Cảnh báo căn bệnh nguy hiểm gây tử vong đang bị lãng quên

Tiểu Nhã |

Căn bệnh whitmore là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính và bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu không được chẩn đoán chính xác, điều đáng lo ngại nhất căn bệnh này đang bị lãng quên.

Suýt chết mà không biết vì sao?

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị bệnh whitmore. Bệnh nhân Cao V. TH. trú tại Thanh Hóa. Bệnh nhân đang cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch với biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.

Trước đó, bệnh nhân bị viêm cầu thận và đã vào điều trị tại Thanh Hóa nhưng tình trạng sốt không dứt, ngày càng cao, đầu gối sưng to không rõ nguyên nhân nên bệnh nhân được chuyển đến khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Sau đó, tình trạng bệnh vẫn không chuyển biến, kết quả cấy máu và cấy dịch khớp âm tính, bác sĩ vẫn phải điều trị kháng sinh bao vây cho bệnh nhân.

Trước tình trạng không rõ nguyên nhân đến ngày 11/8, bệnh nhân được đưa về khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao liên tục 39-40 độ C, sưng đau khớp gối phải, tổn thương gan, thận, nhiều ổ áp xe trong phổi,...

Các bác sĩ tìm nguyên nhân bằng cách cấy màu và phải đợi kết quả cấy máu lần thứ 3, kết quả mới dương tính với vi khuẩn gây nên căn bệnh whitmore.

Cảnh báo căn bệnh nguy hiểm gây tử vong đang bị lãng quên - Ảnh 1.

Sau khi xác định chẩn đoán, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển phác đồ điều trị đặc hiệu theo hướng bệnh whitmore.

Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy đa phủ tạng nặng.

Bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn đồng thời dùng kháng sinh đặc trị bằng kháng sinh mạnh liều cao nhóm carbapenem kết hợp với ceftazidim.

Hiện chức năng thận và gan đã được cải thiện, bệnh nhân vẫn còn tổn thương phổi nặng phải thở máy và dùng các thuốc vận mạch.

Tại khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai mới đây tiếp nhận bệnh nhân nữ 52 tuổi đi cắt cỏ dưới ao về sau đó bị sốt không rõ nguyên nhân.

Sau đó, bệnh nhân được vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ "khoanh vùng" nguyên nhân nên nhanh chóng xác định "thủ phạm" là whitmore nên bệnh nhân nhanh chóng được điều trị theo phác đồ và ít để lại di chứng hơn.

Hầu như bệnh nhân vào viện đều với triệu chứng sốt cao, không hạ sốt, kèm theo áp xe phổi và các tổn thương ở phổi.

Cảnh báo căn bệnh nguy hiểm gây tử vong đang bị lãng quên - Ảnh 2.

Đừng lãng quên Whirmore

Theo TS. Cường, whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 9-11.

Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...

Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Từ đầu năm tới nay, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn chục ca whitmore được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa, truyền nhiễm...

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm bệnh whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao.

Kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần.

Việc điều trị bệnh phải kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân gây thất bại điều trị và tử vong.

Bệnh không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng điển hình trên lâm sàng, dẫn đến khó chẩn đoán được bệnh. Nhiều bác sĩ không có phản xạ nghi ngờ ca bệnh, nên không gửi mẫu xét nghiệm vi sinh, dẫn đến bỏ sót ca bệnh.

Yếu tố nguy cơ của Whitmore

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đã được xác ghi nhận trong rất nhiều nghiên cứu, 80% những người bị bệnh Melioidosis có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ, điều đó cân nhắc rằng Melioidosis có thể là một nhiễm trùng cơ hội.

Các yếu tố nguy cơ thường gặp là bệnh đái tháo đường, người nghiện rượu, bệnh thận hoặc bệnh phổi mạn tính, người sử dụng corticoid, bệnh ung thư. 



Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B.pseudomallei.

Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh rất khó lây từ người sang người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại