Chia sẻ của bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chiều 28 Tết: "Những ngày giáp Tết, trong dịp Tết và ngay cả những ngày sau Tết, bao giờ cũng là những khoảng thời gian mà các bệnh viện chịu áp lực công việc nhiều nhất, đặc biệt là tại các khoa cấp cứu.
Nếu không có sự thu xếp công việc hợp lý cho nhân viên y tế, nếu không có sự tăng cường nhân lực, nếu không có sự phối hợp tốt hơn so với những ngày thường từ các khoa phòng hoặc chuyên khoa khác, thì khoa cấp cứu rất dễ vỡ trận ở bất cứ tuyến bệnh viện nào.
Các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở xuống chịu áp lực công việc một, thì các bệnh viện tuyến trung ương chịu áp lực công việc mười".
Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chiều và tối 28 Tết, có thêm 13 bệnh nhân nặng nhập viện, các giường bệnh đều kín chỗ. Bác sĩ ngạt thở, kiệt sức, căng mình cấp cứu cho bệnh nhân.
Là một bác sĩ nội trú, thường xuyên trực Tết, đón Tết trong bệnh viện, bác sĩ Chính mong mỏi:
"Tất cả bệnh viện ở các tuyến đều có kế hoạch cho nhân viên y tế làm việc hợp lý, có được sự tăng cường nhân lực cần thiết, có được sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, không đùn đẩy công việc và trách nhiệm cho bất cứ khoa phòng nào, bệnh viện nào... với hy vọng mình được "rảnh rang" trong những ngày Tết".
Chùm ảnh "nghẹt thở" vào chiều ngày 28 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai mà bác sĩ Chính ghi lại, là một góc khác hối hả, bận bịu, nơi bác sĩ quên Tết chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh.