Cách trị ngạt mũi sau uống rượu

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào |

Mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng ta cùng gia đình và bạn bè thường nâng chén rượu cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới.

Ly rượu khai xuân đã trở thành một biểu tượng của niềm vui, niềm hạnh phúc. Song với một số người, biểu tượng ấy lại là nỗi ám ảnh bởi sau ly rượu khai xuân, họ bị rơi vào tình trạng vô cùng khó chịu - ngạt mũi do cơ thể mẫn cảm với đồ uống có cồn...

Ngạt mũi sau uống rượu

Sau những lời chúc, những tiếng leng keng của cụng ly..., bạn bị rơi vào tình trạng dở khóc dở cười: Phải thở bằng miệng, khụt khịt, chảy nước mũi và thay đổi giọng nói... Tình trạng tồi tệ này có thể xảy ra ngay sau khi bạn uống rượu hoặc vài giờ sau đó. Thật bất tiện khi đang trong những cuộc vui trang trọng chúng ta lại bị như vậy.

Điều này thực sự làm bạn bị ức chế và ngại tiếp xúc, thậm chí ngại đi giao lưu bạn bè vào dịp Tết. Song bạn có thể phòng tránh được tình trạng bất tiện này.

Ngạt tắc mũi sau uống rượu là một tình trạng dị ứng đồ uống, khi các phân tử rượu đi vào máu, lập tức hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra đây là một loại không thích hợp với cơ thể (dị nguyên) và phản ứng lại bằng cách giải phóng ra các chất làm giãn mạch (các chất histamin...) kích thích các mạch của cơ thể giãn ra, trong đó có hệ thống mạch nằm trong cuốn dưới của mũi.

Hậu quả là cuốn mũi nở to ra chèn lên hốc mũi gây ngạt thở, đồng thời kích thích các cơn hắt hơi và tăng tiết dịch mũi.

Cách trị ngạt mũi sau uống rượu - Ảnh 1.

Một số biện pháp không dùng thuốc trị ngạt mũi hiệu quả.

Sử dụng thuốc dự phòng ngạt mũi sau uống rượu

Bạn có thể dự phòng những phản ứng đó bằng cách mang theo một số loại thuốc sau:

Thuốc dạng hít với thành phần: menthol, camphor, eucalyptol, tinh dầu bạc hà, thymol, dầu parafin. Cần lưu ý chỉ dùng thuốc hít cho trẻ trên 5 tuổi và người lớn.

Cách sử dụng: Hít từ từ vào mũi, hít 2-3 lần thường sẽ ngưng các dấu hiệu đã được mô tả ở trên. Không nên hít quá nhiều lần cùng một lúc. Bạn cần ngưng sử dụng ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu dị ứng như mẩn ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi...

Các thuốc kháng histamin là một loại thuốc dùng để ngăn chặn tác dụng của histamin được giải phóng.

Khi có một chất nào đó tiềm năng có hại và không biết rõ ràng đi vào cơ thể chúng ta, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ hoạt động lại bằng cách khởi động một số cách để bảo vệ (gọi là đáp ứng miễn dịch).

Histamin là một trong những chất ly giải trong quá trình đáp ứng miễn dịch. Công việc của nó là giúp các mô tổn thương lành lại, tuy nhiên, khi làm điều này thì thuốc kháng histamin lại gây sưng phồng, ngứa và đỏ.

Nếu chúng ta bị dị ứng với một chất nào đó, cơ thể chúng ta sẽ đáp ứng lại và tiết ra histamin. Thuốc kháng histamin làm lắng dịu các phản ứng dị ứng xảy ra trong cơ thể khi bị một chất lạ xâm nhập.

Một số tác dụng không mong muốn khi dùng các thuốc kháng histamin: nhức đầu, đi tiểu khó, khô miệng, nhìn mờ, cảm giác đau họng hoặc buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, kích ứng da hoặc mắt, đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp...

Khi dùng thuốc kháng histamin, bạn cần chú ý một số điểm sau:

- Thuốc chống dị ứng cũng có thể khiến cơ thể bạn bị dị ứng.

- Thuốc chống dị ứng không phải là thuốc bổ, nên bạn cần thận trọng như bất kỳ thuốc nào khác.

- Dùng bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây độc, kể cả thuốc chống dị ứng vì các tác dụng không mong muốn.

Và các biện pháp không dùng thuốc

Bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp y học cổ truyền như: Dùng ngón trỏ và ngón giữa day bấm nhẹ vào huyệt nghinh hương nằm hai bên cánh mũi khoảng 2 - 3 phút. Phương pháp này sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng một lúc dùng 3 ngón tay bấm vào huyệt nghinh hương và huyệt nhân trung nhiều lần/ngày, nó sẽ làm giảm tình trạng ngạt mũi rất hiệu quả. Lưu ý khi bấm không nên ấn mạnh tay vì móng tay sẽ làm tổn thương da.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại