Căn bệnh ung thư phổi cực kỳ nguy hiểm

Tiểu Nhã |

Dù chỉ chiếm 15 - 20% số bệnh nhân bị ung thư phổi nhưng ung thư phổi tế bào nhỏ được xem là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, đa số bệnh nhân mắc không sống được quá 9 tháng.

Ám ảnh ung thư

Ung thư phổi luôn trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ ai vì căn bệnh tiến triển âm thầm, bệnh nhân phát hiện chủ yếu khi bệnh đã ở giai đoạn muộn và thời gian sống của bệnh nhân rất ngắn.

Tại khoa điều trị chống đau của bệnh viện K trung ương tại Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội, ông Lương Văn Tự, 51 tuổi, quê Phú Thọ đang cố gắng rít từng hơi thở để chống lại nhưng cơn đau ập đến.

Ông Tự được chẩn đoán ung thư phổi vào tháng 5/2016, đến nay dù ông đã được xạ trị tuy nhiên tổn thương do xạ trị khiến ông liên tục bị ảnh hưởng như khó thở.

Sau khi xạ 29 mũi, ông Tự về nhà nghỉ được 1 tuần thì tiếp tục bị các đợt khó thở, tràn dịch phổi đe doạ. Ông lại phải nhập viện và bác sĩ phát hiện ông đã bị di căn lên não và xương.

Ngoài những cơn đau tức ở ngực, ông Tự lúc nào cũng chỉ mong mình chết nhanh bởi vì những cơn đau lên đầu do khối u di căn và đau ở xương do di căn xương.

Hồ sơ, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư phổi tế bào nhỏ, 1 căn bệnh ung thư được coi là kém may mắn nhất với các bệnh nhân ung thư phổi. Dù biết bệnh tình nặng nhưng gia đình ông Tự vẫn hi vọng còn nước còn tát.

Với những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, họ chỉ điều trị giảm đau và tâm lý, họ chẳng khác nào "cá nằm trên thớt" nhưng cứ nhắc tới ung thư phổi, hay ung thư gan là ai cũng thở dài bởi họ biết đây đều là những căn bệnh ung thư "biết là chết".

Căn bệnh ung thư phổi cực kỳ nguy hiểm - Ảnh 1.

Theo GS Mai Trọng Khoa- Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Theo Globocan 2012, ung thư phổi trên thế giới có khoảng 1,825 triệu ca, chiếm 12,9% tổng số ca mới mắc và có 1,59 triệu ca tử vong chiếm 19,4%.

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu ở nam, đứng thứ 3 ở nữ với 21.865 ca mới mắc, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.

Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu.

Tránh xa khói thuốc

Còn TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc BV Ung bướu Hưng Việt cảnh báo, trong hai nhóm ung thư phổi là ung thư tế bào nhỏ và ung thư không tế bào nhỏ thì ung thư tế bào nhỏ là bệnh ung thư cực kỳ nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong không quá 9 tháng khi phát hiện được bệnh.

Ung thư tế bào nhỏ hay gặp ở nam giới và chủ yếu ở những người thường xuyên hút thuốc lá. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường xuất phát trong phế quản phổi (đường hô hấp lớn), phát triển nhanh, lây lan sớm, dễ lan đến não.

Căn bệnh ung thư phổi cực kỳ nguy hiểm - Ảnh 2.

Dù tế bào ung thư nhỏ nhưng tốc độ lan tràn lại rất nhanh chóng nhiều lúc bác sĩ và bệnh nhân cũng không kịp trở tay.

Ung thư phổi tế bào nhỏ tuy phát triển nhanh nhưng lại đáp ứng khá tốt với hóa trị ban đầu nên ở giai đoạn sớm bệnh này có thể chữa khỏi.

Tuy nhiên, ung thư phổi tế bào nhỏ có xu hướng tái phát sau điều trị và có khả năng kháng điều trị trong lần hóa trị tiếp theo.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ là: ho dai dẳng, ho ra máu, đờm lẫn máu, khó thở, thở khò khè, sưng ở vùng mặt, cổ, khàn tiếng, viêm phổi và viêm phế quản tái phát nhiều lần.

Bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ cũng có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng cận ung thư. Triệu chứng xảy ra do hormone từ khối u tiết ra hoặc phản ứng miễn dịch của cơ thể với khối u.

Những triệu chứng cận ung thư là: khó nuốt, thay đổi thị lực, yếu cơ ở chi trên, mệt mỏi, yếu ớt, natri thấp trong máu, móng tay bị biến dạng, thoái hóa tiểu não gây khó nói chuyện và mất phối hợp các hoạt động của cơ thể.

Đến nay, theo thống kê bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ khi giai đoạn bệnh đã tràn lan thì tỷ lệ sống trên 2 năm chỉ đạt 5 %. Để phòng ung thư phổi tuyp này theo các bác sĩ chỉ có cách duy nhất là không hút thuốc lá, không bị hút thuốc lá thụ động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại