Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất gói trừng phạt thứ sáu trong một nỗ lực nhằm thắt chặt các biện pháp chống Nga. Trọng tâm của gói trừng phạt mới này là cấm các nước EU mua dầu thô và các sản phẩm dầu từ Nga vào cuối năm nay. Đây là các biện pháp trừng phạt khốc liệt nhất, toàn diện nhất trong lịch sử đối với Nga kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga là biện pháp cưỡng bức kinh tế triệt để nhất, nhằm tước đi nguồn thu nhập chính của Moscow, bởi vì Nga bán 70% khí đốt và 60% dầu và các sản phẩm dầu cho châu Âu.
Lĩnh vực dầu khí mang lại cho Nga khoảng một nửa thu ngân sách và chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Nga. Năm 2021, các nước EU nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu trị giá 70 tỷ euro từ Nga.
Tại sao một số nước châu Âu không ủng hộ cấm vận năng lượng của Nga?
Ngày 6/5/2022, tại Brussels, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp cấp ngoại trưởng nhằm thảo luận và thông qua lệnh cấm toàn bộ việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Để được chấp thuận, cần phải có sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều nước không nhất trí, trong đó Hungary, Bulgaria, Slovakia và Cộng hòa Séc là những nước phản đối mạnh mẽ nhất.
Phần lớn các nhà máy lọc dầu của châu Âu được xây dựng theo công nghệ lọc dầu nặng của Nga. Việc tìm kiếm các nguồn dầu thay thế từ Trung Đông đòi hỏi những khoản đầu tư lớn để thay đổi công nghệ mới có thể lọc được dầu nhẹ ở vùng Vịnh.
Mặt khác, dầu và khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu được vận chuyển qua các đường ống được xây dựng từ thời Liên Xô, rất thuận tiện với giá thành rẻ hơn nhiều so với vận chuyển bằng tàu biển.
Trong tình hình như vậy, châu Âu khó có thể vượt qua được nếu không có dầu của Nga. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các nước châu Âu vốn đang gặp nhiều khó khăn và khủng hoảng kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết, nước ông không thể thích ứng với việc chế biến dầu nhẹ quá nhanh. Dầu nặng của Nga được chế biến tại Slovnafta. Việc chuẩn bị thay thế toàn bộ công nghệ sẽ mất vài năm. Vì vậy, Slovakia không ủng hộ cấm vận dầu Nga.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói, Budapest sẽ không bỏ phiếu cho việc cấm vận dầu của Nga. Ông cho biết khoảng 65% lượng dầu tiêu thụ của Hungary hiện nay đến từ Nga thông qua đường ống Druzhba được xây dựng từ thời Liên Xô.
Hungary ủng hộ việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu và đã tăng đáng kể nhập khẩu dầu của Kazakhstan, hiện chiếm 16% tổng lượng tiêu thụ của nước này. Tuy nhiên, lượng dầu này chỉ có thể được vận chuyển đến Hungary qua đường ống Druzhba của Nga và điều này cũng sẽ không thể thực hiện được theo lệnh trừng phạt Nga.
Slovakia, Litva, Phần Lan hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung dầu của Nga, Hungary và Ba Lan phụ thuộc hơn một nửa. Đức là nền kinh tế hàng đầu của EU và là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga và nhập khẩu dầu từ Nga đáp ứng một phần ba nhu cầu tiêu thụ của Berlin. Các nhà chức trách của Đức nói có thể từ bỏ dầu của Nga vào cuối năm nay, nhưng phản đối mạnh mẽ lệnh cấm hoàn toàn trong thời điểm hiện nay.
Trong tình hình như vậy, gói trừng phạt thứ sáu về việc loại bỏ ngay lập tức dầu và khí đốt từ Nga vẫn không được thông qua do không đạt được nhất trí của tất cả các nước thành viên EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen
Kinh tế các nước châu Âu chịu nhiều thiệt hại do các lệnh trừng phạt Nga
Lệnh cấm vận năng lượng Nga ảnh hưởng tiêu cực tới chính các nước EU, vì EU nhập khẩu 57,5% tổng số năng lượng tiêu thụ và Nga là nhà cung cấp chính. Hàng năm, châu Âu nhập khẩu khoảng 30% nhu cầu dầu và khoảng 150 tỷ mét khối khí đốt từ Nga.
Xung đột Ukraine đã làm giá khí đốt và giá dầu tăng mạnh. Các chuyên gia kinh tế dự báo giá dầu hiện nay 115 USD/thùng có thể tăng lên tới 200 USD/thùng nếu châu Âu cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga.
Paul Sullivan, thành viên không thường trú tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu trực thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nói với Sky News Arabia: "Liên minh châu Âu thực sự đang phải trả giá cho xung đột ở Ukraine. Nhiều nước EU đang đứng trước khả năng xảy ra một cuộc suy thoái lớn."
Về dầu mỏ: Trước khi bùng nổ xung đột tại Ukraine, mỗi ngày Nga cung cấp cho thị trường thế giới gần 8 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu.Theo đánh giá của S&P Global, do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, thị trường thế giới mất đi khoảng 2 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga làm cho giá dầu có lúc tăng lên hơn 140 USD/thùng và có thể sẽ còn tăng hơn nữa.
Để ngăn chặn giá dầu tăng, Mỹ và các nước phương Tây đã buộc phải can thiệp rút từ nguồn dự trữ chiến lược, mức lớn nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào đầu những năm 1970.
Goldman Sachs - Ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ dự báo nếu châu Âu từ bỏ hoàn toàn dầu của Nga, giá dầu sẽ tăng lên 170 USD/thùng.
Theo tính toán của Conseil d'Analyse Economique - Hội đồng Phân tích Kinh tế (CAE) thuộc chính phủ Pháp, lệnh cấm vận dầu khí của Nga sẽ khiến kinh tế chung của cả khối EU thiệt hại khoảng 0,2-0,3%, và nhiều quốc gia riêng lẻ thiệt hại có thể lên tới 5% GDP.
Thượng viện Pháp là cơ quan đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ muốn áp đặt lên Nga đang gây tổn hại cho chính nền kinh tế của các nước châu Âu.
Bruegel - Tổ chức tư vấn châu Âu chuyên về kinh tế ước tính, với mức tiêu thụ hàng ngày hiện nay là 45 triệu thùng/ngày, nếu thi hành lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, mỗi ngày các nước công nghiệp phát triển sẽ phải tìm nguồn thay thế khoảng 5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga.
Trong tình hình hiện nay, khi các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Ả Rập Saudi, UAE, Iraq Algeria... từ chối tăng sản lượng và các lệnh trừng phạt Iran chưa được dỡ bỏ thì việc mở tất cả các kho dự trữ chiến lược cũng không thể thay thế được toàn bộ nguồn cung từ Nga.
Về khí đốt: Năm 2021, EU đã mua 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga và dự kiến sẽ thay thế 2/3 khối lượng này trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng rất khó có thể nhanh chóng thay thế toàn bộ nguồn cung cấp khổng lồ này của Nga. Lệnh cấm vận hoàn toàn đối với nhập khẩu khí đốt từ Nga là không thực tế, do nhiều quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Khác với dầu mỏ chủ yếu được vận chuyển bằng tàu chở dầu và một phần được bơm qua đường ống, khí đốt chủ yếu được vận chuyển qua đường ống. Khí đốt hóa lỏng chuyên chở bằng tàu biển mới chỉ được sử dụng gần đây với quy mô còn rất nhỏ.
Việc thay thế toàn bộ khí đốt của Nga ở châu Âu bằng khí đốt hóa lỏng là không thực tế, đòi hỏi phải đầu tư xây dựng lại hầu hết cơ sở hạ tầng từ cảng tiếp nhận, kho bãi và hệ thống phân phối. Tình hình còn phức tạp hơn do các nước không có dự trữ khí đốt chiến lược, cũng như không có khả năng tăng sản lượng như dầu mỏ.
Việc từ chối khí đốt của Nga khiến các nước công nghiệp lớn, chủ yếu là Đức lo ngại. Các nhà kinh tế của chính phủ Đức ước tính kinh tế Đức sẽ thiệt hại từ lệnh cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga là 3%.
Trong khi đó, dự báo của Ngân hàng Trung ương Đức còn ảm đạm hơn và ước tính con số thiệt hại có thể lên tới 5% GDP, tương đương 180 tỷ euro. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 12/5/2022 nói, Đức hiện nay không thể áp đặt lệnh cấm cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga.
Các nhà xuất khẩu khí đốt khác cho châu Âu không thể nhanh chóng tăng nguồn cung. Ủy ban châu Âu hy vọng Na Uy, Azerbaijan, Libya và Algeria sẽ thay thế khoảng 10 tỷ mét khối. Con số này cũng chỉ thay thế được hơn 6% nguồn cung cấp của Nga. Tuy nhiên, hiện nay Algeria, Libya và thậm chí Azerbaijan vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của EU.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Mỹ và châu Âu đã phải chịu nhiều thiệt hại kể từ khi bùng nổ xung đột tại Ukraine. Ngày 11/5, Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng Tư vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng kỷ lục trong hơn 40 năm qua, kể từ tháng 12/1981.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát ở châu Âu, đặc biệt các nước khu vực đồng euro cũng tăng lên mức kỷ lục 7,5%. Các nước có mức lạm phát cao nhất là Cộng hòa Séc 14,2%, Hy Lạp 10,2%, Đức 7,3%, Đan Mạch 6,7%.
Mặc dù khó khăn, Nga vẫn đối phó được các lệnh trừng phạt
Dầu khí mang lại cho Nga một nửa thu ngân sách và hơn một nửa giá trị xuất khẩu. Nga bán 70% khí đốt và 60% dầu và các sản phẩm dầu cho châu Âu. Do đó, Mỹ và châu Âu cho rằng. lệnh cấm vận năng lượng là biện pháp triệt để nhất đánh vào nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, chỉ trong hai tháng kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, EU đã phải thanh toán cho Nga hơn 40 tỷ euro tiền mua dầu và khí đốt.
Các chuyên gia kinh tế tính toán rằng, giá dầu và khí đốt tăng kỷ lục, mỗi ngày sẽ có khoảng 1 tỷ đô la chảy vào kho bạc nhà nước của Nga. Khoản tiền lớn này đang giúp Nga chống đỡ được các đòn trừng phạt của phương Tây.
Bloomberg Economics ước tính doanh thu của Nga sẽ tăng 1/3 trong năm nay và có thể đạt 320 tỷ đô la so với 120 tỷ đô la vào năm ngoái. Dòng ngoại hối tăng mạnh như vậy cho phép Ngân hàng Trung ương Nga nới lỏng kiểm soát sự di chuyển vốn và giúp chính phủ các khoản chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nguồn thu ngân sách phi dầu mỏ suy giảm.
Nói cách khác, các lệnh cấm vận dầu khí của châu Âu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không mang lại kết quả mong muốn.
Đồng rúp của Nga tiếp tục tăng vọt so với đồng đô la Mỹ và đồng euro của châu Âu bất chấp Mỹ và EU đưa ra gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga.
Tại phiên giao dịch ngày 12/5/2022 tại Sở giao dịch chứng khoán Moscow, tỷ giá đồng đô la giảm 2,52 rúp xuống 64,63 rúp, trong khi tỷ giá đồng euro giảm 3,53 rúp xuống 66,96 rúp. Đây là mức quy đổi cao kỷ lục của đồng rúp kể từ tháng 6/2017.
Gần đây nhất, đầu tháng 3/2022, ngay sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga, đồng rúp mất giá và lao dốc nghiêm trọng với 140 rúp mới đổi được 1 đô la.
Để ổn định tình hình tài chính và kinh tế Nga, ngay đầu tháng 3/2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố một loạt các biện pháp, trong đó mạnh mẽ nhất là buộc các nhà nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp, tăng lãi suất, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn và các nhà xuất khẩu của Nga phải bán lại 80% thu nhập ngoại hối tại Sở giao dịch chứng khoán Moscow. Các biện pháp này đã góp phần củng cố vị thế của đồng rúp.
Mặt khác, nhiều nước, trong đó có Nga và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn trên thế giới gần đây đã từ chối dùng đồng đô la trong thanh toán, Ấn Độ, Iran sẵn sàng mua hàng của Nga và thanh toán bằng đồng rúp, Ả Rập Saudi là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã đồng ý bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.... có thể là một cú sốc lớn đe dọa vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ. Trong 30 năm qua, đồng đô la bắt đầu mất giá và tỷ trọng dự trữ toàn cầu của nó đã giảm từ 80% xuống 60%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quyết định của Tổng thống V. Putin thanh toán các hợp đồng dầu mỏ và khí đốt của Nga bằng đồng rúp có thể thay đổi các quan hệ kinh tế và hệ thống tài chính quốc tế vốn phụ thuộc vào đồng tiền Petrodollar, đồng thời khiến các lệnh trừng phạt đối với Nga không phát huy được tác dụng mong muốn.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, xung đột Ukraine bước sang tháng thứ tư đã không làm Nga kiệt quệ về mặt kinh tế, mà ngược lại, ngân sách của Nga đang được tăng lên đáng kể do giá dầu khí và đồng nội tệ tăng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jeannette Yellen cho biết: "Chúng tôi đã cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thể hầu như không ảnh hưởng đến Nga, bởi vì mặc dù xuất khẩu giảm nhưng giá sẽ tăng."
Cựu trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc Hans-Christoph von Sponeck còn nói, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thất bại. Các nước phương Tây đã không thuyết phục được nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp hạn chế chống lại Nga. Theo ông, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Pakistan, Nam Phi, nhiều nước châu Phi và Trung Đông đã từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ, và EU chống Moscow./.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.