Đường ống dẫn khí đốt tại trạm Atamanskaya thuộc vùng Amur - Nga. Ảnh: Reuters
Ukraine vẫn là con đường trung chuyển khí đốt chính của Nga tới châu Âu ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự. GTSOU, công ty vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine, cho biết họ sẽ ngừng các chuyến hàng qua tuyến đường Sokhranivka từ ngày 11-5 với lý do "bất khả kháng".
Công ty GTSOU cho biết không thể hoạt động tại trạm khí nén Novopskov do sự can thiệp của lực lượng Nga vào các quy trình kỹ thuật. Theo đó, công ty này nói có thể tạm thời chuyển dòng chảy bị ảnh hưởng đến Sudzha nằm trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, nhằm "thực hiện đầy đủ nghĩa vụ vận chuyển với các đối tác châu Âu".
Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) cho biết về mặt công nghệ, họ không thể chuyển toàn bộ dòng khí đốt hiện tại sang điểm Sudzha xa hơn về phía Tây như GTSOU đề xuất. Theo Reuters, Giám đốc điều hành GTSOU Sergiy Makogon cho rằng lực lượng Nga đã bắt đầu vận chuyển khí đốt qua Ukraine và đưa đến hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía Đông nhưng không đưa ra bằng chứng cho thông tin này.
Trạm khí nén Novopskov là trạm khí nén đầu tiên trong hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine ở vùng Luhansk, tuyến đường vận chuyển khoảng 32,6 triệu m3 mỗi ngày, tương đương 1/3 lượng khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua Ukraine.
Trong khi đó, Hạ viện Mỹ cùng ngày bỏ phiếu thông qua gói viện trợ trị giá 40 tỉ USD cho Ukraine trong nỗ lực tránh gián đoạn hỗ trợ quốc phòng cho kiev. Đạo luật này dự kiến sẽ được thông qua tại Hạ viện và sau đó là Thượng viện trong những ngày tới.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản viện trợ bổ sung 33 tỉ USD cho Ukraine, cảnh báo rằng các khoản tiền được ủy quyền trước đó đã cạn kiệt nhưng các nhà lập pháp Mỹ quyết định tăng thêm số tiền viện trợ.
Gói viện trợ mới cũng bao gồm hỗ trợ nhân đạo 5 tỉ USD để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và gần 9 tỉ USD cho quỹ hỗ trợ kinh tế nhằm hỗ trợ ngân sách cho Ukraine.