Ca "cứu thận" ngoạn mục cho một bệnh nhân 20 tuổi bị vỡ thận

Ngọc Minh |

Bác sĩ Nguyễn Duy Thịnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thanh nhàn khuyến cáo thời gian gần đây số lượng bệnh nhân bị vỡ gan, vỡ thận tới viện can thiệp đang tăng.

Hình ảnh phim chụp thận bị vỡ của bệnh nhân, ảnh BSCC.

Hình ảnh phim chụp thận bị vỡ của bệnh nhân, ảnh BSCC.

Theo đó, đa phần các trường hợp bị vỡ nội tạng chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đều là do tai nạn giao thông do liên quan tới rượu bia, tai nạn lao động.

Mới đây, bác sĩ Thịnh đã tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên trẻ (20 tuổi) vào viện trong tình trạng chấn thương, mạch nhanh, huyết áp tụt. Qua điều tra tiền sử bệnh nhân bị bất cẩn không tuân thủ an toàn về lao động nên đã ngã từ giàn giáo trên cao xuống đất. Các kết quả khám chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị vỡ thận trái và tổn thương ngoài da một vùng lớn trên lưng.

Theo bác sĩ Thịnh các bệnh nhân bị vỡ gan, thận, lá lách trước kia sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ cơ quan bị vỡ. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để phục hồi, lành vết thường.

Ca cứu thận ngoạn mục cho một bệnh nhân 20 tuổi bị vỡ thận - Ảnh 1.

Bệnh nhân sau khi can thiệp đã tỉnh táo, ảnh BSCC.

Với trường hợp 20 tuổi vỡ thận trên, nếu như trước kia thường sẽ phải phẫu thuật cắt thận cầm máu. Việc mất đi một bên thận sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bệnh nhân sau này.

Hiện nay, với sự phát triển của y học các bệnh nhân trên đã được áp dụng can thiệp nội mạch. Với kỹ thuật  chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), phương pháp này tiếp cận động mạch các tạng, xác định nguồn chảy máu, sau đó bơm vật liệu nút mạch gây tắc các nhánh tổn thương, bảo tồn các nhánh mạch lành.

Ngay sau đó, êkip đã thực hiện can thiệp cấp cứu để bảo tổn thận cho bệnh nhân. Với trường hợp bệnh nhân vỡ thận này sau khi hội chẩn ekip đã quyết định can thiệp mạch qua động mạch quay.

Bệnh nhân được can thiệp chỉ với 1 vết chọc nhỏ ở cổ tay, không để lại sẹo, không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ. Sau can thiệp bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, 5 ngày sau xuất viện.

Bác sĩ Thịnh cho biết, phương pháp can thiệp mạch sẽ xâm lấn tối thiểu không gây mê gây chỉ gây tê tại chỗ, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.

 "Phương pháp can thiệp mạch qua động mạch cánh tay điều trị chấn thương thận đã bảo tồn thận cho bệnh nhân. Trước đây thường can thiệp qua đường động mạch đùi và bệnh nhân phải nằm bất động một thời gian dau can thiệp. Đây cũng là cách can thiệp sáng tạo của ekip bệnh viện Thanh Nhàn "cứu" quả thận cho bệnh nhân", bác sĩ Thịnh nói.

Ca cứu thận ngoạn mục cho một bệnh nhân 20 tuổi bị vỡ thận - Ảnh 2.

Hình ảnh can thiệp bảo tồn thận qua mạch tay, ảnh BSCC.

Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, không chỉ vỡ thận do tai nạn lao động tới bệnh viện tăng mà gần đây số bệnh nhân vỡ nội tạng do tai nạn gặp tai nạn giao thông có liên quan tới rượu cũng tăng. Số lượng những bệnh nhân gặp tai nạn vỡ tạng thường tăng nhiều vào các ngày nghỉ, lễ, tết.

Với những bệnh nhân gặp tai nạn sinh hoạt hay tai nạn giao thông bị vỡ lá lách, vỡ gan, vỡ thận… nếu không được can thiệp kịp thời sẽ phải cắt bỏ tạng bị vỡ đó và sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe sau này.

Bác sĩ Thịnh cũng khuyến cáo: "Để tránh nguy cơ bị vỡ nội tạng gan, thận, lá lách mọi người cần lưu ý đảm bảo an toàn khi tham gia lao động. Khi tham gia giao thông khi uống rượu bia. Bởi vì, khi uống rượu mọi người sẽ rất khó để điều khiển xe an toàn và gặp tai nạn bất cứu lúc nào.

Người dân nếu sau tai lao động, tai nạn xe, tai nạn sinh hoạt cần phải đi khám ngay để phát hiện những tổn thương sớm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại