Một trong những bệnh ung thư có thể điều trị khỏi ở giai đoạn sớm đó là bệnh ung thư vú, đây là căn bệnh khá phổ biến ở chị em hiện nay.
Tuy nhiên, đa số người bệnh đến điều trị ở giai đoạn muộn khiến tỉ lệ chữa khỏi thấp và việc điều trị khi bệnh đã nặng sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.
Bệnh nhân Đ.T.B., 68 tuổi, quê ở Yên Lập, Phú Thọ phát hiện ung thư vú từ giữa năm 2017. Khi mới phát hiện, bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng cảm thấy đau nơi khối u trên bầu ngực, những cơn đau không kéo dài và không quá dữ dội.
Do tâm lý chủ quan và do điều kiện kinh tế hạn hẹp, tới tận tháng 7/2018, khi những cơn đau trở nên dữ dội, thuốc giảm đau không còn tác dụng, sức khỏe sa sút nghiêm trọng, bệnh nhân mới được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị.
Lúc này khối u đã phát triển quá lớn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên tỉ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn khoảng 25%.
Theo các bác sĩ, trên thực tế, ung thư vú là căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm.
Thống kê cho thấy, bệnh nhân ung thư vú nếu điều trị sớm có tới 80% cơ hội khỏi bệnh. Hơn nữa, những người bệnh giai đoạn sớm còn có thể được điều trị bằng phương pháp bảo tồn (chỉ loại bỏ nguyên khối u) giữ nguyên bầu ngực, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Bác sĩ Thân Ngọc Minh thăm khám cho bệnh nhân ung thư.
Trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Thị B.L. (Phú Thọ) được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 3, đã di căn đến hạch khiến bệnh nhân và gia đình hết sức hoang mang. Bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vấn và giới thiệu về trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ điều trị khối u vú trong cơ thể mình.
Sau khi hội đồng chẩn đoán nhập thông tin bệnh án của chị L. vào hệ thống, các bác sĩ và gia đình đã đồng nhất lựa chọn một phương án điều trị tối ưu, theo đó quá trình điều trị sẽ bắt đầu bằng hóa chất tiền phẫu AC - T liều dày (8 đợt, mỗi chu kỳ cách nhau 2 tuần), sau đó sẽ phẫu thuật triệt căn, xạ trị và điều trị nội tiết trong 5 năm.
Kết quả sau 2 tuần điều trị đem đến nhiều dấu hiệu tích cực, các khối u vú của chị gần như biến mất, chỉ còn lại với kích thước 1,5 cm, hạch nách hoàn toàn tan hết. Với kết quả khả quan này, chị L. có cơ hội nhận được phẫu thuật triệt căn, cơ hội khỏi bệnh của chị lên tới 80-90%.
Bệnh nhân Lê Thị Hồng L., 59 tuổi (Hải Dương) phát hiện mắc ung thư phổi từ tháng 6/2016, bệnh nhân đã chữa trị nhiều nơi và thay đổi nhiều loại thuốc, tuy nhiên tình trạng bệnh không cải thiện.
Gần đây, bệnh nhân L. có dấu hiệu ho, có đờm, sốt, sức khỏe sa sút. Kết quả khám cho thấy ung thư phổi đã phát triển đến giai đoạn IV và di căn lên não.
ThS.BS Trần Xuân Vĩnh – Trưởng đơn vị Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: “Bệnh nhân L. là một trường hợp ung thư phổi giai đoạn IV, đã di căn lên não.
Người bệnh đã được điều trị thuốc TKI thế hệ thứ nhất trong 20 tháng, tuy nhiên đã có dấu hiệu kháng thuốc. Sau khi hội chẩn tham khảo hệ thống trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ đã tư vấn người bệnh dùng một loại thuốc khác và khuyến cáo người bệnh đi kiểm tra nếu tình trạng bệnh có diễn biến bất thường".
Cánh tay Robot maxio tại Đơn vị Xạ trị và Y học hạt nhân, Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Gia tăng bệnh nhân ung thư, nhiều người trẻ tuổi
Theo ThS.BS Trần Xuân Vĩnh, bệnh ung thư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng có xu hướng tăng lên nhanh chóng đến mức đáng báo động. Đặc biệt, có sự trẻ hóa trong độ tuổi mắc ung thư.
Hơn nữa, người bệnh ung thư thường phát hiện ở giai đoạn muộn, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng điều trị cho người bệnh.
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây ra ung thư cũng chưa rõ ràng nhưng nhiều ý kiến cho rằng có những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nguy cơ ung thư như: môi trường sống, thực phẩm, nguồn nước và đặc biệt là thuốc lá.
Hiện có 5 bệnh ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam bao gồm: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư trực tràng và ung thư vú.
Cùng với số lượng người bệnh ung thư ngày càng tăng, gánh nặng kinh tế cho việc chữa bệnh cũng trở thành một bài toán khó cho toàn xã hội.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện muộn do chủ quan, bỏ qua các triệu chứng của bệnh hoặc lại đi chữa bằng thuốc lá, thuốc nam... gây biến chứng nặng mới chịu đi khám.
Tại BVĐK tỉnh Phú Thọ, trung bình mỗi ngày có gần 100 lượt người bệnh đến khám về chuyên khoa ung bướu. Trung tâm Ung bướu trung bình tiếp nhận và điều trị cho khoảng 400 người bệnh mỗi tháng. Số lượng người bệnh trong quý III tăng rõ rệt so với quý I và II.
Trước tình trạng bệnh ung thư gia tăng nhanh chóng, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ chuyên ngành ung bướu, đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ phẫu thuật, xạ trị.
Năm 2017, Trung tâm đã khám ngoại trú 3.200 bệnh nhân; điều trị nội trú 9.800 bệnh nhân; phẫu thuật ung thư 1.200 bệnh nhân; hóa trị 5.200 bệnh nhân; xạ trị 3.200 bệnh nhân.
Đặc biệt, năm 2018, Trung tâm đã áp dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư góp phần quan trọng giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương; đặc biệt, giảm chi phí cho người bệnh khi không phải lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài khám chữa bệnh mà vẫn có đầy đủ những thông tin và phác đồ điều trị tối ưu trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân ung thư của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên tầm soát ung thư tổng thể mỗi năm 1 lần. Riêng đối với người có tiền sử gia đình mắc ung thư thì nên thực hiện 6 tháng 1 lần. Những đối tượng sau nên thực hiện tầm soát ung thư hàng năm:
– Nam/nữ độ tuổi từ 40 trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư toàn diện để phát hiện sớm ung thư cũng như để bảo vệ sức khỏe.
– Những đối tượng mà tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư, đặc biệt là khi chẩn đoán ở độ tuổi dưới 40.
– Những người có các yếu tố bệnh lý có thể là nguy cơ gây ung thư như polyp đại tràng, đa polyp tuyến, xơ gan, viêm loét dạ dày hoặc có thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia lâu dài… nên được tầm soát ung thư định kỳ.
– Ngoài ra, nếu phát hiện những bất thường hoặc thay đổi lâu ngày trong cơ thể và nghi là dấu hiệu bệnh ung thư như sụt cân không rõ nguyên nhân, đi tiểu ra máu, chảy máu đường ruột, xuất hiện khối u ở ngực, có vết thương trên da lâu không lành… thì cũng cần thực hiện tầm soát ung thư để xác định chắc chắn liệu mình có bị mắc ung thư hay không.
Vì vậy, điều quan trọng là người dân cần chú ý theo dõi thể trạng của bản thân để nhận ra những dấu hiệu bất thường. Sau đó hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia để nhận được những lời khuyên tốt nhất.