Bún bò Huế, ảnh minh hoạ.
Ước tính có khoảng 500 học sinh trường tiểu học Saijo, thuộc thành phố Saijo, đã được thưởng thức món bún bò Huế. Hầu hết các học sinh được hỏi sau khi thưởng thức món ăn này đều bảy tỏ sự thích thú và hài lòng.
Được biết, 2 thành phố Huế và Saijo hiện đang thiết lập mối quan hệ hữu nghị. Việc đưa các món ăn Việt Nam vào thực đơn của trường tiểu học và trung học có thể giúp quảng bá nền ẩm thực Việt Nam đến với người Nhật nhiều hơn.
Bún bò Huế còn có nhiều tên gọi khác: bún Huế, bún bò giò heo, bún bò giò chả... Nguyên liệu chính là bún gạo, thịt bò, thịt heo. Bún bò Huế gồm đủ thứ, đủ mùi, đủ vị, đáp ứng được sở thích, yêu cầu của từng người, từng giới, từng lúc, từng nơi...
Bún bò Huế, ảnh minh hoạ.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam do Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố, 1 tô bún bò cỡ vừa sẽ được chế biến với khoảng 150g bún cùng với 100g bắp, 50g rau muống, 50g hành tây, vài lát thơm và nước dùng. Như vậy, dựa vào các phân tích trên thì 1 tô bún bò sẽ có 165 calo của bún, 224 calo của bắp bò, 15 calo của rau muống, 20 calo của hành tây và thơm, 110 calo của nước hầm xương heo. Tổng số calo trong một tô bún bò vào khoảng 534 calo.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết về giá trị dinh dưỡng của một tô bún bò Huế, khó có thể đưa ra một con số chung. Điều này còn phụ thuộc vào bát bún to hay nhỏ, người ăn gọi đủ đồ hay thêm bớt đồ…
Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã công bố định lượng dinh dưỡng cụ thể trong tô bún bò như sau: Protein 28,3g; Lipid 16,7g; Glucid 65,1g; Chất xơ 1,4g; Vitamin A 123 mg; Beta-caroten 1370mg; Vitamin C 61,7mg; Canxin 81,1mg; Sắt 17,9mg; Natri 686,9mg; Kali 234mg; Kẽm 1,6mg; Cholesterol 45,4mg.
Với những giá trị dinh dưỡng này, một tô bún bò Huế cung cấp năng lượng tương đương một bữa ăn chính trong ngày. Bún bò Huế là một món ăn khá đa dạng về thành phần do có nhiều thực phẩm kết hợp với nhau như tinh bột, protein, chất béo, rau…
Theo vị chuyên gia dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trong tô bún bò là rất cao nhưng chất xơ lại thấp chỉ 1,4g. Lượng muối trong một tô bún bò Huế cũng khá cao so với nhu cầu của 1 người/ngày.
Cụ thể, một người trưởng thành được khuyến cáo chỉ sử dụng dưới 5g muối/ngày, nhưng ăn 1 bát bún bò Huế đã có 1,17g. Muối còn được bổ sung từ nhiều nguồn khác trong ngày.
Bác sĩ Hưng cho biết bún bò Huế là một món ăn ngon, khi ăn món này cần phải có một vài điều lưu ý như sau:
- Cần bổ sung thêm rau vào khẩu phần ăn, có thể ăn thêm rau sống, rau chần ăn kèm. Bởi theo khuyến cáo, mỗi bữa nên ăn 1 khẩu phần rau, trong đó một khẩu phần rau tương đương với bằng miệng một bát ăn cơm.
- Nên hạn chế cho thêm các gia vị có chứa muối, không nên ăn hết nước, vì như vậy chúng ta đã nạp tối đa lượng muối có trong một bát bún vào cơ thể.
Ngoài ra, do đặc trưng của món bún bò Huế là có vị cay, do vậy khi ăn mọi người nên ăn cay theo khẩu vị, người có tiền sử viêm loét dạ dày và trẻ nhỏ cần lưu ý không nên ăn quá cay. Không nên ăn quá thường xuyên, mỗi tuần chỉ nên ăn từ 1 đến 2 lần.
Trường hợp nếu ăn bún bò Huế ngoài cửa hàng, chỉ nên ăn phần bánh và thịt và một chút nước để tránh dung nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Lưu ý không nên cho thêm nước béo hay gọi quẩy ăn cùng để tránh thêm chất béo trong khẩu phần ăn.