật cứng không bít tắc hoàn toàn TQ vẫn tử vong do TQ co thắt, phù nề; dị vật dẹt, nhọn, sù sì thường mắc ở TQ. 

Khi DV (thường tròn, trơn, nhẵn) đi sâu xuống khí quản sẽ ho rũ rượi, ra máu hoặc không; thở rít, ngáy, khò khè; tím tái. DV xuống đến PQ (bên phải nhiều hơn do hình thái giải phẫu), biểu hiện chủ yếu là khó thở, có khi lại không có dấu hiệu gì!.

Mức độ suy hô hấp (khó thở, tím tái) tùy thuộc mức độ bít tắc TQ, khí quản, PQ nhiều hay ít. Khoảng 3% ca DV đường thở không biểu hiện HCXN và 25 - 50% ca HCXN ngắn, thoáng qua, thường sau đó 5 - 7 ngày, các dấu hiệu xẹp phổi; viêm PQ, phổi; áp xe phổi... do DV sẽ xuất hiện: sốt cao; ho khan hay ra máu, đờm, mủ; cùng với suy hô hấp mức độ khác nhau.

Thức ăn, hạt quả, đồ chơi và những vật nhỏ chính là DV, vì thế để ý trẻ nhỏ, người già yếu, đặc biệt là người liệt màn hầu (tai biến mạch não...) khi ăn và trẻ nhỏ khi chơi là cách phòng DV đường thở tốt nhất.

Sơ cứu

Trẻ dưới 2 tuổi: vỗ lưng - ấn ngực

Trẻ nằm sấp trên tay trái, đầu thấp, bàn tay trái giữ chặt đầu và cổ trước. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 lần vào giữa hai bả vai. Lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh vùng 1/2 dưới xương ức 5 lần. Luân phiên vỗ lưng, ấn ngực tới khi dị vật ra ngoài hoặc trẻ khóc.

Người lớn, trẻ lớn: Thủ thuật Heimlich.

Còn tỉnh: Đứng sau lưng, dùng nắm đấm đặt dưới mũi xương ức, tay kia cầm nắm đấm ấn hướng trước ra sau, dưới lên trên, nhanh, mạnh, 5 lần...

Hôn mê: Để nằm ngửa, quỳ dạng 2 chân cạnh đùi, chồng 2 gót bàn tay dưới mũi xương ức, ấn chiều dưới lên trên, nhanh, mạnh, 5 lần hoặc tới khi trẻ khóc, dị vật rơi ra.

Nếu ngừng thở: Thổi ngạt 2 lần (chậm) trước và xen kẽ với thủ thuật Heimlich hoặc vỗ lưng - ấn ngực

Không can thiệp nếu vẫn ho, thở hay la, khóc.

Lấy được dị vật vẫn phải đưa đi kiểm tra.

Không cố móc dị vật khi không nhìn thấy, vì sẽ làm tụt sâu hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại