Ảnh minh họa
Trước khi được chuyển tới Bệnh viện E, bệnh nhân T được bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Tại bệnh viện E, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị tràn máu khí màng phổi số lượng nhiều, trung thất bị đẩy lệch sang phải, theo dõi xuất huyết đỉnh phổi trái, nhu mô phổi xẹp nhiều.
Người bệnh biểu hiện suy hô hấp nặng nề. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành dẫn lưu màng phổi trái cho người bệnh. Lượng dịch dẫn lưu màng phổi của người bệnh là gần 1 lít máu đỏ tươi lẫn khí. Sau 2 giờ theo dõi, lượng dịch qua dẫn lưu mỗi giờ là 200-300 ml.
TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E - xác định bệnh nhân T có bị vỡ kén khí và đứt dây chằng đỉnh phổi. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi toàn bộ 3D cắt kén khí đỉnh phổi.
Ths.BS Nguyễn Hoàng Nam – Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch (Bệnh viện E) - cho biết khi tiến hành mổ nội soi toàn bộ 3D, các bác sĩ phát hiện màng phổi người bệnh có nhiều máu cục, khoảng 300g và khoảng 500ml máu loãng, đỉnh phổi có nhiều kén khí có lứa tuổi khác nhau.
Đỉnh phổi có điểm chảy máu liên tục do đứt dây chằng. Bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật nội soi toàn bộ 3D cắt kén khí phổi. Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu mang lại nhiều ưu điểm như vết mổ nhỏ, hạn chế các tai biến trong và sau mổ như như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, xẹp phổi, suy giảm chức năng hô hấp…
Người bệnh ít đau sau mổ, bình phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt, ít đau vết mổ, phổi giãn nở tốt, bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng, đã được rút dẫn lưu.
Bệnh nhân T đang điều trị tại BV E, ảnh BVCC.
Kén phổi "phá huỷ" các phế nang không phục hồi
Theo Ths.BS Nguyễn Hoàng Nam, kén khí ở phổi là bệnh lý ít gặp, với tỷ lệ mắc 22 người/100.000 người, nam mắc nhiều hơn nữ (3,3/1) và thường hay gặp ở nam giới trẻ, cao gầy và thường xuyên hút thuốc lá.
Bệnh có các biểu hiện khi xuất hiện những túi khí có kích thước lớn hơn 1cm nằm trong nhu mô phổi, kèm theo có sự phá hủy vách các phế nang không phục hồi.
Kén khí phổi xảy ra cục bộ tại vùng của phổi, có thể một hoặc nhiều kén tập trung ở thùy trên nhiều hơn thùy dưới, thường kết hợp với viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang khu trú, lao, hoặc bội nhiễm gây áp xe phổi…
Bác sĩ Nam cho biết kén khí phổi có thể phát hiện bằng nghe tim phổi hoặc thực hiện chỉ định cận lâm sàng như X quang ngực, CT, MRI...
Điển hình như người bệnh này do biểu hiện bệnh không điển hình, nên bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tim mạch khác. Do đó, nếu không phát hiện, phẫu thuật kịp thời sẽ gây xẹp cả phổi ở bên bị tổn thương, đẩy lệch trung thất ép cả phổi bên đối diện, hậu quả là suy hô hấp rất nặng nề.
Thậm chí nếu vỡ kén khí kèm theo đứt dây chằng đỉnh phổi, điều này có thể gây tràn khí tràn máu số lượng lớn, gây nên tình trạng suy hô hấp, mất máu có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh mắc bệnh kén khí ở phổi nếu như không có viêm nhiễm, kích thước kén nhỏ, không có sự chèn ép vào các cơ quan xung quanh thì cần tiến hành theo dõi, kiểm tra thường xuyên.
Trường hợp kén bị nhiễm khuẩn, người bệnh có thể xuất hiện sốt cao, nổi hạch, ho ra máu, khạc đờm lẫn mủ, có mùi hôi.
Kén khí vỡ gây tràn khí màng phổi với triệu chứng khó thở, đau ngực, suy hô hấp, có thể nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Đối với những người có kén khí nhiều, kén khí lớn và có đặc thù công việc làm tại hải đảo, biên cương, vùng núi… nên chủ động phẫu thuật sớm, tránh biến chứng vỡ kén khí, nguy hiểm tới tính mạng do khả năng tiếp cận y tế hạn chế.