Một trong số những phát minh vô cùng ấn tượng của bộ đội Việt Nam, đã từng phát huy rất hiệu quả trong những năm tháng chiến tranh và đến ngày nay vẫn được duy trì, đó là hình ảnh chiếc bếp Hoàng Cầm. Bếp Hoàng Cầm - một cái tên mà có lẽ hầu như ai cũng đã nghe qua, thế nhưng để xem tận mắt cách thức hoạt động thì không phải ai cũng từng biết, đặc biệt là các bạn trẻ.
Mới đây, một đoạn clip ghi lại hình ảnh nấu nướng của bộ đội Việt Nam bằng chiếc bếp đặc biệt này đã thu hút rất nhiều lượt xem trên mạng xã hội. Và quả thật, những hình ảnh trong clip khiến ai cũng phải há hốc mồm vì độ sáng tạo.
Trước hết, phải nói rõ rằng dù ngày nay, bếp Hoàng Cầm không quá phổ biến như trước, nhưng với lực lượng quân nhân thì vẫn có sử dụng khi đi luyện tập, thực hiện nhiệm vụ ở trong rừng.
Theo một số tài liệu ghi chép, người phát minh ra loại bếp này chính là Thượng sĩ Hoàng Cầm (1916 - 1996) quê ở Nam Định, là Tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc Sư đoàn 308, Đại đoàn quân tiên phong. Cụ thể, trong thời chiến, việc nấu ăn giữa rừng gặp rất nhiều khó khăn, ban ngày thì khói bốc lên, ban đêm lại có lửa lập loè, dễ bị địch phát hiện. Điều đó khiến người anh nuôi Hoàng Cầm vô cùng trăn trở.
Sau nhiều lần suy nghĩ, thử vẽ sơ đồ, Thượng sĩ Hoàng Cầm đã tạo ra một loại bếp rất đặc biệt, là loại bếp lò khoét vào sườn đồi hoặc đào sâu xuống đất với những đường rãnh giống như râu mực từ bếp bò đi khá xa.
Trên các rãnh được lát bằng cành cây và phủ đất ẩm, tạo thành những ống thoát khói. Khi nấu ăn, khói từ bếp sẽ toả vào các rãnh, bốc lên thì lại gặp đất ẩm nên bị lọc và cản lại, vì thế chỉ bay là là trên mặt đất chứ không bốc thẳng lên trời. Nhờ đó, loại bếp này đã giải quyết được vấn đề nấu ăn giữa rừng mà không sợ quân địch phát hiện.
Từ đó, loại bếp này đã mang tên chính người sáng tạo ra nó - bếp Hoàng Cầm. Loại bếp này ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951-1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể nói, nó là một phát minh mang tính sáng tạo và tính ứng dụng rất cao.
Chiếc bếp đặc biệt đó của Thượng sĩ Hoàng Cầm không chỉ mang lại hiệu quả trong thời chiến, mà đến ngày nay, nó vẫn được sử sách ghi nhận và nhiều đời sau ngưỡng mộ.
Nguồn: Wiki, TikTok @tuctungngocnu...