Người Trung Quốc đau đầu vì loài thực vật ngoại lai
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong), các nhà khoa học Trung Quốc đang nhân giống hàng triệu con bọ cánh cứng để giải quyết một loại thực vật xâm lấn đang đe dọa hệ sinh thái sông Dương Tử (Trường Giang), đặc biệt là dòng chảy ở khu vực đập Tam Hiệp - công trình được ghi nhận là con đập lớn nhất thế giới.
Loài thực vật thủy sinh có tên khoa học là Alternanthera philoxeroides vốn mọc ở Nam Phi, nhưng vào năm 1937 - khi quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, loài cỏ này đã được đưa tới trồng trên sông Dương Tử để làm thức ăn cho ngựa. Cho tới tận thập niên 1980, các nhà khoa học mới nhận ra điều người dân sinh sống dọc bờ sông vốn đã biết từ lâu - rằng loài thực vật này thực sự gây hại cho hệ sinh thái ở Trung Quốc.
Sau Thế chiến II, loài cỏ này đã được trồng ở khắp miền Nam Trung Quốc để làm thức ăn cho động vật, làm cảnh và thậm chí làm dược liệu. Nhưng, cái giá phải trả không hề rẻ. Loài thực vật ngoại lai này không chỉ lấy hết dinh dưỡng, ánh sáng và đất màu của cây lương thực, mà còn bắt đầu gây hại tới các loài thủy sản.
Người nông dân đã tìm đến nhiều biện pháp để xử lý loài thực vật khó ưa này, từ xe ủi đất đến thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, các biện pháp này thường đắt đó và gây hại cho môi trường, nhưng lại không diệt được tận gốc loài cỏ ngoại lai.
Một nhà kính nuôi bọ cánh cứng ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Các công trình sư cho biết sự phát triển nhanh chóng của loài cỏ Nam Phi có thể khiến các lưới lọc ở nhiều cơ sở như đập Tam Hiệp bị tắc nghẽn, ngăn lưu lượng nước chảy để các tuabin hoạt động, làm giảm công suất hoạt động của đập thủy điện và ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Dương Tử.
Vào đầu thập niên 90, Giáo sư Zhang Guoliang và các đồng nghiệp tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa loài bọ cánh cứng ăn loại cỏ này từ Mỹ về Trung Quốc để thử nghiệm, sau khi họ nghe nói các nhà khoa học Mỹ đã áp dụng thành công ở California và các bang miền Nam nước Mỹ.
Loài bọ cánh cứng có tên là Agasicles hygrophila được các nhà khoa học Trung Quốc đưa về có tốc độ nhân giống rất nhanh, và thực sự chúng đã giải quyết được một phần vấn đề cỏ dại tại các khu vực có khí hậu ấm hơn ở miền Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Giang Tây, Quảng Tây.
Tuy nhiên, tại khu vực sông Dương Tử, nơi có khí hậu lạnh giá vào mùa đông, loài bọ cánh cứng này thường không thể sống sót tới mùa xuân năm sau, theo các nhà khoa học thuộc đội ngũ của ông Zhang.
Trong khi đó, tại các tỉnh như Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang... nằm dọc sông Dương Tử và gần đập Tam Hiệp, loài thực vật ngoại lai vẫn tiếp tục sinh trưởng mạnh mẽ và khiến những vấn đề ở khu vực này càng thêm tồi tệ, dù mỗi năm chính quyền địa phương phải chi hơn 1 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 141 triệu USD) để thuê máy móc và mua các loại hóa chất diệt cỏ.
"Nếu không có biện pháp ngăn chặn, loại cỏ này có thể phủ kín toàn bộ mặt hồ", một nhà khoa học thuộc đội ngũ của giáo sư Zhang cho biết. "Một số nhánh của sông Dương Tử bị chúng bịt kín, khiến nước sông tràn cả lên bờ."
"Khắc tinh" của loài cỏ ngoại lai Nam Phi. Ảnh: Alamy
"Đội quân 6 chân"
Một thập kỷ sau ngày loài bọ cánh cứng được đưa về Trung Quốc, ông Zhang tiếp tục đưa ra một ý tưởng táo bạo: Xây dựng một nhà kính dành riêng cho "đội quân 6 chân" để giúp chúng sống sót qua mùa đông lạnh giá, và khi mùa xuân đến, "đội quân" này sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của chúng.
Tuy nhiên, phương án này cũng vấp phải nhiều trở ngại do loài bọ cánh cứng này rất phàm ăn, và chưa một ai từng thành công với ý tưởng này.
Đội ngũ của ông Zhang đã mất gần một thập kỷ để biến ý tưởng khó khăn ấy thành sự thực. "Đã có lúc chúng tôi muốn bỏ cuộc", ông nói.
Cuối cùng, những nỗ lực của họ đã được đền đáp. Kể từ năm 2012, các trang trại nuôi bọ cánh cứng đã được xây dựng dọc sông Dương Tử, và mỗi năm các cơ sở này nhân giống được hơn 90 triệu con.
"Đội quân 6 chân" này sẽ được thả vào một vùng có diện tích 250 km2, và chúng có thể "xử lý" một diện tích cỏ lớn gấp 5 lần.
Đầu tiên, những người nông dân ở quanh khu vực này vẫn rất hồ nghi về phương pháp mới, theo ông Xiong Jialin, quản lý một nông trại bọ cánh cứng ở Hồ Bắc, cho biết. Họ lo lắng rằng loài bọ này sẽ không chỉ ăn cỏ, mà còn ăn cả những loại cây trồng và hoa màu bản địa.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm hơn 100 loài cây bản địa, và rất may mắn là "đội quân 6 chân" của họ không hề hứng thú với các loài thực vật này.
Theo số liệu của chính quyền tỉnh Hồ Bắc, chi phí sử dụng bọ cánh cứng chỉ bằng 1/3 so với chi phí dùng thuốc diệt cỏ, và bằng 1/10 so với sử dụng máy móc.
Những người nông dân địa phương đã thực sự bị thuyết phục khi chứng kiến đám bọ cánh cứng "xử lý" gọn ghẽ hơn 80% số cỏ dại trên các ao, hồ trong khu vực.
Tất nhiên, cách làm này cũng chưa thể xử lý triệt để vấn đề thực vật xâm lấn phát triển mạnh trên sông Dương Tử. Ông Zhang Boting, một nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thủy năng và Nguồn nước Trung Quốc, cho biết vấn đề gốc rễ nằm ở nguồn dinh dưỡng của loài thực vật này - tức các nguồn nước thải từ các thành phố và thị trấn lân cận.
"Bọ cánh cứng có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên chúng chỉ là một phần trong chiến dịch lớn nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối này", ông Zhang kết luận.