Nhiều công ty nhà nước của Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội cơ bản khi xây dựng loạt dự án đập nước lớn trên thế giới, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) trích dẫn cảnh báo của tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers - IR), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ.
Cụ thể, trong một báo cáo mới công bố gần đây, tổ chức này cho biết có rất nhiều công ty của Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về xã hội và sinh thái, ví dụ như bộ tiêu chuẩn của Tập đoàn Tài chính Quốc tế - một đơn vị thuộc Ngân hàng thế giới (WB).
Các nhà nghiên cứu của IR nói rằng các công ty Trung Quốc "thường xuyên thỏa hiệp về các mục tiêu xã hội - môi trường, và sau đó hành động bất chấp các chính sách họ đã đề ra để hoàn thành các chỉ tiêu đúng thời hạn và đảm bảo không vượt ngân sách cho phép".
"Nếu các công ty muốn được coi là đạt tiêu chuẩn trong lĩnh vực này, thì họ cần hoàn thành một số điều kiện trước khi khởi công một dự án", ông Josh Klemm, Giám đốc chính sách của IR và là một trong những tác giả của báo cáo trên, cho biết.
Theo SCMP, báo cáo của IR được thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn và làm việc trực tiếp tại 7 dự án đập nước ở Uganda, Bờ biển Ngà, Pakistan, Lào, Chile và Campuchia từ năm 2016-2019.
Ngoại trừ dự án đập Alto Maipo ở Chile, thì 6 dự án còn lại đều do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm. Các công ty Trung Quốc cũng phụ trách tới 2/3 số công trình đập nước lớn trên toàn thế giới.
Đập thủy điện Neelum-Jhelum tại khu vực do Pakistan kiểm soát ở Kashmir. Ảnh: AFP
Công ty Trung Quốc phủ nhận trách nhiệm
Trong số 7 dự án nói trên, có đến 4 công trình không công khai bản đánh giá tác động tới môi trường, và nhiều dự án không xét đến những mối lo ngại ở địa phương trong bản đánh giá của họ, theo báo cáo của IR. Chỉ có duy nhất một dự án thực hiện nghiêm túc yêu cầu đánh giá tác động tới môi trường trước khi khởi công xây dựng.
Các công ty Trung Quốc "đổ trách nhiệm cho chính quyền địa phương", và nói rằng những vấn đề nói trên không nằm trong nghĩa vụ của họ, IR cho biết.
Tại Uganda, công ty Điện Nước Quốc tế Trung Quốc - thuộc tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc - đã khởi công dự án nhà máy thủy điện Isimba trên sông Nin Trắng, bất chấp những lời cảnh báo rằng đập nước này sẽ nhấn chìm các khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng.
Đập nước trị giá 568 triệu USD này đã nhận 85% vốn đầu tư từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực rìa núi Kalagala, thác nước Kalagala - một khu bảo tồn văn hóa, tinh thần và đa dạng sinh học của cộng đồng địa phương.
"Hồ trữ nước Isimba đã nhấn chìm một số ghềnh nước trắng quan trọng, gây tác động xấu tới ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế địa phương nói chung", báo cáo của IR cho biết. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu Trung Quốc vẫn chưa tiến hành đánh giá thiệt hại, dù họ đã có kế hoạch xây thêm đập nước tại khu vực này.
Trả lời phỏng vấn của IR, công ty Điện Nước Quốc tế Trung Quốc đã đổ trách nhiệm cho chính quyền Uganda khi đã không thực hiện các cuộc đánh giá tác động.
Tại Pakistan, việc đánh giá tác động của dự án thủy điện Neelum-Jhelum trên sông Neelum được thực hiện trong thời gian công trình này được xây dựng, và đến 3 năm sau nó mới được công bố.
Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc, nhà thầu dự án thủy điện Neelum-Jhelum, khẳng định rằng theo hợp động, việc đánh giá tác động và bố trí cho người dân tái định cư là trách nhiệm của người sở hữu công trình này - Cơ quan Quản lý Phát triển Điện lực Pakistan.
Khi được hỏi về những tác động xấu tới môi trường, một quản lý cấp cao của tập đoàn Gezhouba cho biết dự án thủy điện Neelum-Jhelum sẽ không gây ra vấn đề trầm tích vì họ đã điều chỉnh cấu trúc dòng chảy tầng đáy, thay vì xây dựng các đập tràn chặn bề mặt sông thông thường.
Theo đó, bể trầm tích được xây dựng sẽ được lắp đặt thiết bị rửa trôi cát, và số cát này sẽ được đưa ngược lại về sông Neelum.
Và ở Bờ biển Nga, công ty Thủy điện Quốc tế Trung Quốc đã bỏ qua những lo ngại về vấn đề môi trường, hơn nữa cũng không thiết lập một cơ chế khiếu nại dành cho cộng đồng bị ảnh hưởng vì dự án nhà máy thủy điện Soubré, báo cáo của IR cho biết. Dự án trị giá 572 triệu USD này cũng nhận phần lớn tiền đầu tư từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.
Ngay cả công ty của Mỹ cũng bất chấp những "cảnh báo đỏ"
IR nói rằng các nhà thầu thường xuyên phớt lờ những dấu hiệu được coi là "cảnh báo đỏ" tại các dự án này.
Công ty Thủy điện Sông Huaneng Lancang của Trung Quốc đã khởi công dự án thủy điện Lower Sesan 2 tại Campuchia, bất chấp làn sóng phản đối của cộng đồng địa phương.
Còn tại Chile, công ty AES của Mỹ cũng xây dựng dự án Alto Maipo bất chấp sự phản đối của công chúng về những tác động tiêu cực của dự án này đối với nguồn cung cấp nước uống cho thủ đô Santiago.